Thế giới

Chiến lược triển khai tàu sân bay mới của Mỹ đối phó Trung Quốc

Lầu Năm Góc cho rằng phương thức triển khai các đội tàu sân bay theo lịch trình hiện nay làm mất tính bất ngờ trước đối thủ tiềm tàng.

Chiến lược triển khai tàu sân bay mới của Mỹ đối phó Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hồi tháng trước tiết lộ hàng loạt thay đổi lớn trong cách thức triển khai tàu sân bay tại cuộc họp với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, Defense News ngày 3/5 đưa tin.

Ông Mattis cho rằng với cách triển khai theo lộ trình được lên kế hoạch trước hiện nay, tàu sân bay Mỹ không khác gì những tàu buôn có hành trình dễ dự đoán và khiến Washington đánh mất lợi thế chiến lược trên biển. "Đây không phải cách vận hành lực lượng hải quân", Mattis khẳng định.

Mỹ đang sở hữu 11 tàu sân bay, trong đó mỗi tàu sân bay khi được triển khai đến các địa điểm trên thế giới đều được thông báo trước về lịch trình, địa điểm hoạt động hay neo đậu.

Để hải quân Mỹ sẵn sàng cho những cuộc xung đột tiềm tàng với những cường quốc hải quân như Trung Quốc, ông Mattis muốn các tàu sân bay được triển khai chớp nhoáng hơn và không theo kế hoạch định trước, nhằm giữ ưu thế bí mật và bất ngờ.

Chiến lược triển khai tàu sân bay mới của Mỹ đối phó Trung Quốc - 1
Các tàu sân bay trong biên chế hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.

Thay vì triển khai 8 tháng liên tục tại một địa điểm theo cách thông thường, mỗi tàu sân bay có thể chỉ ra biển trong thời gian ngắn nhưng xuất hiện ở nhiều khu vực hơn.

"Các tàu có thể trở về chỉ sau 90 ngày, thay vì gần một năm lênh đênh trên biển. Chúng ta sẽ sở hữu lực lượng sẵn sàng ứng phó với chiến tranh tổng lực, không làm các gia đình thủy thủ bị chia cắt quá lâu, thời gian huấn luyện còn được nâng cao", ông Mattis nói.

Kế hoạch này được nhận định là khá phù hợp với chiến lược quốc phòng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ưu tiên đối phó với Nga và Trung Quốc, hai nước sở hữu nhiều khí tài có thể tiêu diệt tàu sân bay Mỹ.

Theo Việt Hòa (VnExpress.net)