Thế giới

Chiến lược quyến rũ Triều Tiên bằng K-pop của Hàn Quốc

K-pop từ lâu đã được Seoul sử dụng để lôi kéo người Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng phải thận trọng khi chọn người đến xem buổi biểu diễn của ca sĩ Hàn.

Chiến lược quyến rũ Triều Tiên bằng K-pop của Hàn Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc đến biểu diễn ở Bình Nhưỡng ngày 1/4. Ảnh: KCNA.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và vợ cuối tuần qua đến dự buổi biển diễn của các ca sĩ Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng. Ông Kim hoan nghênh buổi trình diễn, nói rằng những sự kiện như thế này nên diễn ra thường xuyên.

Nhạc pop của Hàn Quốc, hay còn gọi là K-pop, đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để thu hút người hâm mộ trên khắp châu Á, Trung Đông và châu Mỹ. K-pop đã trở thành một dấu hiệu rõ ràng về quyền lực mềm của Seoul, làm nổi bật sự trỗi dậy về văn hoá và kinh tế của đất nước này, theo WSJ.

Âm nhạc từ lâu cũng đóng vai trò quan trọng trong chính trị liên Triều. Quân đội Hàn Quốc trong nhiều năm đã chĩa những chiếc loa mở các bài hát K-pop về phía biên giới Triều Tiên. Các nhà hoạt động nhân quyền cũng thường xuyên tìm cách đưa vào Triều Tiên những chiếc USB chứa thông tin từ thế giới bên ngoài, bao gồm sách điện tử, bách khoa toàn thư và video ca nhạc K-pop.

Các học giả nói rằng những nỗ lực đó là chiếc lược lôi kéo - cho người Triều Tiên thấy những yếu tố hấp dẫn nhất của cuộc sống bên ngoài đất nước khép kín này để khiến họ giảm lòng trung thành với Bình Nhưỡng. Một binh sĩ Triều Tiên tháng 11 năm ngoái đã lái xe băng qua biên giới để chạy sang Hàn Quốc. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật để gắp những đầu đạn anh này bị bắn khi đào tẩu, binh sĩ đã yêu cầu được nghe các bài hát Hàn Quốc.

Adam Cathcart, chuyên gia về lịch sử Triều Tiên tại Đại học Leeds ở Anh, nói rằng Bình Nhưỡng nhiều khả năng thận trọng trong việc để những ai tiếp xúc với K-pop. Khán giả đi dự buổi biểu diễn ngày 1/4 rất có thể là những công dân giàu có sống ở thủ đô từng tiếp xúc với âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc. Tuy nhiên, Cathcart cho rằng Triều Tiên không để thanh niên nghe nhạc này.

Tin nổi bật trên truyền thông Triều Tiên trong tuần qua là việc các thanh niên Triều Tiên đến thăm những địa điểm cách mạng có liên quan đến cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. "Họ đang chỉ ra thanh niên cần đặt tâm trí ở đâu", Cathcart nói.

Triều Tiên cũng sử dụng âm nhạc như một công cụ chính trị. Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011, ông Kim đã đặt trọng tâm vào việc cập nhật nền âm nhạc Triều Tiên, thay thế quân nhạc thời Liên Xô với các nhóm nhạc theo phong cách phương Tây như nhóm Moranbong, thường xuyên sử dụng guitar điện và trống.

Sự xuất hiện của ban nhạc trên truyền hình Triều Tiên sau khi ông Kim lên nắm quyền làm dấy lên đồn đoán ở phương Tây rằng chính quyền có ý định mở cửa. Tuy nhiên, hy vọng đó dần bị dập tắt khi ban nhạc biểu diễn để chào mừng các cuộc phóng tên lửa của ​​Bình Nhưỡng.

Lee Sung-yoon, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Tufts, so sánh việc tấn công quyến rũ bằng K-pop với các chuyến đi của cựu sao bóng rổ Dennis Rodman đến Triều Tiên. Rodman đã kết giao với Kim Jong-un sau khi lần đầu tiên đến Triều Tiên để tổ chức một trận đấu bóng rổ giao hữu tháng 2/2013. Ông này sau đó vài lần đến Bình Nhưỡng nhưng nhấn mạnh chuyến đi không có mục đích chính trị.

"Cuối cùng, ngoại giao bóng rổ và ngoại giao ca hát chỉ là giải trí", Lee nói. Những động thái như vậy là "không thể nào khiến Triều Tiên định hình lại chính sách".

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác nhấn mạnh vai trò của buổi biểu diễn trong việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Kim và Tổng thống Hàn Moon Jae-in vào ngày 27/4 tại Nhà Hòa bình, phía nam làng đình chiến Panmunjom ở biên giới hai miền.

"Mục đích của việc trao đổi văn hoá này là mở ra cánh cửa cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc - hai nước đã căng thẳng với nhau trong một thập niên. Sự kiện này mang động cơ chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy tinh thần hai bên trước thềm hội nghị thượng đỉnh", ", Kang Dong-wan, giáo sư tại Đại học Dong-a, bình luận.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)