Thế giới

Chiến lược gây chia rẽ đằng sau vụ phóng tên lửa Triều Tiên

Đằng sau vụ phóng tên lửa khiêu khích tưởng như vô cớ của Bình Nhưỡng thực chất là chiến lược đã được tính toán nhằm khiến Mỹ và các đồng minh nghi kị lẫn nhau.

Đằng sau vụ phóng tên lửa khiêu khích tưởng như vô cớ của Bình Nhưỡng thực chất là chiến lược đã được tính toán nhằm khiến Mỹ và các đồng minh nghi kị lẫn nhau.

So với vụ phóng hồi tháng 8, tên lửa đã bay cao hơn và xa hơn. Đây là màn trình diễn tên lửa hành trình ấn tượng nhất của Triều Tiên, ít nhất là về mặt phạm vi. Tên lửa đã bay 3.700 km, đủ để tấn công lãnh thổ hải ngoại Guam của Mỹ.

Đặt Mỹ vào tầm ngắm, gây chia rẽ liên minh

Triều Tiên từng phóng tên lửa qua Nhật Bản vào các năm 1998, 2009, 2012 và 2016 bằng loại tên lửa được dùng để đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Hai vụ phóng trong năm nay vào ngày 29/8 và 15/9 là một loại hành động khiêu khích mới. Những tên lửa này được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu quân sự ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, Triều Tiên dự kiến sử dụng những vũ khí trên để tấn công phủ đầu lãnh thổ Guam của Mỹ. Nội dung tuyên truyền của Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích sự hiện diện của hạm đội ném bom chiến lược thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (USPACOM) tại Căn cứ Không quân Andersen trên hòn đảo này.

Chien luoc gay chia re dang sau vu phong ten lua Trieu Tien hinh anh 1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (phải) theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-12 trong bức ảnh do truyền thông Triều Tiên phát hành tháng 9. Ảnh: Reuters.

Hết lần này đến lần khác, các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên khiến mọi người tưởng rằng đó là sự khiêu khích vô cớ từ một nhà lãnh đạo bất ổn và nóng tính.

Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Theo Ankit Panda, biên tập viên chuyên trách về an ninh quốc tế, ngoại giao và kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diplomat, tất cả đều nằm trong tính toán.

Hành động của ông Kim Jong Un không chỉ đem về những tiến bộ kỹ thuật quan trọng mà còn nâng cao uy tín cho chiến lược hạt nhân của Triều Tiên.

Về mặt kỹ thuật, các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa cho phép Triều Tiên kiểm chứng hiệu suất của tên lửa trên quỹ đạo tương ứng với thực tế sử dụng.

Trong vụ thử nghiệm ngày 15/9, tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 đã gần đạt tầm bắn tối đa, phạm vi xa nhất về mặt lý thuyết mà hệ thống đạt được với tải trọng thích hợp. Khoảng cách 3.700 km không phải là một sự ngẫu nhiên. Nó chứng tỏ Triều Tiên có thể tấn công Guam.

Điều đó cho thấy chiến lược của các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo này là nhằm khiến các nước nghi ngờ khả năng bảo vệ đồng minh của Mỹ.

Phá vỡ thế cân bằng

Một mặt, những tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới Mỹ đã khiến liên minh Đông Á “chia rẽ”. Khi đặt Los Angeles và Chicago vào tầm ngắm, Triều Tiên đã khiến nhiệm vụ trấn an các quốc gia Đông Á của Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Thêm vào đó, thông qua truyền thông nhà nước, Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc giảm tập trận. Đổi lại, Bình Nhưỡng có thể giảm tần suất hoặc chấm dứt thử nghiệm tên lửa đạn đạo.

Đối với Nhật Bản, hàm ý cũng rõ ràng, Triều Tiên sẽ tiếp tục khiêu khích và đặt lãnh thổ Nhật Bản dưới mối đe dọa trực tiếp chừng nào Mỹ còn duy trì hiện diện trên bán đảo Triều Tiên.

Vụ phóng mới nhất cho thấy việc mở rộng các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ không làm Bình Nhưỡng dừng bước.

Chien luoc gay chia re dang sau vu phong ten lua Trieu Tien hinh anh 2

Người dân Bình Nhưỡng theo dõi vụ phóng tên lửa Hwasong-12 qua màn hình.

Với mỗi vụ thử tên lửa, cần nhớ tới mục tiêu bao trùm của Triều Tiên về chính sách an ninh. Bình Nhưỡng từ lâu đã tìm cách chấm dứt “chính sách thù địch” của Mỹ đối với họ và tin rằng vũ khí hạt nhân sẽ cho phép họ đạt được mục tiêu này bằng cách gây căng thẳng cho liên minh của Mỹ.

Trước hết, "chính sách thù địch" bao gồm sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của Mỹ ở Đông Á. Gần đây, chính sách này đã mở rộng sang các nỗ lực thúc đẩy biện pháp trừng phạt tại Liên Hợp Quốc và gửi thông điệp răn đe tới khu vực Đông Bắc Á, chẳng hạn như việc sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.

“Liệu kế hoạch của Triều Tiên có hiệu quả hay không?”, tác giả Ankit Panda đặt câu hỏi. Biên tập viên của Diplomat cho rằng câu trả lời là “không”, nhất là khi chính quyền Trump đang “cầm lái” ở Washington.

Trump và các cố vấn của ông điềm tĩnh nhắc Bình Nhưỡng nhớ rằng “tất cả phương án” vẫn đang ở trên bàn, bao gồm cả biện pháp quân sự.

Sau khi Triều Tiên ra mắt các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa tầm trung trong năm nay, Bình Nhưỡng và Washington có thể sẽ mất một thời gian để cân bằng lại trật tự.

Nguyên trạng đã được duy trì trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều năm kể từ khi chiến tranh Triều Tiên bị đình lại. Tuy nhiên, hiện tại, khi Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa đạn đạo và Mỹ tiếp tục đe nẹt Bình Nhưỡng, khả năng tính toán sai lầm dẫn đến thay đổi cục diện đang tăng lên rất cao.

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)