Thế giới

Chính quyền Trump đề xuất ngân sách 4.400 tỉ USD, tăng chi quốc phòng, hạ tầng

Dự thảo ngân sách cũng đề xuất cắt giảm chi tiêu các chương trình an sinh xã hội, y tế, và Bộ Ngoại giao.

Chính quyền Trump đề xuất ngân sách 4.400 tỉ USD, tăng chi quốc phòng, hạ tầng
Ngân sách chi tiêu tài khóa 2019 được công bố ngày 12.1

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12.2 trình lên quốc hội kế hoạch chi tiêu 4.400 tỉ USD cho tài khóa 2019, trong đó ngân sách cho quân đội được tăng mạnh. 

Dự thảo ngân sách cũng đề xuất cắt giảm chi tiêu các chương trình an sinh xã hội, Bộ Ngoại giao... và tăng nhiều cho xây dựng cơ sở hạ tầng, quốc phòng. Con số 4.400 tỉ USD tăng 10% so với năm 2017.

Theo đó, Nhà Trắng dự kiến chi 200 tỉ USD trong 10 năm tới để kiến thiết hệ thống cơ sở hạ tầng mà thực trạng, theo ông Trump mô tả, là "đã tan nát". Chính quyền cho rằng khoản chi này sẽ thúc đẩy các cơ quan chính quyền và nhà đầu tư chi thêm 1.500 tỉ USD cho hệ thống cầu đường ở Mỹ.

Về quân sự, chính quyền Trump đề xuất 716 tỉ USD cho quân đội, trong đó phần lớn cho chi tiêu của Lầu Năm Góc, và 69 tỉ USD cho các cuộc chiến tranh mà Mỹ tham gia trong tài khóa 2019.

Đây là khoản ngân sách cao nhất từ năm 2011 và cao hơn 74 tỉ USD so với ngân sách năm 2018. Nổi bật trong ngân sách đề xuất cho Lầu Năm Góc là khoản chi thêm 30 tỉ USD cho các cơ quan bảo dưỡng kho vũ khí hạt nhân của Bộ Năng lượng.

Nhà Trắng dành 24 tỉ USD để hiện đại hóa tam giác hạt nhân chiến lược trên biển, trên bộ và trên không. Ngoài ra, quân đội sẽ mua thêm 10 tàu chiến, 77 máy bay tàng hình F-35, 24 tiêm kích F-18.

Về biên giới, Nhà Trắng đề xuất 1,6 tỉ USD cho giai đoạn hai của việc xây tường ở biên giới. Đề xuất gần nhất của chính quyền Trump cho việc xây tường vẫn đang chờ quốc hội thông qua.

Bên cạnh việc gia tăng chi tiêu là những cắt giảm ở các cơ quan khác. Chính quyền Trump đề xuất 37,8 tỉ USD cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế, giảm 1/3 so với chi tiêu năm 2017.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng cắt giảm chi tiêu cho chương trình bảo hiểm y tế của cựu tổng thống Barack Obama, cắt hơn 200 tỉ USD viện trợ lương thực cho người nghèo, trợ giá nhà ở và vay vốn sinh viên.

Kế hoạch chi tiêu lần này dự kiến tạo ra mức thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới là 7.200 tỉ USD. Theo The New York Times, sẽ có nhiều tranh cãi trong quốc hội Mỹ về bản đề xuất này và nhiều chương trình sẽ bị điều chỉnh lại trước khi được thông qua.

Theo Bảo Vinh (Thanh Niên Online)