Thế giới

Campuchia truy tố lãnh đạo đối lập

Chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) Kem Sokha bị truy tố tội danh phản quốc vì “câu kết với nước ngoài”.

Chủ tịch đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) Kem Sokha bị truy tố tội danh phản quốc vì “câu kết với nước ngoài”.

Chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia Kem Sokha (giữa) /// Ảnh: AFP

Tòa án Phnom Penh ngày 5.9 chính thức quyết định truy tố ông Kem Sokha, Chủ tịch đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) sau phiên thẩm vấn tại nhà tù Trapaing Phlong ở tỉnh Thbong Khmum. Tờ Khmer Times dẫn lời phát ngôn viên tòa án cho biết công tố viên Kuoch Kimlong đã kiểm tra chứng cứ và thẩm vấn nghi phạm trước khi quyết định truy tố ông Sokha về hành vi “câu kết với ngoại quốc”. Tội danh này có mức án tù lên đến 30 năm.

Tòa án cũng ra thông cáo khẳng định vụ bắt giữ ông Sokha hôm 3.9 là đúng quy trình. Việc truy tố nhân vật này dựa trên đoạn phim được phát trên Đài CBN (Úc) cùng các bằng chứng do cảnh sát thu thập. Đoạn phim năm 2013 ghi lại cảnh ông Sokha nói với những người ủng hộ rằng ông có sự hậu thuẫn của Mỹ “để xây dựng phong trào dân chủ ở Campuchia”. Theo đó, ông Sokha cho biết sau khi trở thành đại biểu quốc hội vào năm 1993, ông đã được Mỹ mời sang học về dân chủ và kể từ đó ông đều sang Mỹ hằng năm. “Họ hướng dẫn tôi theo các mô hình tương tự ở Nam Tư và Serbia, nơi từng thành công trong việc thay đổi các lãnh đạo độc tài”, Khmer Times dẫn lời ông Sokha phát biểu trong đoạn phim.

Ông Kem Sokha (64 tuổi) được CNRP bầu làm chủ tịch mới hồi tháng 2, sau khi ông Sam Rainsy bất ngờ từ chức. Sam Rainsy hiện sống lưu vong ở Pháp để tránh bị xét xử về tội phỉ báng Thủ tướng Hun Sen. nguồn tin dẫn thông cáo của tòa cáo buộc ông Sokha có “mưu đồ bí mật” với các tổ chức nước ngoài kể từ năm 1993 và đã đủ chứng cứ buộc tội phản quốc, hoạt động gián điệp. Vài giờ sau khi ông Sokha bị bắt, Thủ tướng Hun Sen lên tiếng cáo buộc rằng “phía sau bàn tay của ông ta cũng vẫn là Mỹ”, đồng thời cáo buộc Mỹ giúp CNRP kích động thay đổi chế độ ở Campuchia. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho rằng vụ bắt giữ ông Sokha “dường như có động cơ chính trị”. Đáp lại, ông Hun Sen cho rằng đơn giản Mỹ muốn bảo vệ “con rối” của mình và cho biết chính quyền sẽ điều tra xem người nào ở Mỹ cung cấp chiến lược cho CNRP nhằm phá hoại Campuchia.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 4.9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc ghi nhận thông tin về vụ việc và ủng hộ hành động của chính phủ Campuchia. “Là láng giềng, bạn, đối tác và anh em tốt của Campuchia, phía Trung Quốc luôn ủng hộ Campuchia theo đường lối phát triển phù hợp với tình hình đất nước, cũng như nỗ lực của chính phủ nhằm bảo vệ ổn định và an ninh quốc gia”, ông Cảnh phát biểu.

Liên quan đến việc tờ The Cambodia Daily, nhật báo tiếng Anh thường đăng tải các bài viết chỉ trích chính phủ Campuchia, đóng cửa từ ngày 4.9, Tổng cục Thuế Campuchia đã yêu cầu bộ phận di trú ngăn các lãnh đạo tờ báo này xuất cảnh. Tháng trước, nhà chức trách thông báo The Cambodia Daily nợ thuế 6,3 triệu USD và sẽ phải ngừng hoạt động nếu không chi trả.

Báo này do nhà báo Mỹ kỳ cựu Bernard Krisher thành lập năm 1993 và đến tháng 4.2017, ông chuyển quyền sở hữu cho con gái là bà Deborah Krisher-Steele. Lệnh cấm xuất cảnh được áp dụng đối với bà Krisher-Steele và ông Douglas Steele, Tổng giám đốc Công ty The Bernard Krisher Jimusho, chủ sở hữu tờ báo.

Theo Khánh An (Thanh Niên Online)