Thế giới

Cải cách hộ khẩu của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, diễn ra chậm chạp

Chính sách hộ khẩu, một vấn đề nhức nhối của xã hội Trung Quốc, đang gặp khó khăn khi những cải cách không diễn ra như kế hoạch và gặp nhiều trở ngại.

Chính sách hộ khẩu của Trung Quốc được thực thi từ năm 1958 với mục tiêu kiểm soát quá trình di dân từ nông thôn lên thành thị.

Vì chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển công nghiệp ở các thành phố lớn, hệ thống phúc lợi xã hội của nước này cũng dành ưu tiên cho dân thành thị.

Công dân hạng hai

Chính sách kiểm soát cư trú theo mô hình hộ khẩu vô hình trung đã tạo ra hai tầng lớp: dân thành thị và dân nông thôn, ảnh hưởng từ đời này sang đời kia, bởi dù sinh tại bất cứ đâu, một người cũng phải theo hộ khẩu của cha mẹ.

Cải cách hộ khẩu của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, diễn ra chậm chạp
Cuốn sổ hộ khẩu, bên trong ghi có ghi trạng thái cư dân, sẽ quyết định những phúc lợi xã hội quan trọng mà một người dân Trung Quốc được hưởng. Ảnh: SCMP

Cuốn sổ hộ khẩu, bên trong ghi có ghi trạng thái cư dân, sẽ quyết định những phúc lợi xã hội quan trọng mà một người dân Trung Quốc được hưởng. Ảnh: SCMP
Điều này dẫn đến một sự phân biệt không nhỏ khi một người dân nông thôn dù sinh sống và làm việc ở một thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, sẽ không có cơ hội được hưởng một số dịch vụ công về giáo dục, y tế hoặc trợ cấp lương hưu, họ trở thành những công dân “hạng hai” ở chính những thành phố mà mình đã gắn bó phần lớn hoặc toàn bộ cuộc đời.

Việc chuyển đổi từ “dân nông thôn” sang “dân thành thị” cũng vô cùng khó khăn khi chính phủ Trung Quốc áp đặt một mức hạn ngạch khắt khe, chỉ từ 0,15%-0,2% dân số mỗi năm.

Thí điểm hộ khẩu thành thị

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế vào năm 1978, lượng dân di cư từ vùng nông thôn đến các thành phố tăng nhanh. Con số này lên tới 287 triệu người vào năm 2017, tương đương một phần ba lực lượng lao động và chế độ hộ khẩu bắt đầu lộ rõ những bất cập khi trở thành rào cản lớn với công bằng xã hội.

Điều này đòi hỏi quốc gia đông dân nhất thế giới phải có những cải cách để đảm bảo sự bình đẳng cũng như những phúc lợi cần thiết cho nhóm người này.

The Diplomat dẫn báo cáo của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2012 cho thấy lương tháng trung bình của công nhân nhập cư là 2.290 nhân dân tệ/tháng so với 3.897 tệ/tháng của dân có hộ khẩu, trong khi dân nhập cư phải tiết kiệm nhiều hơn do không được hưởng chính sách ưu đãi an sinh.

Từ giữa năm 2001, Trung Quốc bắt đầu thực hiện vài cuộc cải cách hộ khẩu nhỏ. Thoạt đầu, thí điểm tiến hành ở 200 thị trấn, thành phố nhỏ, sau đó được áp dụng rộng cho nhiều tỉnh lớn trong đó có Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Sơn Đông, An Huy, Tứ Xuyên và Hồ Bắc.

Đến năm 2005 cải cách được nhân rộng tại một số thành phố trong đó có Thạch Gia Trang (Hồ Bắc), Hợp Phì (An Huy), Ninh Ba (Chiết Giang), Tế Nam (Sơn Đông), Bắc Kinh, Trùng Khánh và Thượng Hải.

Cho đến năm 2014, chính phủ Trung Quốc đã vạch ra một kế hoạch theo đó đến năm 2020 sẽ cấp mới 100 triệu “hộ khẩu thành thị” cho những người dân không có chứng nhận này.

Kế hoạch bắt đầu được thử nghiệm ở những thành phố nhỏ dưới 3 triệu dân, qua đó những người có nơi ở và nghề nghiệp cố định sẽ được cấp hộ khẩu thành thị. Tính đến năm 2016, Bộ Công an Trung Quốc cho biết có 28.9 triệu “hộ khẩu thành thị” được cấp mới. 

Chấm điểm để đổi hộ khẩu ở các thành phố lớn

Trong khi đó ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến, quá trình cấp “hộ khẩu thành thị” diễn ra khó khăn hơn, một phần vì chính phủ muốn hạn chế dòng người nhập cư đến những khu vực này và khuyến khích lực lượng lao động đến với những khu vực kém phát triển hơn.

Ở những thành phố lớn này, những người dân nhập cư sẽ phải nộp đơn yêu cầu thay đổi trạng thái hộ khẩu, và sẽ có hệ thống chấm điểm dựa trên trình độ văn hóa, hồ sơ thuế và kinh nghiệm làm việc của mỗi cá nhân, tất nhiên không phải ai cũng có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.

Còn ở những thành phố nhỏ hơn, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra dễ dàng, người dân nhập cư sẽ phải từ bỏ một số quyền lợi, trong đó có quyền sử dụng đất ở quê nhà để có cơ hội được cấp hộ khẩu thành thị. Điều này khiến một bộ phận dân di cư đối mặt với hoàn cảnh không còn nơi nào để trở về nếu có gì không may xảy đến với họ, những người này không có đủ động lực để thay đổi tình trạng hộ khẩu của mình.

Mặc dù Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn bùng nổ về phát triển bất động sản sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, khi chính phủ bơm tiền khuyến khích xây dựng để thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên hầu hết số bất động sản này đều ở ngoài tầm với của tầng lớp dân nhập cư ở các thành phố. Giá nhà ở của các thành phố lớn tăng chóng mặt kéo theo giá bất động sản ở các thành phố nhỏ hơn cũng tăng theo, mặc dù có sự khác biệt lớn về nhu cầu ở hai khu vực này.

Cải cách hộ khẩu của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, diễn ra chậm chạp - 1
Rất nhiều thành phố ở Trung Quốc không có người ở do giá nhà quá cao so với thu nhập của tầng lớp dân di cư.

Đó cũng là một lí do khiến những người dân di cư không muốn từ bỏ trạng thái "dân nông thôn" trong hộ khẩu của mình, là "dân nông thôn" họ có quyền sử dụng đất đai vào cả mục đích nông nghiệp lẫn mục đích cá nhân, nhiều người muốn xây nhà cho thuê để có thêm thu nhập hoặc chờ đợi chính phủ đền bù trong quá trình xây dựng các dự án đô thị, điều thường xảy ra trong những năm gần đây.

Việc khuyến khích người dân đến sống ở các thành phố nhỏ cũng không thực sự hấp dẫn, khi mà những siêu thành phố như Thượng Hải hay Thâm Quyến có nền kinh tế phát triển vượt bậc so với phần còn lại, và cơ hội việc làm cũng như mức lương đều cao hơn.

Các dịch vụ công cộng ở các thành phố nhỏ cũng là một vấn đề khiến cho chính sách cải cách hộ khẩu gặp khó khăn. Trung Quốc đối mặt với việc thiếu hụt trầm trọng bác sĩ và nhân viên y tế. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở lĩnh vực giáo dục, khi có sự khác biệt lớn về danh tiếng các trường đại học ở các thành phố lớn so với các thành phố nhỏ.

Gánh nặng kinh tế

Việc mở rộng cung cấp những dịch vụ phúc lợi cho hơn 100 triệu dân không phải là nhiệm vụ đơn giản. Theo tính toán của Viện khoa học xã hội Trung Quốc, sẽ cần ít nhất 100 nghìn tệ (14.500 USD (337.8 triệu đồng)) để đảm bảo các dịch vụ giáo dục và y tế cho một người dân được cấp hộ khẩu thành thị, điều này tương đương với việc cứ 1 triệu hộ khẩu thành thị được cấp mới, chính phủ Trung Quốc sẽ phải bỏ ra thêm 100 triệu tệ (14,5 tỷ USD).

Tính đến hết năm 2016, các chính quyền địa phương Trung Quốc đang mang một khoản nợ lên tới 2.5 nghìn tỷ USD, điều này sẽ gây áp lực đến kế hoạch đảm bảo phúc lợi xã hội cho những người dân được cấp hộ khẩu thành thị.

Một chính sách được nhiều người Trung Quốc hoan nghênh đang gặp phải những khó khăn nhất định, và với quy mô của chính sách này cùng tình hình tài chính trong nước ở thời điểm hiện tại, có lẽ kế hoạch cải cách hộ khẩu của chính phủ Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành so với dự định ban đầu.

Theo Quốc Thăng (Tri Thức Trực Tuyến)