Thế giới

Biểu tình suốt ba ngày phản đối xóa tội cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu

Người biểu tình Mỹ tiếp tục đổ ra đường phố ở St. Louis, Georgia, để phản đối phán quyết xóa tội một cảnh sát bắn chết nghi phạm da màu.

Người biểu tình Mỹ tiếp tục đổ ra đường phố ở St. Louis, Georgia, để phản đối phán quyết xóa tội một cảnh sát bắn chết nghi phạm da màu.

Người biểu tình tiếp tục đổ ra đường phố St. Louis, bang Missouri, tối 17/9 để phản đối việc tòa án xóa tội cho Jason Stockley, 36 tuổi, cựu cảnh sát St. Louis, sau khi anh bắn chết Anthony Lamar Smith, một người da màu, hồi năm 2011.

Cũng giống như hai ngày 15 và 16/9, cuộc biểu tình ban đầu diễn ra hòa bình nhưng dần trở nên hỗn loạn và bạo lực khi trời tối. Người biểu tình đập phá cửa sổ, tìm cách phong tỏa một ngã tư, Reuters dẫn lời cảnh sát cho biết.

"Đây không còn là một cuộc biểu tình hòa bình", cảnh sát St. Louis thông báo trên Twitter. Một cảnh sát đã bị thương. "Cảnh sát tiếp tục bắt người sau khi có tài sản bị hư hại ở trung tâm thành phố".

Cảnh sát chống bạo động St. Louis tuần hành trên nhiều con phố, giải tán đám đông. Họ còn sử dụng các phương tiện lớn, phát loa kêu gọi người dân rời đi.

Cuộc biểu tình ngày 17/9 ước tính có khoảng hơn 1.000 người tham gia, lớn nhất trong ba ngày. Cảnh sát cũng triển khai lực lượng lớn nhất có thể để đảm bảo trật tự.

Phong trào biểu tình bắt đầu từ ngày 15/9, sau khi thẩm phán Timothy Wilson xóa tội giết người cấp độ 1 cho Stockley. Người biểu tình và cảnh sát đụng độ vào sáng sớm 16/9 làm 10 nhân viên an ninh bị thương. Cảnh sát đã bắt 33 người.

Stockley bị cáo buộc giết người cấp độ 1 vì anh bắn Smith 5 lần sau cuộc rượt đuổi ôtô tốc độ cao năm 2011. Stockley khai thấy Smith giữ một khẩu súng và cảm thấy bản thân gặp nguy hiểm. Một khẩu súng được tìm thấy trên xe Smith nhưng nó chỉ có ADN của Stockley, dẫn đến nghi ngờ là dàn dựng.

Stockley có thể lĩnh án tù chung thân, không ân xá nếu bị kết tội. Anh nghỉ việc năm 2013 và bị bắt năm ngoái. Gia đình Smith đệ đơn kiện thành phố St. Louis đòi bồi thường 900.000 USD trong cùng năm.

Tình trạng biểu tình tương tự nhưng các vụ đụng độ nghiêm trọng hơn từng diễn ra ở thành phố Ferguson, bang Missouri, năm 2014, sau khi Michael Brown, thiếu niên da màu không có vũ khí, bị một cảnh sát bắn chết và cảnh sát này không bị buộc tội.

Sự kiện ở Ferguson khiến Black Lives Matter, phong trào đòi quyền lợi cho người da màu, trỗi dậy. Phong trào này đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trên khắp Mỹ.

Theo Như Tâm (VnExpress.net)