Thế giới

Canada nêu tình tiết bắt bà Mạnh Vãn Chu: TQ á khẩu vì lộ chuyện nói dối, chậm trễ xử lý?

Chính phủ Canada ngày 11/12 lên tiếng về thông tin liên quan đến vụ bắt giữ giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei, Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Chu.

Canada nêu tình tiết bắt bà Mạnh Vãn Chu: TQ á khẩu vì lộ chuyện nói dối, chậm trễ xử lý?
Đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã được phía Canada khẳng định đã có liên hệ với nhà chức trách Canada ngay trong ngày bà Mạnh Vãn Chu bị bắt (Ảnh: iFeng)

Trao đổi với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ tư pháp Canada cho biết các nhân viên lãnh sự của Trung Quốc được phía Canada thông báo ngay trong ngày 1/12 về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu tại sân bay Vancouver - diễn ra cùng ngày.

CFO của Huawei đang đối diện với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ trước cáo buộc bao che cho các hoạt động của Huawei có liên quan đến những công ty Iran nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.

"Quyền tiếp cận lãnh sự đã được cung cấp... Đại sứ Trung Quốc tại Ottawa cũng đã liên hệ với giới chức Canada trong cùng ngày (1/12) để thảo luận về tình hình," thư phản hồi của Bộ tư pháp Canada gửi SCMP nêu.

Thông tin này là phản ứng trực tiếp nhằm vào cáo buộc của Bộ ngoại giao Trung Quốc đưa ra ngày 10/12. Theo đó, người phát ngôn Lục Khảng chỉ trích Canada vi phạm thỏa thuận lãnh sự song phương khi không lập tức thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc về vụ bắt giữ công dân nước này.

"Đáng tiếc, chúng tôi đã không nhận được bất kỳ thông báo nào từ chính phủ Canada trong thời gian đầu tiên," ông Lục cho biết, nhưng không tiết lộ chính xác mốc thời gian mà Bắc Kinh phát hiện ra vụ CFO Huawei bị bắt.

Một bản tin khác do hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng tải cũng đưa ra cùng cáo buộc như trên.

Canada nêu tình tiết bắt bà Mạnh Vãn Chu: TQ á khẩu vì lộ chuyện nói dối, chậm trễ xử lý? - 1
Thông cáo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada về vụ bà Mạnh Vãn Chu bị bắt được đăng tải ngày 6/12, 5 ngày sau vụ bắt giữ (Ảnh: Chinanews)

Trước đó, Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Canada John McCallum để phản đối vụ việc và thúc giục Ottawa trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh, hoặc sẽ phải đối diện với "những hậu quả nghiêm trọng".

Thông tin chính thức từ phía Trung Quốc về vụ bà Mạnh bị bắt được thông báo lần đầu tiên trên website của Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada vào ngày 6/12 - 5 ngày sau vụ bắt giữ.

Cùng ngày mùng 6, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lần đầu tiên xác nhận vụ việc, và khẳng định nước này "đã giao thiệp nghiêm khắc với Mỹ và Canada, đồng thời tỏ rõ lập trường, yêu cầu nước bạn cung cấp rõ ràng lý do câu lưu [bà Mạnh], lập tức phóng thích người bị câu lưu, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đương sự".

Bộ ngoại giao cùng các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc còn lên án phía Canada không bảo đảm vấn đề chăm sóc y tế cho bà Mạnh, khi bà này mắc chứng cao huyết áp và vừa trải qua cuộc phẫu thuật tuyến giáp hồi tháng 5.

Nữ phó chủ tịch 46 tuổi của Huawei, con gái nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi, bị bắt khi chuyển máy bay tại Vancouver. Vụ bắt giữ tiến hành cùng ngày chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp quan trọng với tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G20 ở Argentina, nơi hai ông đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại" tạm thời trong 90 ngày.

Vụ việc của bà Mạnh Vãn Chu được cho là sẽ làm leo thang trở lại căng thẳng Mỹ-Trung. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sáng 11/12 nói Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ hành động nào xâm hại quyền lợi của công dân nước này.

"Chúng tôi theo dõi chặt chẽ sự an toàn và lợi ích của người Trung Quốc ở nước ngoài trong mọi lúc," ông Vương nói. "Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên trước những hành vi bắt nạt, xâm phạm thô bạo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc."

"Chính phủ Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền hợp pháp của công dân bằng mọi giá, và trả lại công bằng-công lý cho thế giới."

Sáng ngày 10/12 (giờ Vancouver), phiên điều trần về việc bảo lãnh tại ngoại đối với bà Mạnh đã được tổ chức. Sau nhiều giờ điều trần không đạt kết quả, thẩm phán quyết định phiên tòa sẽ tiếp tục trong ngày 11.

Theo Hải Võ (Soha/Thời Đại)