Thế giới

Biển Đông: Trung Quốc sắp hạ thủy tàu tiếp tế "khủng" cho lính chiếm đảo

Trung Quốc sắp hạ thủy một tàu tiếp tế lớp Đại Vận (Type 904A) có khả năng thực hiện tiếp tế cho "lính chiếm đảo" của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc sắp hạ thủy một tàu tiếp tế lớp Đại Vận (Type 904A) có khả năng thực hiện tiếp tế cho "lính chiếm đảo" của nước này ở Biển Đông.
Gần đây, trên các diễn đàn quân sự Trung Quốc truyền nhau thông tin, 1 tàu tiếp tế viễn dương Type 904A sắp được hạ thủy tại một nhà máy đóng tàu công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
 
Type 904A là loại tàu chủ yếu dùng để thực hiện tiếp tế cho “lính chiếm đảo” của Trung Quốc tại Biển Đông.
 
Thông tin về việc Trung Quốc chế tạo tàu tiếp tế mới đã xuất hiện từ năm ngoái.
 
Trong một bài viết hồi tháng 10/2014, tạp chí Jane's Defence Weekly cho hay, tàu Type 904 lớp Đại Vận là tàu tiếp tế vận tải đời mới của Trung Quốc.
 
Chiếc tàu mới có sự khác biệt rõ rệt với tàu tiếp tế Phủ Tiên Hồ (cũng thuộc Type 904A, lượng giãn nước 15.000 tấn). Cụ thể, tàu mới trang bị sàn đáp và nhà chứa dùng cho trực thăng, còn tàu Phủ Tiên Hồ chỉ có sàn đáp máy bay.
 

Tàu tiếp tế Type 904A mới của Trung Quốc sắp được hạ thủy.

 
Theo Jane’s, tàu Type 904A dường như được chế tạo để thực hiện nhiệm vụ tương tự ở khu vực nước nông xung quanh các đảo, đá ngầm ở Biển Đông.
 
Điều này cũng phù hợp với hoạt động xây dựng mở rộng trái phép cơ sở hạ tầng quân sự của Hải quân Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
 
Hiện nay, Trung Quốc còn đang đóng tàu tiếp tế tổng hợp Type 903 lớp Phúc Trì thứ 5. Trước đó, 2 tàu tiếp tế Type 903 đã được biên chế cho Hải quân Trung Quốc năm 2004.
 
Đến năm 2013, Trung Quốc tiếp tục biên chế 2 tàu tiếp tế Type 903A loại 23.000 tấn.
 
Tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ số hiệu 887 Type 903 lớp Phúc Trì, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc.
 
Những tàu tiếp tế này được sử dụng rộng rãi để hỗ trợ tàu chiến hải quân Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ chống hải tặc. Loại tàu hỗ trợ này thường thực hiện nhiệm vụ vận chuyển lực lượng đặc biệt trong thời gian 10 tháng liên tục.
 
Số lượng tàu phụ trợ tăng cho thấy, Trung Quốc đang cố gắng xây dựng khả năng hỗ trợ hậu cần trên biển cho các hoạt động viễn dương.
 

Tàu Phủ Tiên Hồ (số hiệu 888) là tàu tiếp tế vận tải đầu tiên thuộc Type 904A, được biên chế năm 2007.

 
Năm 2012, truyền thông quân sự Trung Quốc đưa tin, tàu tiếp tế Phủ Tiên Hồ là tàu được đóng dùng để tiếp tế (bất hợp pháp) cho các lực lượng đồn trú trái phép của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
 
Từ năm 2009 đến năm 2012, tàu này đã hoàn thành hơn 10 lần nhiệm vụ thay phiên đóng quân và vận chuyển tiếp tế vật tư.
 
Hai bên thân của tàu Phủ Tiên Hồ và chiếc tàu mới, đều trang bị cần trục xuống để triển khai xuồng làm nhiệm vụ chuyển binh sĩ và vật tư.
 
Về vũ khí, tàu tiếp tế Phủ Tiên Hồ trang bị 2 pháo hạm cỡ 37mm và 2 pháo hạm cỡ nòng nhỏ.
 
Tuy tàu tiếp tế Phủ Tiên Hồ được biên chế cho Hải quân Trung Quốc, nhưng trong một thời gian tàu này lại từng do Trung tâm chỉ huy ngư chính Trung Quốc kiểm soát.
 
Sau đó, không rõ nguyên nhân vì sao con tàu này lại được chuyển trở lại cho Hải quân Trung Quốc quản lý.
 
Có vẻ như, chiếc tàu mới sẽ do Hải quân Trung Quốc vận hành vì nó có thể mang theo 1 trực thăng và có khả năng vượt trội so với Phủ Tiên Hồ.
 
Điều này cũng có thể mang ẩn ý rằng, trong tương lai, số lượng tàu mang trực thăng triển khai trên biển của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng.
 
Thời gian qua, truyền thông thế giới đưa tin Trung Quốc đang tiến hành rầm rộ các hoạt động xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này.
 
Chiều 05/3/2015, trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc xây, bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho phép các hoạt động đồn trú và sân bay quân sự, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh:
 
Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta khẳng định:
 
Việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng trái phép công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
 
Không những vậy, việc này còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN.
 
“Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái đó” - Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Hòa Trần (Nld.com.vn)