Thế giới

Bi kịch kiểu TQ: Một nhà thơ chết vì chiếc iPhone trên tay chúng ta như thế nào?

Hàng trăm ngàn người Trung Quốc bỏ quê lên các thành phố để lao động trong các nhà máy, họ chế tạo thiết bị cho thị trường quốc tế và tìm cách xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ Lập Chí đã để lại những dòng viết ám ảnh về quãng đời đó.

Hàng trăm ngàn người Trung Quốc bỏ quê lên các thành phố để lao động trong các nhà máy, họ chế tạo thiết bị cho thị trường quốc tế và tìm cách xây dựng cho mình cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ Lập Chí đã để lại những dòng viết ám ảnh về quãng đời đó.


Cậu bé quê mùa Từ Lập Chí có đôi vai khá rộng. Với trình độ trung học, cậu chuyển tới phía nam thành phố Thâm Quyến vào năm 2011. Cậu tìm cách thoát khỏi cuộc sống miền quê, hy vọng có thể sử dụng trí óc làm giàu cho chính mình.
 

Xưởng sản xuất của Foxconn tại Trung Quốc, nơi Từ Lập Chí làm việc (Ảnh: The Telegraph)

Cũng như hàng trăm nghìn người trước đó, Từ bắt đầu lập nghiệp bằng một vị trí trong dây chuyền lắp ráp của Tập đoàn Công nghệ Foxconn - nhà sản xuất linh kiện điện tử khổng lồ có liên hệ với tất cả những cái tên sừng sỏ trong thế giới công nghệ, từ Apple cho tới Acer và Microsoft.

Để thi vị hoá những gì mình trải qua ở nơi này, Từ bắt đầu viết lách. Những vần thơ gợi mở của anh đã thu hút và trở thành cảm hứng cho cộng đồng nhỏ những thi nhân tha hương của thành phố này.

Trong 3 năm rưỡi ở Thâm Quyến, Từ Lập Chí đã thể hiện những chi tiết tàn khốc đến ám ảnh của cuộc đời công nhân trong từng nét thơ. Ở nơi ấy, cậu bé nhà quê đã thấy tiếng lòng mình gào thét, những bài thơ ra đời được đăng lên tờ báo nội bộ Con người Foxconn và được cậu chia sẻ trên mạng.

Những công nhân nhà máy thường không được tôn trọng như một con người có tên, có tuổi. Đối với độc giả, những câu thơ của Từ Lập Chí là lời nhắc nhở rằng mọi công nhân đều có trái tim và khối óc; còn với bản thân anh việc viết lách là một lối thoát. “Thơ ca giúp tôi được sống một cuộc đời khác,” anh chia sẻ với một nhà báo Trung Quốc trong một buổi phỏng vấn mà Time đã chứng kiến nhưng không được đăng. “Khi viết nên những dòng thơ, bạn không còn bị kìm hãm trong thế giới thực.”

Lần đầu tiên, anh trai và bạn thân của Từ Lập Chí đã chia sẻ câu chuyện cuộc đời anh với báo chí nước ngoài.

"Một chiếc đinh vít rơi / Tăng ca, đêm mù mịt / Leng keng kêu khe khẽ / Mà đâu nào ai hay / Khác gì đâu lần trước / Cũng một đêm như thế / Một người gục xuống sàn" - Trích thơ Từ Lập Chí (Ảnh: Micgadget)

Năm 2011 là quãng thời gian lạ lùng và buồn thảm. Khu phức hợp Long Hoa là nơi tập trung 100.000 công nhân từ khắp Trung Quốc. Năm 2010 đã có ít nhất 17 người tự tử; 14 người đã chết.

Do những điều khoản bảo mật và an ninh chặt chẽ, chẳng mấy ai biết điều gì xảy ra trong những xưởng sản xuất. Những nhóm người lao động đổ lỗi cho điều kiện lao động: Thời gian làm kéo dài, mức lương thấp và công việc tay chân lặp đi lặp lại.

Steve Jobs, một khách hàng chủ lực của Foxconn, đã từng nói những cái chết này rất đáng ngại. Thế nhưng, ông cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tự tử vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình ở Mỹ. Foxconn phản bác rằng các điều kiện đều ổn.

Để ngăn các vụ nhảy lầu, Foxconn cho chăng lưới quanh các khu ký túc - một cảnh tượng rùng rợn làm rung động thế giới. “Công ty chúng tôi lấy việc đảm bảo phúc lợi cho hơn 1 triệu người lao động trên toàn cầu làm mối ưu tiên”, Foxconn phát biểu trong cuộc trao đổi với Time “... sự tiến bộ rõ rệt của chúng tôi được ghi nhận và những cải tiến đáng kể của công ty về điều kiện lao động đã được các tập đoàn kiểm toán nước ngoài xác nhận.”

Để tránh tình trạng công nhân tự tử, Foxconn đã phải lắp đặt hệ thống lưới ở các khu nhà ở (Ảnh: Wired)

Dù sự vận động của người tiêu dùng những năm 1990 và 2000 đã kêu gọi được sự chú ý toàn cầu tới những công xưởng bóc lột ở các nhà máy giày Quảng Đông, nhưng thân phận của những người lao động di cư Trung Quốc đã từ lâu không còn được nhắc tới.

Bên ngoài những chiến dịch vận động, nhiều người chấp nhận quan niệm người lao động trẻ sẵn lòng đánh đổi tuổi trẻ của mình để mưu sinh. Họ hình dung bản thân - cũng như phần còn lại của Trung Quốc - đang khẩn trương bắt kịp chủ nghĩa tư bản tiêu thụ, tiết kiệm đồng lương của mình để mua những chiếc điện thoại sành điệu long lanh.

Tất nhiên đây chỉ là một phần của câu chuyện. Thí nghiệm kinh tế vĩ đại được đạo diễn bởi những người kế thừa chủ nghĩa Mao Trạch Đông đã mở ra con đường tăng trưởng và biến đổi xã hội sâu sắc trong hơn 35 năm trở lại đây.

Sách giáo khoa ghi công những nhân vật chính trị này đã “cứu vớt" hàng trăm triệu người khỏi đói nghèo, nhưng chính những người Trung Quốc bình thường như Từ Lập Chí đã vắt kiệt sức mình để sống theo cách mà cha mẹ anh chưa từng nghĩ tới.

Người thân của các công nhân tự tử tại Foxconn biểu tình đòi công bằng cho con em mình (Ảnh: Getty Images)

Thời kỳ tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 2 chữ số đã chấm dứt, thứ “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Hoa” theo định hướng nhà nước đã sản sinh ra một xã hội phân tầng nhất thế giới. Nhân dân không còn đồng lòng tiến bước - có những người đã tiến vọt lên, và những người khác tụt lại phía sau.

Trong những năm tháng Từ sống ở Thâm Quyến, nhiều người di cư đã tìm đến cái chết. Từ chẳng bao giờ nhảy vọt được tới cuộc sống mà anh từng mơ tưởng - một công việc bàn giấy, dùng trí óc làm rạng danh gia đình. Anh ngừng hy vọng rằng con người sẽ được lắng nghe, rằng mọi việc có thể thay đổi. 30/9/2014, 8 tháng sau ngày mà anh liên tưởng mình gục xuống, Từ Lập Chỉ đã nhảy lầu.

Săn tìm cơ hội

Khi rời quê hương ở ngoại ô thành phố Yết Dương, Từ đã đặt chân lên một con đường mòn. Đã hàng thế kỷ nay người dân phía đông tỉnh Quảng Đông vẫn theo dòng chuyển dịch xuống phía Nam để tìm việc ở các cảng thương mại Đông Nam Á , hoặc men theo các bờ duyên hải để thử vận may ở Hồng Kông. Khu vực này được biết tới với tên Triều Châu, nổi tiếng là nơi sản sinh ra các doanh nhân Trung Quốc.

Năm 2011, Từ Lập Chí rời Yết Dương, mùa xuân năm 2014 anh tới Tô Châu, và tới tháng 9 cùng năm anh trở lại Thâm Quyến và mất tại đó (Ảnh: Time)

Khi Từ được sinh ra, vào tháng 7/1990, người lao động ở Triều Châu thường di chuyển về đồng bằng Châu Giang, nơi tiến hành cuộc thử nghiệm kinh tế vĩ đại. Thâm Quyến vốn là một làng chài cũ, đã vụt chuyển mình thành một trung tâm sản xuất. Đã là trung tâm thì phải sinh lời.

Hầu hết các công việc đều rất cực nhọc và được trả công bèo bọt, nhưng cũng có những người chợt phất lên giàu có. "Ở làng chúng tôi, mọi người thường bỏ học sớm để lên thành phố”, anh cả của Từ Lập Chí - Hồng Chí nói trong bữa ăn tại Yết Dương. “Tất cả những gì người ta có thể nói tới trong buổi hội xuân là xem năm sau ai sẽ phất lên".

Dường như Từ Lập Chí sinh ra để hòa mình vào dòng người di cư tìm cơ hội đổi đời. Anh là con út trong 3 người con trai có cha mẹ trồng lúa, tỏi và khoai trên một khoảnh đất nhỏ. Người anh cả nhớ về em mình với hình ảnh đứa trẻ nhút nhát không hợp với việc đồng áng, một cậu bé ham đọc nhưng lại không có điều kiện tiếp xúc với sách vở. Ở vùng quê này không có thư viện hay nhà sách, và cha mẹ họ cũng không đọc sách.

"Lên cấp 3, khi lẽ ra phải trau dồi thì thằng bé lại say sưa xem những chương trình thi tài trên TV", Từ Hồng Chí nói. Tiết mục yêu thích của Lập Chí là Super Boy, một bài hát khích lệ người bình thường bứt phá khỏi bóng tối và toả sáng.

Các tiền bối trong làng vẫn bảo / Trông tôi giống ông nội hồi trẻ / Tôi đã chẳng nhận ra / Nhưng cứ nghe họ nói đi nói lại / Tôi đã bị thuyết phục / Ông nội và tôi giống nhau / Từ nét biểu cảm gương mặt / Đến tính khí và sở thích / Như thể cùng sinh ra từ một ruột / Nếu ông có biệt danh “cọc tre" / Thì tôi là “mắc áo" / Ông thường nuốt cảm xúc vào trong / Tôi thường là kẻ nhẫn nhục / Ông thích lý giải những bí ẩn / Tôi thích những điềm báo / Mùa thu 1943 lũ quỷ Nhật xâm lược / và chôn sống ông tôi / ở tuổi 23 / Năm nay tôi 23 - Trích thơ Từ Lập Chí (Ảnh: Factual for Asia)

Từ Lập Chí hy vọng mình có thể toả sáng hơn một chút bằng việc đỗ đại học, nhưng điểm số của cậu trong kỳ thi quốc gia không cao. Anh trai và những người bạn của Từ cho rằng thất bại này đã ám ảnh cậu.

Hoàn cảnh gia đình đã hối thúc cậu cất bước ra đi. Ở làng này, việc cưới gả con trai đồng nghĩa với phải sắm thêm một căn nhà - họ sẽ phải dành dụm cho 3 người con. Từ Hồng Chí bảo em trai mình hãy quên chuyện thi trượt và theo bạn bè lên thành phố. “Tôi nói với nó rằng ‘chuyện gì xảy ra thì cũng đã qua rồi, nếu chăm chỉ làm việc em vẫn có thể thay đổi số phận’”.

Đến phút chót, cả gia đình vẫn tin rằng cậu có thể làm được.

Ánh sáng hào nhoáng, Thành phố rộng lớn

Từ Lập Chí một chàng trai trẻ hiếu kỳ, và đối với anh, Thẩm Quyến là một vùng đất hứa. Thành phố 7 triệu dân chuyển động cùng những con người đến từ khắp nơi trên đất nước. Ở đây cũng không thiếu những hiệu sách.

Trong bài thơ “Tôi nói tới máu" làm năm 2013, Từ Lập Chí khắc hoạ nhịp sống phóng khoáng sôi động trong khu nhà anh ở, quan sát từ căn phòng “hộp diêm”, nơi anh thấy sự pha trộn giữa “Những phụ nữ bơ vơ trong hôn nhân xa / Những người Tứ Xuyên bán cháo rong / Những cô gái già từ Hà Nam bên quầy hàng / Và tôi trừng mắt cả đêm viết nên một bài thơ / Sau ngày dài ngược xuôi kiếm sống”.

Kiếm sống gần như là nhiệm vụ chiếm trọn tâm trí, một nếp cam chịu đã ăn vào cơ thể và suy nghĩ của anh. Nhận công việc đầu tiên ở nhà máy Foxconn, Từ làm luân phiên ca ngày và đêm mỗi tháng, phải đứng hàng giờ không nghỉ.

Khuôn mặt mệt mỏi của một công nhân phải làm việc quá sức ở Foxconn (Ảnh: Business Insider)

Tuy nói với bạn rằng mình đã quen với những nhức mỏi, những bài thơ của Từ vẫn hằn lên nỗi đau. “Bên dây chuyền lắp ráp tôi đứng vững như sắt, tay thoăn thoắt như bay,” trong một bài thơ anh viết tháng 8/2011. “Đã bao nhiêu ngày, đã bao nhiêu đêm / Chỉ đứng đó, tôi thiếp ngủ?”

Cuộc sống công xưởng khiến Từ cảm thấy mình như chiếc máy nửa người với “cái dạ dày bằng sắt /chứa đầy axít sunphua và nitơ đặc.” Vẫn cái khuôn rập ấy khiến các công nhân trở nên chai sạn cả về cơ thể lẫn cảm xúc. Anh cảm thấy mình dần dần không còn là con người, bị kìm hãm, như thể công việc đã đoạt mất khả năng ứng biến ngôn ngữ. Những từ còn đọng lại trong tâm trí chỉ là “xưởng, dây chuyền, máy móc, tăng ca, lương…”

Thế giới văn chương là chốn nghỉ ngơi duy nhất của Từ. Bạn bè kể lại trong những ngày phép hiếm hoi, anh thích đi nhà sách và ở lì giữa những gian kệ. Anh cũng thường lui tới thư viện của nhà máy, gặp gỡ những cây viết và biên tập của tờ báo nội bộ và bắt đầu sáng tác thơ và viết bài.

"Lần đầu đọc bài cậu ấy, tôi thấy rất hào hứng”, một biên tập viên thân với Từ từ ngày đầu mới làm cho biết, anh cũng xin được giấu tên để đảm bảo an toàn công việc của mình. “Nhờ chúng, tầm nhìn của tôi được mở rộng rất nhiều”.

Dù là công nhân xí nghiệp nhưng Từ Chí Lập khá tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ (Ảnh: Wired)

Từ Lập Chí bắt đầu đăng các bài thơ lên mạng và gửi bài tới các tạp chí nhỏ. Anh cũng liên hệ với những người bạn cũng là thi sĩ-công nhân ở đồng bằng Châu Giang, cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Một ngày chủ nhật mùa xuân 2012, anh bắt xe bus tới một thành phố lân cận của Quảng Châu để tham gia họp mặt. Một người bạn sáng tác tên Cao đã để mắt tới chàng thanh niên mảnh khảnh ngồi bên lề, vừa lắng nghe vừa chăm chú nhìn điện thoại. Cao mời anh gia nhập nhóm và anh miễn cưỡng đồng ý.

Sau đó Cao tiễn Từ ra bến xe. Trong lúc đứng chờ tuyến xe về Thâm Quyến, họ cùng nhau ăn uống. Cả hai đều là những chàng trai di cư tuổi 20 phải làm công việc mà họ vốn coi thường. Họ đều những người nhạy cảm sống trong thành phố vốn chỉ ưu đãi kẻ mạnh bạo.

Từ nói với Cao rằng mình cảm thấy bế tắc, bất hạnh với công việc của mình, nhưng chẳng có gì đảm bảo anh sẽ tìm được việt khác. "Lập Chí biết rằng mình sử dụng cây bút tốt hơn chứ không phải cây búa", Cao nói. "Nhưng có một khoảng cách giữa hiện thực và những giấc mơ của anh ấy".

Gặm nhấm cay đắng

Vào năm 2013, Từ Lập Chí cảm thấy như thành phố có thể nuốt chửng mình. Anh rời phòng ký túc nhà máy, chuyển tới sống trong một căn phòng trọ nhỏ, nhưng rồi không gian ấy bắt đầu có cảm giác như trong quan tài.

Có những ngày Lập Chí mong mỏi được viết như những vĩ nhân thời nhà Đường, đắm chìm thơ ca trong rượu và cái đẹp, mơ màng về cảnh “trăng trên tuyết". Mất ngủ, ngột ngạt, anh không thể chịu nổi. “Hiện thực này chỉ khiến tôi nghĩ tới máu me", anh viết.

10 mét vuông nhỏ bé / Chật chội và ẩm thấp, không ánh nắng quanh năm / Nơi đây tôi ăn ngủ, đại tiện rồi nghĩ suy / Ho hen, rồi đau đầu; ốm đau mà chẳng chết / Dưới đèn vàng mờ nhạt, tôi thất thần nhìn quanh, bật cười như ngớ ngẩn / Tôi đi đi lại lại, khẽ hát lên ngẩn ngơ, đọc sách và làm thơ / Rồi đi ra mở cửa, cửa sổ hay cửa nứa / Tôi, dường như người chết / Khẽ mở nắp quan tài - Trích thơ Từ Chí Lập (Ảnh: Daily Mail)

Lập Chí được chuyển vị trí từ công nhân lắp ráp sang bộ phận logistic. Anh kể với bạn bè rằng công việc mới này đỡ nhàm chán hơn một chút và đôi lúc có thời gian để giải trí trên điện thoại.

Nhưng công việc mới không làm nguôi đi mấy sự lo lắng của anh, và cái chết bắt đầu ám ảnh lên những vần thơ. Trong “Như một lời tiên tri", Từ so sánh mình với ông, người đàn ông gày gò luôn “nuốt cảm xúc vào trong” và mất khi còn trẻ. "Mùa thu 1943, những con quỷ Nhật xâm lược / và chôn sống ông tôi / ở tuổi 23 / Năm nay tôi tròn 23".

Từ không hề kể lại với gia đình về những cơ cực của mình, chỉ chia sẻ một chút với bạn bè. Người anh cả Từ Hồng Chí kể rằng khi gọi điện về nhà, Lập Chí chỉ kể những tin vui.

Gia đình anh không biết anh sáng tác thơ và viết văn. Lập Chí nói với một ký giả Trung Quốc rằng anh tin chắc họ sẽ không hiểu được. “Một mặt họ không rành về thơ ca”, anh nói. “Mặt khác nhiều khi tôi nhắc tới những chuyện buồn, và tôi không muốn gia đình lo lắng”.

Những người xung quanh Từ cho rằng một chút đau khổ là bình thường, thậm chí cần thiết. Hãy hỏi một cựu công nhân Thẩm Quyến về những năm tuổi trẻ của mình, thật kỳ lạ, họ sẽ kể một cách tự hào về cái gọi là “nằm gai nếm mật", một thành ngữ Trung Quốc ám chỉ khả năng nhẫn nhục.

Công nhân Foxconn biểu tình chống lại chính sách khắc nghiệt của hãng (Ảnh: Getty Images)

Sinh ra trong một thế hệ từng trải qua nạn đói, lớp người di cư trước đã chuyển từ cái nghèo cùng cực nơi đồng áng sang những công xưởng bóc lột đến chết nơi thành thị. Những người sống sót có xu hướng đánh giá những người mới tới là thiếu ý chí: Cái nhìn kiểu “lũ-trẻ-bây-giờ".

Cả Từ Hồng Chí và người biên tập giấu tên, cũng như hàng triệu người trước đó, đều di cư lên thành phố từ thời niên thiếu, lao động vất vả trong điều kiện khắc nghiệt và trở nên mạnh mẽ hơn.

Họ đã cho rằng Từ Lập Chí cũng sẽ như vậy nếu cậu nhẫn nại và tích cực lao động. Khi nhìn vào Lập Chí, người biên tập chỉ nhìn thấy tài năng chứ không thấy sự tuyệt vọng. “Mọi thứ bây giờ còn tốt hơn xưa nhiều”, ông nói. "Nhưng tôi đoán những thế hệ ngày nay có những nhu cầu và hy vọng khác nhau".

Từ liên tục dao động giữa hy vọng và tuyệt vọng. Anh đã dám hy vọng được nghỉ ngơi, thoát khỏi sự đơn điệu và có cơ hội vận dùng tài năng. Và đã hai lần anh dám lấy can đảm để xin việc văn phòng dù thất bại - đó là vị trí thủ thư cho nhà máy và cho hiệu sách Youyi mà anh yêu thích.

Nhưng khi một nhà báo địa phương hỏi anh về tương lai của mình, anh nói mình không dám kỳ vọng nhiều: “Chúng ta ai cũng mơ ước cuộc đời tốt đẹp hơn và hơn nữa, nhưng phần đông chúng ta không thể kiểm soát số phận”.

Vĩ thanh

Anh trai Từ Lập Chí cho biết, khi Lễ hội mùa Xuân 2014 tới gần, cậu em trai đã bỏ việc ở Foxconn mà không báo cho gia đình. Lập Chí nói với bạn bè rằng anh tới thành phố Tô Châu gần Thượng Hải để gặp một cô gái và làm lại cuộc đời. Không rõ anh đã ở đâu trong suốt mùa xuân và hè; anh không liên lạc với bạn bè, nhưng vẫn trả tiền trọ ở Thâm Quyến, anh trai Từ cho biết.

Bi kịch của các công nhân Foxconn như Từ Lập Chí được tái dựng trong phim "Thiên chú định" (Ảnh: indieWIRE)

Cuối tháng 9 anh xuất hiện trở lại ở Thâm Quyến và  ký hợp đồng mới với Foxconn. Hai ngày sau, vào đêm trước lễ Quốc khánh Trung Quốc 1/10, Từ Lập Chí 24 tuổi đi lên toà nhà đối diện hiệu sách yêu thích của mình bắt thang máy lên tầng 17 rồi nhảy xuống kết liễu đời mình.

Trước khi tin tức về vụ tự tử loan ra, bạn bè của anh tìm thấy những bài thơ cuối cùng và một bài đã lên lịch đăng trên mạng vào ngày 1/10 có tên “Một ngày mới".

Sôi sục trước cái chết của Từ, các nhóm lao động đã dịch các sáng tác của anh sang tiếng Anh. Việc này dẫn tới sự chú ý của các tờ báo Bloomberg News và Washington Post. Nhà thơ Trung Quốc Tần Tiểu Hữu đã làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời và các tác phẩm của Từ. Ông cũng cho xuất bản một tập sách mỏng những bài thơ của anh. Hãng Foxconn viện dẫn chính sách doanh nghiệp để từ chối trả lời các câu hỏi về Từ Lập Chí.

Từ Hồng Chí bắt chuyến xe liên tỉnh từ Yết Dương tới Thâm Quyến thoả thuận hướng giải quyết với công ty. Không thể mang em trai trở về làng, Hồng Chí đưa tro cốt của em mình ra bờ biển và rải xuống nước.

Châu Khởi Tảo, một người bạn cũng là công nhân-làm thơ, đã viết những dòng tưởng nhớ ngạo nghễ: “Lại một chiếc ốc vít bật rơi / Lại một người anh em nhảy xuống / Anh chết thay cho tôi / Tôi vẫn viết thay cho anh.”

Theo Hoàng Ánh (Depplus.vn/MASK Online)