Thế giới

Cầu cao tốc Italy được cảnh báo sập từ 6 năm trước

Khoảnh khắc cầu Morandi ở Italy sụp đổ giữa cơn bão dữ dội

Năm 2012, một chủ tịch liên đoàn công nghiệp ở Genoa đã dự đoán cầu Morandi sẽ sớm gây ra thảm họa.

Cầu cao tốc Italy được cảnh báo sập từ 6 năm trước
Đoạn cầu sập ở Genoa. Đồ họa: BBC.

Tháng 12/2012, Giovanni Calvini, chủ tịch một chi nhánh địa phương của Tổng Liên đoàn Công nghiệp Italy tại Genoa, đã dự đoán số phận cầu Morandi trong cuộc phỏng vấn với báo địa phương II Secolo XIX, theo SMH. Ông bày tỏ thất vọng về việc chính quyền địa phương ngăn cản cải cách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Khi đó, ông ủng hộ một dự án Gronda nhằm giảm tải cho Morandi.

"Trong vòng 10 năm nữa cầu Morandi sẽ sập, còn chúng ta sẽ phải xếp hàng chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, và sẽ nhớ mãi tên của những người đã nói 'không' (với dự án Gronda)", Calvini tuyên bố.

Những tiên đoán của ông lập tức làm dấy lên cuộc tranh luận trong hội đồng thành phố Genoa. Ủy viên Paolo Putti đã vô cùng giận dữ.

"Tôi cực kỳ phẫn nộ, và kinh ngạc", Putti nói, khẳng định cầu Morandi sẽ đứng vững trong 100 năm nữa, và các doanh nghiệp sẽ tự hỏi tại sao họ phải lãng phí 5 tỷ USD để xây đường vòng. 

Putti cho hay hàng nghìn người đã phản đối kế hoạch xây đường vòng, và "chúng tôi rất kiên quyết, còn Calvini và những người khác đang ở thế yếu". 

Putti là lãnh đạo địa phương của Phong trào 5 Sao (M5S), đối tác liên minh với Bộ trưởng Nội vụ Salvini - chính trị gia quyền lực nhất trong chính phủ mới của Italy. M5S ở Genoa liên tục phản đối kế hoạch xây đường vòng Gronda, gọi nó là vô dụng, gây lãng phí và không cần thiết.

Cầu cao tốc Italy được cảnh báo sập từ 6 năm trước - 1
Giovanni Calvini, chủ tịch một chi nhánh địa phương của Tổng Liên đoàn Công nghiệp Italy tại Genoa. Ảnh: Ilse.

Hồi tháng 4/2013, M5S đã đăng tuyên bố phản đối kế hoạch Gronda lên trang web của đảng, nói rằng họ thường xuyên được nghe kể "chuyện về cầu Morandi sắp sập" nhưng nó chỉ là "chuyện cổ tích" thôi. Tuy nhiên, hôm 14/8, tuyên bố này đã biến mất bí ẩn trên trang web của M5S.

Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli đi lên từ M5S. Đảng của ông này thường xuyên đứng về phía NIMBY, một tổ chức địa phương phản đối những kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. Mới hai tuần trước, Toninelli đã nói trước ủy ban quốc hội rằng đường vòng Gronda nằm trong danh sách những kế hoạch đang được tái xem xét để "đánh giá việc từ bỏ" nếu không đáp ứng đủ điều kiện về lợi ích chi phí.

Cây cầu Morandi khổng lồ trải dải qua những dãy núi ven biển, kết nối các bến cảng ở Genoa. Cầu xây năm 1960 theo kế hoạch táo bạo của kỹ sư Riccardo Morandi. Thiết kế khác thường ở chỗ sử dụng nhiều bê tông hơn bình thường, thậm chí phủ cả bê tông lên sợi cáp (che giấu dấu hiệu mòn). 

Diego Zoppi, kiến trúc sư ở Genoa, đánh giá cây cầu đã thiếu sót ngay từ khâu thiết kế.

"50 năm trước, người ta tự tin thái quá vào kết cấu bê tông cốt thép, cho rằng nó sẽ tồn tại vĩnh cửu. Tuy nhiên, khi xe cộ lưu thông sẽ tạo ra các rung lắc liên tục khiến xi măng nứt vỡ và không khí sẽ chui qua đó tiếp xúc với cấu trúc kim loại bên trong, làm kim loại bị oxy hóa", ông nói.

Cầu liên tục phải bảo dưỡng, duy tu. Đến cuối những năm 1990, ngân sách của Genoa dành cho sửa chữa cầu đã hết. Các chuyên gia lo ngại về tính ổn định của nó, gọi đây là "thất bại về kỹ thuật", "thất bại về công nghệ" và chỉ ra những dự án tương tự Morandi đều đã sập.

Trong nhiều năm, thành phố có một kế hoạch mới, đó là xây đường vòng Gronda - đường cao tốc lớn cho phép xe cộ đi qua Genoa và từ biên giới Pháp gần đó đi theo đường vòng cung xuyên qua một hầm đường bộ và một cây cầu nhỏ hơn, giảm tải cho cầu Morandi - nơi có nhiều xe tải siêu trường siêu nặng đi qua.

Những người đề ra kế hoạch Gronda tập trung vào việc cầu Morandi bị sử dụng quá mức và quá tải. Một video năm ngoái chiếu cảnh tắc đường trên cầu, nơi có 25 triệu lượt xe đi qua mỗi năm.

Nhưng dự án Gronda cực kỳ tốn kém, bị chính quyền và nhiều chính trị gia phản đối.

Chi tiêu của Italy dành cho bảo trì cầu đường giảm 12% trong 5 tháng đầu năm 2018, và quốc gia này là một trong những nước đầu tư vào đường sá thấp nhất châu Âu.  

Cầu cao tốc Italy được cảnh báo sập từ 6 năm trước - 2
Matteo Salvinia, phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy, trò chuyện với truyền thông khi tới thăm hiện trường cầu sập Morandi hôm 14/8. Ảnh: Reuters.

Nhưng chuyện bỏ bê đường sá ở Italy bắt đầu từ lâu trước khi chính phủ hiện nay lên lãnh đạo. Cuối năm 2017, khoảng 5.000 km đường cấp tỉnh bị đóng cửa hoặc không thể sử dụng, và hơn một nửa mạng lưới giao thông phải giảm tốc độ do bề mặt mặt đường không an toàn. 

Các quan chức thậm chí không thể đóng cửa một số tuyến đường nguy hiểm hoặc giảm tốc độ đi qua đây bởi không đủ tiền cắm biển báo hiệu.

Sau khi cầu Morandi sập hôm 14/8, khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, Bộ trưởng Toninelli kêu gọi quản lý của Autostrade - công ty vận hành cầu Morandi, từ chức, đồng thời tuyên bố sẽ thu hồi giấy phép và phạt công ty này, cho rằng cây cầu không được duy tu đúng quy trình.

Tuy nhiên Stefano Marigliani, giám đốc của Autostrade ở Genoa cho hay công ty đã thực hiện mọi bảo trì cần thiết theo quy định của hợp đồng với nhà nước. Thực tế, công ty đang cho thợ bảo trì cây cầu trước khi nó sập.

Chính quyền Italy vẫn đang tìm kiếm người sống sót sau thảm họa sập cầu, đồng thời mở điều tra nguyên nhân. Hiện chưa rõ lý do chính xác khiến cầu sập, nhưng các chuyên gia cho rằng thiết kế bất hợp lý, thiếu duy tu thường xuyên, là hai trong số nhiều khả năng.

Toàn cảnh cầu sập ở Italy. Video: Reuters.

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)