Thế giới

Bộ mặt khác của tấn công khủng bố

Mấy ngày qua, liên tiếp xảy ra những vụ khủng bố đẫm máu, với hàng trăm thường dân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Iraq và Saudi Arabia.

Mấy ngày qua, liên tiếp xảy ra những vụ khủng bố đẫm máu, với hàng trăm thường dân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Iraq và Saudi Arabia.

Bộ mặt khác của tấn công khủng bố

Nhưng đây không phải là Ramadan đầu tiên mà người Hồi giáo cũng như các thường dân vô tội khác trở thành nạn nhân của những hành động man rợ do những kẻ nhân danh “thánh chiến Hồi giáo” gây ra.

Kể từ năm 2004 đến nay, sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, đất nước này và sau đó là nhiều quốc gia Ả Rập Trung Đông khác đã rơi vào hỗn loạn với vô số vụ giết chóc thường dân rất tàn bạo.

Thật đau lòng khi đa số các vụ khủng bố này lại là tỉ thí giữa những người Hồi giáo vẫn luôn có câu cửa miệng gọi nhau là “anh em ruột thịt”.

Đó là hậu quả của những hận thù thâm căn cố đế vẫn tồn tại trong một bộ phận rất cực đoan của Hồi giáo, mà khốc liệt nhất, bi thương nhất là giữa dòng Sunni với dòng Shiite.

Những người cực đoan của bên này luôn coi bên kia là “phản đạo” và luôn tìm thấy những triết lý trong kinh sách Koran để viện dẫn cho “chính nghĩa” của họ khi triệt hạ lẫn nhau.

Dù nhân danh cái gì, những kẻ khủng bố nhắm vào dân thường cũng đều là lũ người man rợ, những dị biệt quái đản giữa loài người văn minh ở thế kỷ 21 này.

Đông đảo người Hồi giáo toàn thế giới kinh tởm và phỉ nhổ bọn khủng bố này; không chấp nhận chúng là tín đồ của Allah!

Nhưng các vụ tấn công khủng bố liên tiếp do IS đã hoặc định thực hiện (bất thành) thời gian gần đây, ở cả châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Saudi Arabia còn mang một dấu ấn khác.

Đây có lẽ là phản ứng của IS trước tình cảnh chúng đang bị dồn vào thế bị động chống đỡ vất vả và bị đẩy lùi tại một số khu vực quan trọng mà chúng đã kiểm soát trong thời gian tồn tại của IS ở Syria và Iraq suốt hai năm qua.

Mới nhất là việc lực lượng Iraq, được liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu hỗ trợ hỏa lực không quân, đã giành lại thành phố Fallujah - một căn cứ truyền thống của IS ở miền tây Iraq và chỉ cách thủ đô Iraq 65km.

Cùng thời gian ấy, tại Syria, lực lượng “quân đội Syria dân chủ”, được liên minh quốc tế của Mỹ hậu thuẫn, cũng chiếm được thành phố Menbej - một căn cứ của IS ở phía bắc thành phố Reqqa - “thủ đô” của IS.

Với những thắng lợi rất quan trọng này, liên minh quốc tế chống khủng bố đang trù tính chuẩn bị các kế hoạch để tấn công hai thành trì chính yếu còn lại của IS là thành phố Mosul ở phía bắc Iraq và thành phố Reqqa của Syria.

Các nhà phân tích phương Tây và Ả Rập đều cho rằng IS liên tiếp mở các cuộc tấn công khủng bố trong những ngày qua chủ yếu nhằm trả thù cho các thất bại nghiêm trọng mà chúng gánh chịu gần đây; đồng thời kéo giãn khả năng của bên chống khủng bố nhắm vào Mosul và Reqqa.

Việc IS hầu như chỉ thực hiện được các vụ tấn công kiểu tự sát, dù là dùng nhóm nhỏ vũ trang như ở Bangladesh hay đánh bom ở các nơi khác, cho thấy chúng hầu như không còn khả năng tấn công lớn và không thể đánh chiếm các mục tiêu như trong giai đoạn 2014-2015.

Tuy nhiên, với đầu óc cực đoan mù quáng, lại luôn trang bị thứ vũ khí man rợ “đánh bom tự sát” nhắm bất cứ mục tiêu nào mà chúng muốn, các thành viên của IS, dù là có tổ chức hay tự nguyện đơn độc (còn gọi là “con sói cô độc”), vẫn có thể gây ra những vụ khủng bố khó lường.

Truyền thông thường tập trung tác nghiệp rầm rộ khi xảy ra những vụ khủng bố ở các quốc gia Âu - Mỹ. Nhưng thực ra, số vụ tương tự xảy ra ở các quốc gia Ả Rập - Hồi giáo còn nhiều gấp hàng trăm lần và số nạn nhân lên đến nhiều nghìn người!

Truyền thông cũng chỉ nói chung chung về thủ phạm là IS hoặc al Qaeda, và nạn nhân là dân thường.

Nhưng thực tế diễn ra là al Qaeda và IS đều nhân danh dòng Sunni. Còn nạn nhân thường là dòng Shiite.

Vụ đánh bom thảm khốc ngày 3-7 ở Baghdad là nhắm vào khu phố al-Karada khi đông đảo tín đồ Shiite đang rôm rả mua sắm chuẩn bị cho đại lễ al-Fitr mừng kết thúc tháng Ramadan linh thiêng của Hồi giáo.

Theo Nguyễn Ngọc Hùng (Tuổi Trẻ)