Thế giới

Bị các máy bay chiến đấu của Nga 'trêu ngươi', F-22 của Mỹ chỉ bất lực đứng nhìn?

Tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Không quân Mỹ thiếu các công nghệ tiên tiến để có thể theo dõi và phân biệt rõ mục tiêu ở không gian tác chiến hẹp.

Bị các máy bay chiến đấu của Nga 'trêu ngươi', F-22 của Mỹ chỉ bất lực đứng nhìn?
Chiến đấu cơ đa nhiệm Su-35 của Nga. Ảnh: Sputnik

Chia sẻ với The Aviationist, Trung tá "Ox", phi công lái máy bay F-22 Raptor của Không quân Mỹ kiêm chỉ huy Phi đội tiêm kích viễn chinh số 95 thực thi nhiệm vụ tại Căn cứ Không quân Al Dhafra (UAE) cho biết, các phi công của anh ta đã phải chứng kiến ngày càng nhiều những cú "lượn lờ" không mong đợi từ các máy bay chiến đấu của Nga trên bầu trời Iraq và Syria.

Theo viên trung tá này, tuy các máy bay Nga, chủ yếu là Sukhoi Su-30, Su-35, Su-27 và Su-17 không thể hiện động thái tấn công nhưng chúng thường xuyên xuất hiện trong phạm vi hỏa lực của các lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu từ 20 – 30 phút mỗi lần.

Đặc biệt, khi các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) phải co cụm lại những khu vực ngày càng nhỏ hẹp hơn thì những vụ đụng độ "không mấy dễ chịu" này lại diễn ra thường xuyên hơn.

"Chúng tôi buộc phải suy luận và phán đoán. Liệu có phải ai đó đang tiếp cận để tấn công binh lính của mình? Không rõ họ hành động như vậy để thử thách, xem chúng tôi phải ứng thế nào hay đó hoàn toàn chỉ là vô tình. Đó là điều chúng tôi phải tính toán hàng ngày".

Bị các máy bay chiến đấu của Nga 'trêu ngươi', F-22 của Mỹ chỉ bất lực đứng nhìn? - 1
F-22 Raptor của Không quân Mỹ. Ảnh: The Aviationist

Các máy bay Nga thường tiếp cận ở phạm vi đủ gần, có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường nhưng không gian chật hẹp khiến việc xác định đúng chủng loại là một thách thức với F-22 Raptor.

Điều này đặc biệt khó khăn vào ban đêm do F-22 không có các cảm biến hồng ngoại, quang điện tử như tích hợp cho F-35 hay các chiến đấu cơ thế hệ 4.

Một khi Raptor đã xác định được các máy bay đó không phải của đồng minh thì phi công điều khiển vẫn cần phải chuyển những gì họ quan sát thấy về trung tâm kiểm soát, chẳng hạn như các máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không E-3 Sentry hay Trung tâm điều khiển chiến dịch không quân hỗn hợp đặt trên mặt đất.

Trong vai trò trấn áp không quân (DCA), ưu điểm chính của Raptor là bộ cảm biến tiên tiến và khả năng phối hợp.

Nhưng trong khi các máy bay F-15 Strike Eagles thực hiện DCA trong khu vực có thể gửi và nhận các thông tin chiến trường cần kíp qua Link 16 (mạng lưới trao đổi dữ liệu quân sự) được hầu hết các máy bay của Không quân Mỹ sử dụng thì F-22 lại không có khả năng kết nối dữ liệu theo chuẩn Link 16 đầy đủ.

Điều này có nghĩa là, Raptor có thể nhận dữ liệu và hình ảnh từ các máy bay khác trên không gian tác chiến qua Link 16 nhưng không thể gửi đi các hình do các máy bay thế hệ 5 chụp được cho các lực lượng còn lại. Thay vào đó, các phi công F-22 phải dựa vào giao tiếp thoại truyền thống để mô tả những gì họ nhìn thấy.

Một yếu tố khác giới hạn khả năng của Raptor trong việc theo dõi hiệu quả các máy bay Nga là thiếu hệ thống điều khiển gắn trên mũ, thiết bị vẫn dùng cho rất nhiều máy bay khác như F-35.

Khả năng này khiến các chiến dịch DCA hiệu quả hơn, đặc biệt ở những không gian chật hẹp. Tuy nhiên, trong các chiến dịch hiện tại, các phi công Raptor phải mất rất nhiều thời gian quan sát qua lại giữa không gian thực và thông tin hiển thị trên màn hình.

Theo Anh Tú (Soha/Trí Thức Trẻ)