Thế giới

Bộ ba cường kích yểm trợ mặt đất uy lực trên chiến trường

Các máy bay này đều có khả năng phòng vệ tốt, trang bị hỏa lực mạnh để yểm trợ hỏa lực hiệu quả cho bộ binh.

Cường kích yểm trợ mặt đất được trang bị giáp dày và hỏa lực mạnh, nhằm đối phó với các hệ thống phòng không hạng nhẹ của đối phương, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho lực lượng tác chiến trên bộ. Có 4 dòng máy bay yểm trợ mặt đất đang thể hiện sức mạnh trên nhiều mặt trận, nơi những tiêm kích tối tân không thể phát huy tối đa tính năng kỹ chiến thuật, theo Sputnik.

Su-25

Cường kích Su-25 được biên chế trong không quân Liên Xô và Nga từ năm 1980. Qua gần 40 năm, hơn 1.000 chiếc Su-25 đã ra đời, dây chuyền sản xuất và nâng cấp vẫn đang hoạt động, cho thấy sự bền bỉ và hiệu quả của dòng cường kích yểm trợ mặt đất này.

Su-25 có thể mang tối đa 4.400 kg vũ khí bao gồm tên lửa, rocket, bom các loại, cùng khẩu pháo tự động nòng đôi GSh-30-2 cỡ 30 mm để tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ và tự vệ. Điểm mạnh nhất của Su-25 chính là khả năng sống sót cao trên chiến trường.

Buồng lái Su-25 được chế tạo từ vật liệu titan với độ dày 10-24 mm, chống được các loại đạn bộ binh cỡ 12,7 mm hoặc đạn pháo phòng không cỡ nòng 30 mm. Các bộ phận quan trọng cũng được bọc giáp titan và luôn có hệ thống dự phòng, bảo đảm hoạt động bình thường ngay cả khi máy bay trúng đạn.

Bộ ba cường kích yểm trợ mặt đất uy lực trên chiến trường
Biên đội Su-25 Nga xuất phát từ căn cứ Hmeymim tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Tốc độ thấp, vỏ giáp dày và hỏa lực mạnh giúp Su-25 tấn công hiệu quả các mục tiêu ở vùng đồi núi phức tạp, hỗ trợ bộ binh trong những tình huống hiểm nghèo. Su-25 là sự thay thế hoàn hảo cho những tiêm kích tốc độ cao và không có giáp bảo vệ, vốn không phù hợp cho nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Trong lịch sử tham chiến của mình, Su-25 đã chứng tỏ được sự tin cậy và uy lực. Một số cường kích từng hứng chịu hơn 100 vết đạn trên thân và động cơ bị vỡ tung nhưng vẫn trở về căn cứ an toàn, cho thấy khả năng sống sót của loại máy bay này, giúp nó được gọi bằng biệt danh "xe tăng bay" của Nga.

Thần Sấm A-10 Thunderbolt II

Mỹ phát triển cường kích A-10 trong giai đoạn đầu thập niên 1970, trước khi đưa nó vào biên chế năm 1977.

Ban đầu, Lầu Năm Góc tỏ ra hoài nghi với dòng phi cơ bay chậm và cồng kềnh, cho rằng nó dễ bị tổn thương, hoàn toàn thua kém các tiêm kích tương lai như F-15 và F-16. Tuy nhiên, mọi nghi ngờ đều bị dẹp tan trong chiến dịch Bão táp Sa mạc, khi 150 chiếc A-10 được cho là đã hủy diệt hơn 3.000 phương tiện cơ giới của quân đội Iraq và chỉ mất 7 phi cơ.

Bộ ba cường kích yểm trợ mặt đất uy lực trên chiến trường - 1
Cường kích A-10 của không quân Mỹ. Ảnh: USAF.

Chiến tranh vùng Vịnh đã xây dựng danh tiếng cho A-10, biến nó trở thành một trong những loại máy bay nổi tiếng nhất thế giới. Quân đội Mỹ đã triển khai các phi đội A-10 trong chiến dịch quân sự tại Nam Tư, Afghanistan, Iraq, Libya và Syria.

Điểm nổi bật nhất của A-10 là pháo 7 nòng GAU-8/A Avenger cỡ 30 mm, toàn bộ máy bay được chế tạo quanh khẩu pháo chính này. Pháo GAU-8/A ra đời nhằm phục vụ mục đích chống tăng, có tốc độ bắn tới 3.900 phát/phút và tầm hiệu quả 1.220 m.

Mỗi chiếc A-10 có thể mang 1.174 viên đạn xuyên giáp lõi uranium nghèo hoặc đạn nổ mảnh, cho phép nó tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau như xe tăng thiết giáp, phương tiện cơ giới và lực lượng bộ binh. Ngoài ra, A-10 còn mang được tối đa 7.260 kg bom, rocket và tên lửa các loại.

Tương tự Su-25, dòng A-10 cũng có khả năng sống sót cao nhờ buồng lái và các hệ thống chủ chốt được bọc giáp titan dày 13-38 mm. Quân đội Mỹ cho biết những chiếc A-10 có thể chịu được phát bắn thẳng từ đạn pháo phòng không cỡ 23 mm, trong khi động cơ đặt cao so với thân giúp nó được che chắn khỏi tên lửa vác vai.

EMB-314 Super Tucano

Ngoài Nga và Mỹ, có nhiều quốc gia cũng thiết kế, chế tạo máy bay yểm trợ mặt đất. Vào đầu thập niên 2000, tập đoàn Embraer Defense của Brazil bắt đầu ra mắt cường kích hạng nhẹ EMB-314 Super Tucano, dựa trên phi cơ huấn luyện EMB-312 Tucano.

Máy bay được trang bị động cơ phản lực cánh quạt, có tốc độ hành trình thấp, giúp phi công có thời gian nhận dạng và ngắm bắn mục tiêu, yếu tố rất quan trọng với nhiệm vụ yểm trợ mặt đất. Vũ khí chính của Super Tucano là hai súng máy cỡ 12,7 mm và khả năng mang pháo 20 mm, cùng 1.550 kg vũ khí các loại như bom, rocket và tên lửa dẫn đường. Mặt trong buồng lái được bọc vải chống đạn Kevlar, bảo đảm an toàn cho phi công trước đạn bộ binh và mảnh pháo.

Bộ ba cường kích yểm trợ mặt đất uy lực trên chiến trường - 2
Máy bay Super Tucano tham gia chiến dịch chống Taliban tại Afghanistan. Ảnh: Wikipedia.

Dù không đạt uy lực như Su-25 và A-10, dòng Super Tucano đặc biệt phù hợp trong hoạt động yểm trợ bộ binh, chống phiến quân ở các điểm nóng trên thế giới. Mức giá rẻ, chi phí hoạt động thấp và sức tải vừa phải giúp EMB-314 trở thành lựa chọn phù hợp cho nhiều quốc gia không đầu tư mạnh cho quốc phòng. Mỹ cũng đặt mua 200 chiếc Super Tucano để triển khai cho nhiệm vụ chống phiến quân Taliban tại Afghanistan.

Theo Tử Quỳnh (VnExpress.net)