Thế giới

“Cầu hàng không” giữ đảo Indonesia

Không chỉ giúp kết nối quần đảo Natuna với phần còn lại của Indonesia, sân bay vừa nâng cấp trên hòn đảo này sẽ giúp Jakarta củng cố chủ quyền trong bối cảnh tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực.

Không chỉ giúp kết nối quần đảo Natuna với phần còn lại của Indonesia, sân bay vừa nâng cấp trên hòn đảo này sẽ giúp Jakarta củng cố chủ quyền trong bối cảnh tàu Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngồi vào buồng lái tiêm kích Su-30 khi đến giám sát cuộc tập trận của không quân Indonesia ngày 6-10 - Ảnh: Reuters

Đích thân Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 6-10 đã cắt băng khánh thành nhà ga thương mại tại sân bay Ranai trên đảo Natuna.

Khối thống nhất

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh việc nâng cấp sân bay là một phần trong nỗ lực kết nối quần đảo này với cả đất nước.

“Chúng ta có trên 17.000 hòn đảo lớn nhỏ. Đã tới lúc chúng ta phải hướng về biển cả, ngước nhìn lên bầu trời, kết nối và thống nhất Indonesia, không để Natuna bị tách biệt” - tổng thống Indonesia tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Indonesia cũng cảnh báo: “Nếu không có sự kết nối, chúng ta sẽ không thể thắng trong những cuộc cạnh tranh và bị bỏ lại phía sau. Sự cạnh tranh giữa các quốc gia đang ngày càng trở nên khốc liệt”.

Mặc dù ông Jokowi (biệt danh của tổng thống Indonesia) không nêu trực tiếp quốc gia nào đang cạnh tranh với Indonesia tại quần đảo họ có chủ quyền, song ai cũng hiểu ông đang ám chỉ tới các nước có tàu cá xuất hiện tại Natuna.

Quần đảo này và vùng biển xung quanh thường xuyên xuất hiện các tàu cá nước ngoài vào đánh bắt trộm. Tuy nhiên, gây căng thẳng và chiếm số lượng nhiều nhất là các tàu cá Trung Quốc dưới sự hỗ trợ từ lực lượng hải cảnh và hải giám của nước này nên rất hung hăng và liều lĩnh.

Nỗ lực nâng cấp sân bay cho thấy chính quyền Jakarta đang hết sức cảnh giác trước các động thái của Trung Quốc. Tổng thống Jokowi hi vọng sân bay Ranai sẽ trở thành “cầu hàng không” giúp đẩy nhanh sự dịch chuyển hàng hóa và con người ra đảo trong thời gian tới.

Ông Jokowi cũng tiết lộ chính phủ đang xây dựng một trung tâm tích hợp dịch vụ nghề cá và đại dương với diện tích khoảng 100ha trên đảo Natuna.

Theo đó, ngoài các dịch vụ cần thiết cho ngư dân địa phương, một trung tâm đông lạnh cũng sẽ được xây dựng giúp ngư dân bảo quản cá đánh bắt được.

Theo kế hoạch, trung tâm tích hợp này sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối năm tới.

Khẳng định chủ quyền

Đây là lần thứ hai tổng thống Indonesia ra thăm Natuna. Trước đó hồi tháng 6, ông Jokowi đã lên tàu chiến của hải quân ra thăm đảo này ngay trong lúc Jakarta và Bắc Kinh đang đấu khẩu vì sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc gần Natuna.

Chuyến thăm Natuna lần này của ông Jokowi diễn ra đúng lúc không quân Indonesia tiến hành cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay ở gần quần đảo Natuna.

Cuộc tập trận kéo dài hai tuần, chia làm ba đợt với 2.000 binh sĩ và các phi đội tiêm kích Su-27/30 mua của Nga lẫn máy bay chiến đấu F-16 mua của Mỹ.

Điều này làm dấy lên suy đoán trong giới quan sát rằng mục đích thật sự của chuyến thăm lần này để tái khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Indonesia đối với Natuna và vùng biển xung quanh.

Báo Straits Times của Singapore nhận định cuộc tập trận thực chất là sự phô diễn sức mạnh quân sự trước những căng thẳng trên Biển Đông.

Tuy nhiên phát biểu ngày 6-10, tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Indonesia, tướng Gatot Nurmantyo khẳng định cuộc tập trận ở Natuna và các quần đảo khác “không chủ ý đáp trả những căng thẳng với Chính phủ Trung Quốc liên quan tới những tranh chấp trên Biển Đông”.

Sau khi nâng cấp, ga hành khách của sân bay Ranai đã được mở rộng lên diện tích 3.865m2, đường băng cũng được kéo dài lên 3.000m với bề rộng 45m thay vì 32m như trước. Giờ đây, Ranai đủ khả năng tiếp nhận các máy bay thương mại cỡ lớn như Boeing 737 và hầu hết tiêm kích có trong biên chế không quân Indonesia như F-16 và Su-27.

Tranh cãi xung quanh vùng đặc quyền kinh tế

Indonesia đã nhiều lần tuyên bố không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và có chủ quyền đối với quần đảo Natuna.

Tuy nhiên, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý xung quanh Natuna lại bị chồng lấn với yêu sách đường chín đoạn vô lý của Trung Quốc, dẫn tới những tranh cãi giữa hai quốc gia.

Trung Quốc tuyên bố các vùng biển xung quanh Natuna là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc từ trước tới nay.

 

Tập trận quy mô lớn nhất

Cuộc tập trận không quân mang tên Angkasa Yudha 2016 của Indonesia được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của 2.000 binh sĩ, sĩ quan không quân và ít nhất 70 máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay vận tải các loại. Tổng thống Jokowi giám sát cuộc tập trận từ sân bay Ranai trên đảo Natuna và tỏ ra thích thú trước máy bay Su-30 do Nga chế tạo. Cuộc tập trận kéo dài trong hai tuần kể từ ngày 6-10.

Theo Duy Linh (Tuổi Trẻ)