Thế giới

Chìm tàu Trung Quốc 331 người chết, thuyền trưởng lên tiếng

Theo Tân Hoa xã, tính tới sáng 6-6, tổng cộng 331 người được xác nhận đã chết trong vụ chìm tàu ở Trung Quốc khuya 1-6, khoảng 100 người khác vẫn còn mất tích.

Theo Tân Hoa xã, tính tới sáng 6-6, tổng cộng 331 người được xác nhận đã chết trong vụ chìm tàu ở Trung Quốc khuya 1-6, khoảng 100 người khác vẫn còn mất tích.

Viên thuyền trưởng và con tàu xấu số - Ảnh: ndtv.com

 
Chỉ 14 người trên tàu sống sót, bao gồm viên thuyền trưởng. Công tác tìm kiếm nạn nhận vẫn tiếp tục được thực hiện.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Trương, thuyền trưởng đã được giải cứu sau khi tàu bị chìm, nói chiếc tàu đã lật úp “chỉ trong một hay hai phút” khuya 1-6.

Ông cũng nói gió đã thổi theo hướng bắc - nam ở cấp 3 hay cấp 4 theo thang Beaufort, tức vào khoảng 12-28 km/giờ và ông đã cố lái tàu đi theo hướng gió.

“Tôi định đi thuận theo hướng gió về phía bắc”, ông nói. “Tôi muốn sử dụng tốc độ để giảm bớt gió thổi vào tàu, nhưng gió bỗng nhiên mạnh lên rất đột ngột và tôi mất kiểm soát con tàu. Ngay cả nếu có rẽ trái hết bánh lái, tôi vẫn không thể chống lại gió”.

Viên kỹ sư trưởng trên tàu, Yang Zhongquan, cũng sống sót và nói ông vừa đi kiểm tra tàu xong thì tàu lật và nước tràn vào phòng kỹ sư, đèn tắt và “tôi nghĩ ngay là tàu đã lật”, ông Yang nói. Ông đang bị giam giữ cùng thuyền trưởng.

Ông Trương có thể bị truy tố nếu cảnh sát tìm thấy bằng chứng ông đã bỏ tàu, James Hu, giáo sư ở Đại học hàng hải Thượng Hải, nhận định với Reuters.

“Trung Quốc có quy định rất chặt chẽ là thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời tàu”, ông Hu nói. “Nếu ông ta không phải là người cuối cùng rời tàu, đó có thể là tội hình sự”.
 

Tàu chở 456 người chìm trên sông Trường Giang vừa được lực lượng cứu hộ trục vớt. Các phần của tầng trên cùng bị phá huỷ, méo mó, nhưng nhìn chung tàu vẫn còn nguyên vẹn  - Ảnh: THX

 

Con tàu bị méo mó sau tai nạn - Ảnh: THX

Thuyền trưởng giỏi, đã từng được vinh danh

Hồi tháng 4-2012, một cụ ông 78 tuổi đi tàu Ngôi sao phương Đông trên đường tới Vũ Hán đã bị đột quỵ trên tàu vì hen suyễn. Thuyền trưởng Trương đã xử lý rất nhanh và đưa chiếc tàu cập bến sớm 15 phút, “khoảng thời gian quý báu” để cứu mạng sống của người bệnh.

Nhưng ông Trương hiện giờ lại là nhân vật tâm điểm theo cách không hề mong muốn. Đây là tai nạn hàng hải lớn nhất ở Trung Quốc gần 70 năm qua.

Cho tới trước sự cố này, ông Trương được coi là một thuyền trưởng giỏi và lão luyện, từng nhận bằng khen “nhân viên xuất sắc” của Công ty vận tải thủy Phương Đông ở Trùng Khánh vào năm 2014, theo Tân Hoa xã.

Là con trai của một thuyền trưởng, ông Trương đã chỉ huy các con tàu được hơn một thập kỷ và đi về liên tục giữa thành phố miền nam Trùng Khánh với thành phố Nam Kinh trong 7-8 năm qua.

Ông Trương, ngoài 50 tuổi, có vợ cũng là nhân viên ở công ty vận tải thủy nói trên. 

Hai chiều dư luận

Dư luận ở Trung Quốc hiện đang tranh cãi dữ dội về ông Trương. Một số người bảo vệ ông, nói vụ đắm tàu ở Trung Quốc không giống với bối cảnh thảm họa chìm phà tại Hàn Quốc năm ngoái.

Thuyền trưởng của chiếc phà MV Sewol bị chìm khiến khoảng 300 người thiệt mạng tháng 4-2014 ở Hàn Quốc, Lee Joon Seok, đã bị tuyên 36 năm tù giam năm 2014 vì tội tắc trách.

Trong trường hợp ông Trương, nhiều người nói ông có thể trở thành “vật tế thần” cho sự giận dữ của dư luận nếu vụ đắm tàu chưa được điều tra thấu đáo.

Tuy nhiên, những người khác cho rằng viên thuyền trưởng có trách nhiệm lớn trong vụ đắm tàu. “Tôi không hiểu nổi tại sao chiếc tàu vẫn đi tiếp trong điều kiện thời tiết như thế”, Cai Bin, 39 tuổi, có mẹ 67 tuổi trên tàu, nói.

Cơ quan khí tượng Trung Quốc cho biết một trận lốc xoáy kinh khủng, với sức gió cấp 12 theo thang Beaufort, tức hơn 117 km/giờ, đã tràn qua vị trí của con tàu đột ngột và là nguyên nhân góp phần gây ra tai nạn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh tiến hành một “cuộc điều tra toàn diện” về tai nạn.
 
>> Số người chết trong vụ chìm tàu Trung Quốc tăng lên 331

Theo Chiêu Văn (Tuổi Trẻ)