Thế giới

Chuyên gia nói về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ

Một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ tăng ngân sách quốc phòng năm 2018 và phần lớn trong số đó sẽ được chi cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Chuyên gia nói về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ

Ngày 30/5, Bộ quốc phòng Mỹ chính thức công bố đổi tên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á thuộc đại học Fudan-Thượng Hải, giáo sư  Du Youkang có bài phân tích đăng trên tờ “Hoàn Cầu” nói rằng, những điều đó dường như thể hiện rằng, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đã không còn nằm trên bàn giấy mà đã bước vào giai đoạn thực hiện và mở rộng.

Đổi tên nhưng chưa thể tuyên bố thay đổi chiến lược chỉ cho thấy Mỹ chú trọng hơn khu vực Ấn Độ Dương, coi trọng Ấn Độ hơn. Mỹ về cơ bản chưa đề cập đến chiến lược chính trị và kinh tế và đặc biệt là việc Ấn Độ và các nước khác ngày càng chú ý tăng cường hợp tác kinh tế, do đó rất khó để đưa ra những biện pháp cụ thể.

So với chiến lược trước đó, sự thay đổi trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ chủ yếu được phản ánh trong sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với hợp tác quốc tế. Trước kia, hợp tác quốc tế là một phần quan trọng không thể thiếu trong chiến lược an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng hiện nay, hệ thống đồng minh và hợp tác quốc tế trở thành nền tảng của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ.

Điều đó cho thấy, kết quả cuối cùng của chiến lược mới này phụ thuộc vào thái độ và mức độ hợp tác của các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ và Nhật Bản. Trên phương diện này, đối với Mỹ mà nói, chưa có gì là chắc chắn cả.

Đối với Nhật Bản, quan điểm của nước này đối với tình hình quốc tế đang có nhiều thay đổi lớn. Những biểu hiện thiếu chắc chắn của Mỹ đã khiến Nhật suy giảm sự tin cậy về chiến lược với Mỹ. Gần đây, Nhật Bản đang có những điều chỉnh tích cực trong quan hệ với Trung Quốc. Mặc dù những điều chỉnh này chưa đủ để thay đổi sự ủng hộ của Nhật Bản đối với quan hệ đồng minh và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Song phần nào sẽ ảnh hưởng đến cách thức và mức độ tham gia vào chiến lược đó.

Ấn Độ từng tăng cường thúc đẩy quan hệ với Mỹ nhằm cân bằng với Trung Quốc, đồng thời nhờ đó phục hồi nền kinh tế. Nhưng hiện nay, đang xuất hiện nhiều hơn tâm lý đề phòng Mỹ bởi nhiều mục tiêu không thực hiện được. Kinh tế Ấn Độ chịu nhiều tổn thất khi Mỹ thực hiện siết chặt thị thực lao động và các biện pháp thương mại khác. Về khoa học công nghệ, Mỹ không chỉ hạn chế chuyển nhượng công nghệ của mình cho Ấn Độ mà còn ràng buộc giao dịch công nghệ giữa Ấn Độ với các đồng minh của Mỹ.

Bài viết nhấn mạnh, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương thể hiện rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương. Điều đó sẽ là một áp lực đáng kể đối với Ấn Độ trong tương lai, trừ phi Ấn Độ chấp nhận vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực này, giống như Nhật Bản và Úc ở khu vực Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn ở chỗ chính sách của Mỹ không đồng nhất giữa các khu vực. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đòi hỏi Mỹ phải thể hiện một biểu tượng trách nhiệm quốc tế, đảm bảo an ninh và các lợi ích liên quan cho đồng minh và các nước hợp tác. Song khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” và “nước Mỹ vĩ đại trở lại” đang khiến các nước hợp tác với Mỹ ngày càng không yên tâm. Hàng loạt những biện pháp gần đây của Mỹ trong lĩnh vực thương mại và vấn đề có tính khu vực đang cô lập Mỹ trong cộng đồng quốc tế.

Cuối cùng, bài viết kết luận, chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện nay chưa phải là một “chiến lược”, mà mới chỉ là “tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương”, nó thiếu các giải pháp cụ thể. Mỹ không nắm chắc trong tay xu thế phát triển của chiến lược này, mà phải chịu ảnh hưởng của tình hình quốc tế. Đó là một chiến lược thiếu chắc chắn.

Theo Đỗ Trọng Phương (Tiền Phong)