Thế giới

Chiến hạm Trung Quốc quấy nhiễu tàu tiếp tế Philippines ở Biển Đông

Tàu chiến và trực thăng hải quân Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở bãi Cỏ Mây.

Chiến hạm Trung Quốc quấy nhiễu tàu tiếp tế Philippines ở Biển Đông
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn cản tàu tiếp tế Philippines gần bãi Cỏ Mây vào năm 2014. 

Một biên đội hỗn hợp của Trung Quốc gồm tàu hải cảnh mang số hiệu 3368 và tàu hải quân mang số hiệu 549 hôm 11/5 đã tìm cách ngăn cản và đe dọa tàu BRP Benguet của hải quân Philippines đang tiếp tế cho lính đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Phil Star ngày 1/6 dẫn thông tin của một nghị sĩ Philippines.

Nghị sĩ Gary Alejano, đại diện của đảng Magdalo, cho biết quân đội Philippines đã gửi thông báo cho Bộ Ngoại giao về sự việc này để phản đối hành động của phía Trung Quốc.

Quân đội Philippines đang sử dụng tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây như một tiền đồn để thể hiện sự hiện diện ở khu vực này. Trên tàu Sierra Madre có một đơn vị thủy quân lục chiến thường xuyên đồn trú và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiếp tế từ đất liền.

"Khi tàu Philippines thả xuồng cao su chuyển đồ tiếp tế cho tàu Sierra Madre, một trực thăng của hải quân Trung Quốc đã bay lơ lửng ở khoảng cách gần và nguy hiểm. Chiếc trực thăng bay gần đến mức nước biển tràn cả vào xuồng", ông Alejano nói.

Nghị sĩ này cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu hải quân quấy nhiễu tàu Philippines để thể hiện yêu sách chủ quyền đối với bãi Cỏ Mây, những sự cố trước đây chỉ có sự tham gia của lực lượng hải cảnh. Ông cho rằng đây là một động thái mang tính "đe dọa an ninh" từ phía Bắc Kinh và cần phải bị lên án.

Alejano lên tiếng chỉ trích chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức liên quan không có sự phản đối hay bày tỏ lo ngại về sự việc.

Tuy nhiên, điện Malacanang ngày 31/5 cho biết đã gửi thư phản đối Trung Quốc qua đường ngoại giao, nhấn mạnh Tổng thống Duterte không từ bỏ lợi ích của Philippines ở Biển Đông.

Thông tin này được tiết lộ trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, trong đó có việc triển khai tên lửa chống hạm và phòng không lên đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở Trường Sa.

Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc rút lên lửa khỏi Trường Sa và không có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh trên Biển Đông.

Theo Khánh Lynh (VnExpress.net)