Thế giới

"Canh bạc" của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với Nga

Việc Nhật Bản hướng tới Nga có thể khiến Mỹ không vừa lòng.

Việc Nhật Bản hướng tới Nga có thể khiến Mỹ không vừa lòng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp tại Vladivostok (Nga) hôm 3.9. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông hôm 3/9, Thủ tướng Nhật Bản cũng bày tỏ mong muốn rằng Nhật Bản và Nga sẽ sớm ký hiệp ước hòa bình nhằm kết thúc “sự bất thường” đã kéo dài suốt 70 năm qua và xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai.

Ông Abe cho rằng Nhật Bản và Nga nên tổ chức cuộc họp thượng đỉnh hàng năm tại Vladivostok vào thời điểm diễn ra Diễn đàn Kinh tế phương Đông. Ngoài ra, ông Abe nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế với Nhật Bản mang lại tiềm năng phát triển to lớn cho Nga.

Cho tới nay, Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 do tranh chấp chủ quyền liên quan tới 4 đảo tại Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phía bắc. Căng thẳng này đã ảnh hưởng tới quan hệ hai nước trong nhiều năm qua. Vì thế, về mặt lý thuyết, hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Giải pháp cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ được coi là bước đi quan trọng đầu tiên cả hai phía cần giải quyết nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Ông Abe thấy rõ việc bình thường hóa quan hệ Nhật – Nga là một trong những thành tựu ngoại giao lớn giúp ông ghi dấu ấn cá nhân trên chính trường. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, cuộc gặp gỡ với ông Putin lần này có thể mang ý nghĩa chiến lược lớn hơn đối với lịch sử hậu chiến của Nhật Bản.

Thủ tướng Shinzo Abe đã tới Washington vào năm 2015 để mời Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Hiroshima với tư cách tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới thăm vùng đất biểu tượng của sự hủy diệt hạt nhân. Từ chuyến thăm này có thể thấy ông Abe đã đưa ra một quyết định ngoại giao quan trọng: đưa Nhật Bản ra khỏi chế độ hậu chiến. Việc gặp gỡ Tổng thống Nga Putin cũng là một trong những cách mà giúp ông Abe hiện thực hóa quyết định trên.

Ông Abe cũng nhìn thấy lợi ích chiến lược từ việc cải thiện mối quan hệ giữa Tokyo và Moscow sau căng thẳng kéo dài với Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ an ninh với Nga, điển hình là các đợt tập trận chung. Thông qua việc đề nghị hợp tác kinh tế với Nga, Nhật Bản có thể tạo ra “yếu tố không chắc chắn trong quan hệ của Bắc Kinh với Moscow”, khiến Trung Quốc khó khăn trong việc duy trì sự tập trung vào việc định vị vị thế của mình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, động thái của ông Abe cũng có nguy cơ gây ra sự khó chịu trong mối quan hệ của Tokyo với Washington. Chính quyền Obama đã duy trì lập trường cứng rắn đối với Nga khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và Washington cùng các đồng minh phương Tây đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Moscow. Mối quan hệ ấm lên giữa Nga và Nhật vào thời điểm này, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế, sẽ đi ngược lại những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Nga để gây áp lực với Moscow.

Quan trọng hơn, liên kết với ông Putin lúc này có thể sẽ là điều bất lợi với Nhật Bản khi Trung Quốc đang ngày càng hành động quyết đoán ở Biển Đông và Hoa Đông; đồng thời điều đó cũng mâu thuẫn với một trong những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Abe – cam kết với Mỹ và các đối tác quốc tế dựa trên những giá trị chung.

Trước mắt, Tokyo phải đảm bảo rằng chuyến thăm của ông Putin tới Nhật Bản vào tháng 12 không làm tổn hại tới những nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì áp lực với Nga. Rõ ràng, bằng việc mời ông Putin tới Nhật Bản vào tháng 12 tới, ông Abe đang chơi một canh bạc chiến lược lớn, điều đó đòi hỏi ông phải hết sức tỉnh táo và khéo léo.

Theo Danh Tuyên (Nguoiduatin.vn)