Thế giới

Châu Á đau đầu với đe doạ "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" của Trump

Những tuyên bố hùng hồn không đi kèm hành động cuối cùng sẽ hủy hoại hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế, khiến cho những lời đe dọa của Washington trở nên thiếu sức nặng.

Những tuyên bố hùng hồn không đi kèm hành động cuối cùng sẽ hủy hoại hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế, khiến cho những lời đe dọa của Washington trở nên thiếu sức nặng.

Đó chỉ là câu doạ suông? Cảnh báo rằng Washington sẽ bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong lần thử tới? Tái khẳng định chính sách của quá khứ? Hay chỉ đơn giản là: lời đe đoạ huỷ diệt từ tổng thống Mỹ? 

Các quan chức và giới phân tích khắp châu Á đang loay hoay để "diễn giải" thông điệp mà ông Trump đưa ra ở Liên Hợp Quốc hôm 19/9. 

Ở khu vực vốn quen với câu chuyện hạt nhân của Triều Tiên và vòng xoáy đe doạ và leo thang đe doạ giữa các bên, thông điệp của Trump vẫn là một sự bất thường. 

Tái khẳng định chính sách hiện tại

Các quan chức Hàn Quốc nói không nên tin quá những lời đe doạ này trong khi một số chính trị gia đánh giá tuyên bố của Trump cho thấy ảnh hưởng của Washington với Seoul đã suy giảm. Tokyo thì tập trung vào phần Trump nhắc tới những công dân bị Triều Tiên bắt cóc. 

Giới phân tích ở châu Á thì ngạc nhiên, lo lắng, thậm chí là buồn cười, vì thấy lời lẽ của Trump hao hao giống những kiểu đe doạ mà truyền thông Triều Tiên thường sử dụng. 

Các quan chức văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đánh giá những lời lẽ của tổng thống Mỹ là tín hiệu cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Washington trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định lập trường cơ bản: Mỹ cân nhắc mọi phương án khi đối phó với Bình Nhưỡng.

Chau A dau dau voi de doa 'huy diet hoan toan Trieu Tien' cua Trump hinh anh 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9. Ảnh: Getty.

Trước đó, ông Trump đe doạ "lửa và thịnh nộ" với Triều Tiên. Bình Nhưỡng đáp trả bằng một loạt các thử nghiệm vũ khí, trong đó có vụ thử hạt nhân mạnh nhất từ trước tới nay và hai quả tên lửa đã bay qua Nhật, đồng minh của Mỹ.

Theo người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc Park Soo Hyun, tuyên bố của Tổng thống Trump về vấn đề Triều Tiên “tái khẳng định sự cần thiết phải gây sức ép và siết chặt tối đa các biện pháp trừng phạt" để buộc Bình Nhưỡng nhận ra rằng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân là lựa chọn duy nhất.

Có lợi cho Triều Tiên?

Giới phân tích lại cho rằng lời uy hiếp của ông Trump không những không thuyết phục được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ động cơ phát triển vũ khí hạt nhân, mà còn có thể tạo ra tác dụng ngược.

Marcus Noland, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên từ Viện nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, đánh giá bài phát biểu của Tổng thống Trump chẳng khác nào chứng thực thông điệp lâu nay của Bình Nhưỡng - rằng Mỹ là mối đe dọa sinh tồn của nước này.

"Với những ngôn từ này, Tổng thống Trump đã tặng cho chính quyền Bình Nhưỡng một 'đoạn băng thế kỷ'. Triều Tiên sẽ liên tục phát lại đoạn phát biểu đó trên truyền hình quốc gia", như một bằng chứng chứng tỏ Bình Nhưỡng cần biện pháp đánh chặn hiệu quả để đối phó với mối đe dọa từ Mỹ, Noland nhận định.

Chau A dau dau voi de doa 'huy diet hoan toan Trieu Tien' cua Trump hinh anh 2

Bức tranh cổ động của Triều Tiên mô tả hình ảnh tên lửa nước này tấn công Mỹ. Ảnh: KCNA/Reuters.

Với lập luận đó, Triều Tiên liên tục thử vũ khí nhằm mục tiêu xây dựng kho tên lửa hạt nhân đủ năng lực đe dọa lực lượng Mỹ ở khu vực châu Á và trên chính nước Mỹ.

Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa hồi tháng 7, tuyên bố giờ đây có thể tấn công chính xác lục địa Mỹ. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể cần thêm các cuộc thử nghiệm để hoàn thiện năng lực vũ khí, song mỗi vụ thử mới đang đưa quốc gia này tới gần hơn mục tiêu tối thượng.

Tiếng nói của Hàn Quốc suy giảm

Trong khi chính quyền Hàn Quốc cho rằng không nên nghiêm trọng hóa những tuyên bố của Tổng thống Trump thì một số chính trị gia lại lo ngại đây là dấu hiệu về sự suy giảm tầm ảnh hưởng của Seoul trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông Trump đã lấy Tokyo làm trọng tâm trong bài phát biểu khi đề cập đến việc công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980.

Một số chính trị gia đối lập Hàn Quốc coi những bình luận của tổng thống Mỹ như một dấu hiệu cho thấy Seoul đang đánh mất tiếng nói trong các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Chau A dau dau voi de doa 'huy diet hoan toan Trieu Tien' cua Trump hinh anh 3

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9. Ảnh: Getty.

Trước bài phát biểu của Tổng thống Trump vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis gây lo ngại cho Hàn Quốc bằng tuyên bố Washington có "nhiều lựa chọn quân sự" để đối phó với Triều Tiên mà không gây thiệt hại cho Seoul. Trong khi thủ đô của Hàn Quốc với 25 triệu người sinh sống nằm trong tầm bắn của hầu hết đại bác mà Triều Tiên bố trí dọc biên giới.

Ông Kim Su Min, nghị sĩ đảng Nhân dân, bày tỏ quan ngại về việc giới chức Hàn Quốc không hề nhận được thông báo gì từ Washington trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Mattis hay Tổng thống Trump có những bài phát biểu như vậy.

“Chính phủ (Hàn Quốc) nên xem xét lại một cách toàn diện chính sách an ninh quốc gia và ngoại giao, làm tốt nhất có thể để lập trường của chúng ta trước các vấn đề cấp thiết liên quan đến sự tồn vong của đất nước và sinh mạng của dân thường không bị coi nhẹ”, ông Kim bình luận.

Nói không đi đôi với làm, Mỹ có thể mất chữ tín

Một chuyên gia Trung Quốc về Triều Tiên bày tỏ kinh ngạc trước sự giận dữ trong bài phát biểu của Tổng thống Trump và nhận xét rằng “lời lẽ của ông ta sặc mùi quân sự”.

"Mỹ gần như là tuyên chiến với Triều Tiên vậy", Phó giáo sư Thành Hiểu Hà, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc, đánh giá.

Theo chuyên gia này, bài phát biểu của Trump là dấu hiệu cho thấy “nếu Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, Mỹ rất có thể sẽ đánh chặn”.

Chau A dau dau voi de doa 'huy diet hoan toan Trieu Tien' cua Trump hinh anh 4

Lời cảnh báo "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" của Tổng thống Donald Trump trong bài phát biểu đầu tiên của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 19/9 đang trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận của giới chức và chuyên gia chính trị khắp châu Á. Ảnh: Getty.

Andrei Lankov, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Hàn Quốc, cho rằng lời uy hiếp của tổng thống Mỹ chẳng khác gì những đe dọa bịp bợm mà Bình Nhưỡng vốn sử dụng trong hàng thập kỷ.

“Thật khôi hài khi chứng kiến tổng thống Mỹ có cách hành động và dùng lời lẽ giống hệt các lãnh đạo Triều Tiên trong hàng chục năm qua”, Lankov nói.

Những tuyên bố hùng hồn không đi kèm hành động cuối cùng sẽ hủy hoại hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế. “Điều này khiến cho những lời đe dọa của Mỹ trở nên thiếu hiệu quả hơn”, chuyên gia Lankov nhận xét.

Theo Ngụy An - Khánh Linh (Tri Thức Trực Tuyến)