Thế giới

Chuyện gì xảy ra sau phán quyết biển Đông của PCA?

Cho dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết như thế nào về biển Đông, vụ kiện do Philippines khởi xướng chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các bên liên quan ở vùng biển quan trọng bậc nhất thế giới này.

Cho dù Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết như thế nào về biển Đông, vụ kiện do Philippines khởi xướng chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các bên liên quan ở vùng biển quan trọng bậc nhất thế giới này.

PCA sẽ phán quyết "đường chín đoạn" không hợp lệ?

Nếu PCA quyết định rằng quyền hàng hải bắt nguồn từ đất chứ không phải từ quyền lịch sử hay các bản đồ cổ thì sẽ mở ra kết luận rằng tuyên bố đường 9 đoạn do Trung Quốc đơn phương đặt ra là không hợp lệ.

Từ đó, quy mô vùng tranh chấp đối với quần đảo Trường Sa sẽ thu hẹp lại.

Riêng có bãi đá ngầm Scarborough là khu vực duy nhất bên ngoài quần đảo Trường Sa trong vụ kiện của Philippines. Khu vực 12 hải lý quanh bãi đá ngầm này cũng không chồng lấn với bất cứ đảo nổi nào. Nó chỉ chồng lấn với cái gọi là “đường chín đoạn” phi lý do Trung Quốc đơn phương vẽ ra.

Nếu PCA tuyên bố đường chín đoạn này là vô nghĩa thì sẽ không còn tranh chấp nào về Scarborough. Tuy nhiên, đối với quần đảo Trường Sa, các đảo, rạn san hô, bãi đá ngầm ở đây có nhiều bên cùng tuyên bố chủ quyền , không chỉ Trung Quốc, Philippines mà còn có Việt Nam, Đài Loan và Malaysia.

Nếu PCA kết luận các cấu trúc tại Trường Sa "chỉ là đảo đá và chỉ có vùng biển tối đa là 12 hải lý" thì vùng biển tranh chấp tại biển Đông sẽ được thu hẹp. Tuy nhiên, nếu PCA cho rằng "có 1 hoặc nhiều cấu trúc tại Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đến 200 hải lý" thì sẽ gây ra không ít xáo trộn.

 Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

Trung Quốc xây dựng trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters

 

Tại sao Trung Quốc không tham gia?

Trung Quốc cho rằng Philippines đang tìm kiếm một phán quyết rõ ràng về chủ quyền ở biển Đông. Họ tranh luận rằng Tòa Công lý Quốc tế mới giải quyết vấn đề liên quan tới chủ quyền - vốn nằm ngoài phạm vi pháp lý của UNCLOS, chứ không phải Tòa Trọng tài Thường trực.

Không những không tham gia mà Trung Quốc còn tuyên bố không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của PCA – vốn được giới chuyên gia quốc tế dự đoán là sẽ bất lợi đối với Trung Quốc.

Nếu phán quyết bất lợi cho Trung Quốc?

Căng thẳng đang gia tăng trước thềm phán quyết của PCA. Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa trong khi các tàu khi trục của Mỹ đang tuần tra quanh các rạn san hô và đảo do Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng được triển khai tuần tra ở biển Đông.

Nhận định về phản ứng của Bắc Kinh sau khi PCA đưa ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc vào ngày 12-7 tới, chuyên gia Harry Kazianis, thuộc Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) đã đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, vị chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết và vẫn khăng khăng luận điệu phi lý rằng biển Đông là vùng biển thuộc chủ quyền của mình.

Lựa chọn thứ hai có khả năng lớn hơn mà chính Trung Quốc đã không giấu giếm trong thời gian qua, đó là nước này sẽ tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông. Trung Quốc cũng có thể tìm cách xây dựng đảo trên bãi đá ngầm Scarborough chiếm đóng của Philippines. Bước đi này được cho là “lằn ranh đỏ” đối với sự quan ngại của Mỹ.

Về phía Mỹ, dự kiến phản ứng là đẩy mạnh các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý, đồng thời cùng các đồng minh gây sức ép để Bắc Kinh phải tôn trọng phán quyết của PCA.

Washington cũng có thể sẽ đưa tàu chiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo do Trung Quốc đòi chủ quyền bất hợp pháp. Hiện Nhật Bản cũng dự kiến sẽ đưa thêm tàu tới biển Đông để trợ giúp Mỹ tuần tra tự do hàng hải.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ phải chịu áp lực từ các bên liên quan khác có tranh chấp ở biển Đông, và phải đối mặt với các vụ kiện tương tự.

Nếu PCA phán quyết có lợi cho Trung Quốc?

Đây là phương án mà giới chuyên gia tin rằng ít có khả năng xảy ra nhất. Một trong những lý do Trung Quốc khăng khăng tuyên bố không chấp nhận phán quyết này ngay cả khi nó chưa được công bố chính là do sợ phán quyết sẽ bất lợi với mình.

Tuy nhiên, nếu PCA đưa ra một phán quyết công nhận các quyền lịch sử, bản đồ cổ và tuyên bố đường chín đoạn của Trung Quốc, thì phán quyết này về kỹ thuật Trung Quốc sẽ có cơ sở pháp lý để sử dụng vũ lực đẩy các đối thủ ra khỏi biển Đông.

Theo Đ.Quyên (Nld.com.vn)