Thế giới

Chân dung người bất ngờ tiếp quản đàm phán Mỹ - Triều

Tân ngoại trưởng Mỹ là được cho là có quan điểm cứng rắn và những phát ngôn gây tranh cãi. Phong cách tương đồng với Trump khiến ông được lòng tổng thống Mỹ.

Tân ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo có một sự nghiệp nhiều thành công. Ông từng học trường Luật Harvard và tốt nghiệp thủ khoa Học viện Quân sự West Point.

Ông cũng từng làm luật sư chuyên về doanh nghiệp, một doanh nhân thành công. Hiện 54 tuổi, ông là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) được hơn 1 năm nay.

“Ông ấy sẽ làm tốt nhiệm vụ!”, ông Trump nói không lâu sau khi sa thải Rex Tillerson để bổ nhiệm Pompeo.

Tuy nhiên, Pompeo chưa từng có kinh nghiệm ngoại giao và cũng không có phong cách của một nhà ngoại giao, theo đài NPR (Mỹ).

“Pompeo nhìn chung có quan điểm cứng rắn về các vấn đề an ninh quốc gia”, Ian Bremmer, giám đốc công ty phân tích chính trị Eurasia Group, nói với NPR. “Ông ấy thông minh, nhưng cũng nóng nảy. Đây là tính cách mà Trump thích, nhưng chưa chắc đã tốt cho việc cân bằng các chính sách an ninh quốc gia”.

Chân dung người bất ngờ tiếp quản đàm phán Mỹ - Triều
Donald Trump nói chuyện với các phóng viên ngày 13/3/2018. Ảnh: AP.

Quan điểm cứng rắn

Nếu được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, ông Pompeo sẽ đóng vai trò then chốt trong cuộc đàm phán sắp tới giữa Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người mà ông Trump nói sẽ gặp mặt vào tháng 5.

Pompeo gần đây tuyên bố Mỹ sẽ không nhượng bộ với Triều Tiên. "Đừng ảo tưởng, khi vẫn đang đàm phán, chúng tôi sẽ không có chút nhượng bộ nào", Pompeo nói với Fox News ngày 11/3.

New York Times nhận định chưa rõ việc bổ nhiệm Pompeo sẽ ảnh hưởng thế nào đến đối thoại Mỹ - Triều.

Chân dung người bất ngờ tiếp quản đàm phán Mỹ - Triều - 1
Dàn phóng tên lửa di động của Triều Tiên trong một cuộc diễu binh ở Quảng trường Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng.

Cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa từng làm 3 nhiệm kì ở Hạ viện cũng chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran đạt được dưới thời Obama. Nếu được phê chuẩn, Pompeo sẽ chỉ đạo một bộ ngoại giao Mỹ đang cân nhắc việc hủy bỏ thỏa thuận này, bất chấp sự phản đối của các đồng minh châu Âu.

Ông còn gửi lá thư cảnh cáo tới Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm chuyên tác chiến ở nước ngoài của Iran.

“Tôi gửi thư tới Qasem Soleimani vì ông ấy nói quân của ông ấy có thể đe dọa Mỹ”, Pompeo nói trong một hội nghị năm ngoái. “Ông ấy không mở thư. Tôi cũng chẳng thèm quan tâm”.

BBC cho biết Pompeo từng coi nhẹ báo cáo của CIA nói Nga cố can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng khi Trump nói ông tin sự phủ nhận của tổng thống Putin, ông Pompeo đã khẳng định các báo cáo đó là đúng.

Chân dung người bất ngờ tiếp quản đàm phán Mỹ - Triều - 2
Mike Pompeo trả lời một ủy ban tình báo của Thượng viện về các mối đe dọa toàn cầu ngày 13/2/2018. Mối quan hệ tốt với tổng thống sẽ là thế mạnh của Pompeo. Ảnh: AP.

Bắt sóng" với tổng thống

Pompeo là một người trung thành với Trump. Ông đứng giữa mối quan hệ bị rạn nứt của giới tình báo và một tổng thống từng ví họ như Đức Quốc xã, theo BBC.

Trump cho rằng Pompeo có quan điểm giống mình hơn Tillerson. Ông nói Pompeo "tràn đầy năng lượng và trí tuệ". "Chúng tôi luôn có quan hệ tốt và dễ bắt sóng", Trump nói.

Những người ủng hộ nói Pompeo là lựa chọn thích hợp với vai trò nhà ngoại giao số một hơn là Tillerson, người đã không ít lần phát biểu trái ngược với tổng thống Mỹ. Vì vậy, họ cho rằng nguyên thủ các nước sẽ tin tưởng lời nói của ông với tư cách là sứ giả phản ánh chính xác quan điểm của Trump hơn là Tillerson.

Danielle Pletka, chuyên gia thuộc tổ chức American Enterprise Institute, bình luận với NPR rằng “Donald Trump thích những người từng mặc quân phục, và người làm tình báo”.

Nhưng theo bà Pletka, việc tổng thống Mỹ dường như thích quyền lực cứng của quân sự hơn sẽ là thử thách cho Pompeo.

“Liệu tổng thống còn có quan hệ tốt đẹp với ông hay không sau khi ông phải sử dụng quyền lực mềm của Bộ Ngoại giao? Đó là một câu hỏi khó trả lời”, bà nói.

Washington Post cho biết ông Pompeo thường lược bỏ các chủ đề liên quan đến Nga khi trình bày báo cáo tình báo với tổng thống mỗi sáng.

“Các tin tình báo liên quan đến Nga mà có thể làm Trump nổi giận trong một số trường hợp chỉ được đưa vào trong báo cáo giấy, chứ không được nói ra”, báo này dẫn lời một cựu quan chức tình báo cao cấp.

Chân dung người bất ngờ tiếp quản đàm phán Mỹ - Triều - 3
Donald Trump và Rex Tillerson đã đôi lần có những phát biểu mâu thuẫn về các vấn đề ngoại giao như Qatar hay Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Sự nghiệp nhiều tranh cãi

Ông Pompeo có quan điểm bảo vệ chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và chống lại việc đóng cửa nhà tù tai tiếng ở Vịnh Guantanamo. Ông bảo vệ các hình thức tra tấn của CIA và nói rằng CIA không phải “những người kẻ tra tấn, mà là những người yêu nước”.

Pompeo tham gia Hạ viện Mỹ năm 2010, đại diện bang Kansas. Ông là thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện và một ủy ban về năng lượng và thương mại.

Trước đó, ông là chủ công ty cung cấp máy móc, dịch vụ cho ngành hàng không và một công ty khác phục vụ cho các mỏ dầu.

Sau vụ đánh bom cuộc chạy marathon năm 2013 ở Boston, ông bị cáo buộc có tư tưởng bài trừ Hồi giáo sau khi nói các lãnh đạo tinh thần của đạo Hồi đã khuyến khích khủng bố. “Sự im lặng làm cho họ trở thành đồng lõa với những vụ này, và cả các vụ khác sau này nữa”, ông tuyên bố.

NPR cho biết Pompeo có lẽ được biết đến nhiều nhất qua cuộc điều tra cựu ngoại trưởng Hillary Clinton sau vụ tấn công cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Libya năm 2012. Các nghị sĩ Dân chủ đã cho rằng đây là cuộc săn phù thùy nhằm hạ uy tín của bà Clinton.

Theo Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)