Thế giới

Bên trong những phiên tòa xét xử các tay súng IS ở Iraq

Sau khi tuyên bố giành chiến thắng cuối cùng trước IS, chính phủ Iraq bắt đầu đưa các tay súng phiến quân ra xét xử.

Bên trong những phiên tòa xét xử các tay súng IS ở Iraq
Binh sĩ Iraq bắt giữ một đối tượng tình nghi là thành viên IS ở Tây Mosul hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Nhà chức trách Iraq đã bắt giữ hàng trăm người bị nghi là chiến binh cầm súng chiến đấu cho phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có cả các tay súng từ nước ngoài như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức, Pháp hay Mỹ. Những người này được chuyển đến Baghdad vì lý do an ninh, nhưng một số bị cáo người Iraq vẫn bị xét xử tại các phiên tòa bên ngoài Mosul, theo Yahoo News.

Phòng xử án là một căn phòng nhỏ với hàng ghế dài ở trên cao là nơi ba thẩm phán ngồi. Phía sau họ treo hai lá cờ Iraq. Ngồi chính giữa là chủ tọa, thẩm phán Jamal. Bên cạnh hàng ghế dài là một nữ công tố viên. Phía dưới, các thư ký ngồi chăm chú ghi biên bản phiên tòa.

Những phiên xử 20 phút

Hamza Ali Salim, 20 tuổi, bị cáo buộc liên hệ trái phép với IS, tuyên truyền gian dối về IS tại một nhà thờ Hồi giáo và xúi giục người dân chống lại quân đội Iraq.

Khi được đưa vào phòng xử án, Salim mặc một một bộ quần áo thể thao cáu bẩn, rách nát. Anh ta đứng đối diện các thẩm phán, phía sau là một luật sư được chỉ định để bào chữa cho y.

Thẩm phán Jamal hỏi Salim: "Bị cáo có mối quan hệ như thế nào với IS".

"Không có mối quan hệ nào. Tôi chỉ đến nhà thờ để học. Kinh Koran không bị cấm", Salim đáp.

Thẩm phán nhắc Salim việc y đã thừa nhận từng phục vụ tại các căn cứ quân sự của IS trong lời thú tội. Salim phủ nhận cáo buộc và nói rằng mình bị tra tấn, ép cung.

Luật sư biện hộ tranh luận rằng Salim phải chịu áp lực hợp tác với IS khi phiến quân chiếm đóng Mosul. Bởi lời Salim khai tại tòa mâu thuẫn với bản cung khai của y, luật sự biện hộ cho rằng các thẩm phán không nên chia tách chúng. Họ phải chấp nhận hoặc bác bỏ lời khai đó như một tổng thể.

Thẩm phán Salem Mohammed ở Mosul cho biết khi một nghi phạm bị bắt và "có đủ bằng chứng, người đó sẽ phải ra tòa". Bằng chứng có thể là lời thú tội, lời khai từ các nhân chứng hay việc đối tượng mang theo súng lúc bị bắt.

Theo ông Mohammed, khi một nghi phạm đã bị đưa ra tòa, y thường được coi là có tội. Mỗi phiên tòa thường chỉ kéo dài khoảng 20 phút.

Trở lại phiên tòa tại Mosul, không có bất kỳ người dân nào tham dự buổi xét xử. Salim cuối cùng bị kết án 15 năm tù. 

Bị cáo thứ hai, Mohanad Moshin, 29 tuổi, được đưa vào phòng xét xử. Y có dáng người thấp, mặc áo khoác thể thao bám bụi và đi dép xăng đan. Moshin trông đầy lo lắng.

Thẩm phán Jamal gọi Moshin bằng một mật danh, dường như là một câu hỏi bẫy bởi IS thường trao cho các thành viên danh tính mới. Nhưng thay vào đó, Moshin trả lời bằng tên thật của y. Moshin sau đó được dẫn khỏi phòng trong lúc tìm kiếm luật sư biện hộ.

Số lượng luật sư biện hộ cho các nghi phạm IS thường rất ít ỏi bởi không ai muốn bị coi là cùng một phe với phiến quân. Hồi tháng 8, chính quyền Iraq đã bắt giữ một số luật sư ở Mosul với cáo buộc họ là thành viên IS. Bào chữa cho thành viên IS có thể khiến một luật sư gặp nguy hiểm tới tính mạng và đe dọa gia đình họ. Nhưng theo luật Iraq, vẫn phải có ai đó đại diện cho nghi phạm trong các phiên xét xử. Điều này dường như chỉ mang tính thủ tục.

Phiên xét xử Moshin bắt đầu, luật sư hỏi y về mối liên quan với IS. Moshin đã tự nộp mình cho chính quyền Iraq và thú tội: "Tôi làm lính canh cho IS và đi tuần xung quanh. Tôi cũng chuẩn bị thức ăn cho các phiến quân".

Khi thẩm phán Jamal đọc cáo trạng và lời buộc tội, ông hỏi Moshin "có muốn nói điều gì không?".

"Phán xét chính xác", Moshin đáp. Y bị kết án 15 năm tù vì trung thực. Moshin mỉm cười bước ra khỏi phòng xử án. Y đã sống.

Bên trong những phiên tòa xét xử các tay súng IS ở Iraq - 1
Một thành viên IS bị bắt giữ ở Sulaimaniya, Iraq, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Sau Moshin, nghi phạm thứ ba bước vào phòng xử: Ibrahim Najm, 24 tuổi. Najm không thể tự đi. Theo lời đồn, y bị thương trong lúc chiến đấu chống lại quân đội Iraq. Najm khai y bị bắt khi đang cùng vợ chạy trốn.

Người Najm run lên bần bật vì sợ hãi trong phòng xử. Chiếc áo phông y mặc rách nát. Khác với hai người trước, Najm đi chân đất. Trông y có vẻ gầy gò, ốm yếu dưới bộ quần áo rộng thùng thình.

Thẩm phán Jamal nhìn Najm và gọi người đại diện nhà tù vào phòng xử. Ông khiển trách anh ta vì tình trạng tồi tệ của Najm, đồng thời yêu cầu nhà tù phải "đối xử với các nghi phạm tốt hơn" và việc đưa Najm tới tòa trong tình trạng này là "thiếu tôn trọng".

Khi đại diện nhà tù rời đi, thẩm phán bắt đầu xem xét các cáo buộc đối với Najm. Y bị buộc tội chiến đấu cho IS và tàng trữ vũ khí. Najm phủ nhận việc y tập luyện hay chiến đấu cho IS.

"Vì sao bị cáo ủng hộ chúng", thẩm phán hỏi.

Najm khịt mũi rồi trả lời. "Cha tôi là một phiến quân, ông ấy bảo tôi gia nhập Daesh", y nói, sử dụng tên viết tắt bằng tiếng Arab của IS. Najm cho hay cha và một số người anh em của y là chiến binh IS và đã chết trong cuộc chiến ở Mosul.

Thẩm phán hỏi: "IS đưa cho anh một khẩu AK-47 hay súng lục?".

"Một khẩu AK-47 và ba băng đạn", Najm đáp và thêm rằng y cần tiền lương để sống. IS cho Najm 150 USD mỗi tháng.

Dù Najm phải đối diện với những cáo buộc nặng nề, thẩm phán vẫn tỏ ra thương cảm và chỉ tuyên án 15 năm tù.

Không ai lĩnh án tử hình trong vòng xét xử này song thẩm phán vẫn nhắc nhở các bị cáo rằng dựa trên tính chất nghiêm trọng của tội ác và theo luật Iraq, họ xứng đáng chịu tội chết nhưng vì hoàn cảnh mỗi người, ông đã khoan dung.

Tuy nhiên, số phận các tay súng nước ngoài sẽ rất khác. Theo đại diện tổ chức Giám sát Nhân quyền Belkis Wille, Iraq coi các tay súng nước ngoài là những người "đến đất nước họ để gây hại vì thế hầu như tất cả đều đáng phải nhận án tử hình".

Thẩm phán Salem Mohammed có chung quan điểm. "Họ đến và giết hại người dân đất nước chúng tôi thì phải bị xử theo luật lệ của đất nước chúng tôi", ông nhấn mạnh.

Trên đường phố Mosul, người dân cũng đồng tình. "Chúng phải bị xử tử. Chúng đã phá hoại đất nước này. Tại sao lại không xử chúng như thế?", ông Rafed, 47 tuổi, chủ một cửa hàng bán chăn, quả quyết.

Hai người đàn ông tại một cửa hàng nội thất thì cho rằng bất cứ kẻ nào có liên hệ với IS đều đáng bị xử tử, cùng với cả gia đình họ.

"Nếu bạn reo giắc chất độc, thứ bạn nhận về sẽ là gì? Chất độc!", Ahmed, 28 tuổi, nhấn mạnh. "Trong quãng thời gian IS chiếm đóng, tôi đã ngừng tới nhà thờ để cầu nguyện bởi chúng dụ dỗ tôi gia nhập quá nhiều. Phiến quân nước ngoài hay Iraq, bất kể chúng đến từ đâu, đều đáng bị xử tử".

Bạn của Ahmed lại phân biệt rõ ràng giữa các tay súng IS là người Iraq và tay súng nước ngoài. "Không được tha thứ các tay súng nước ngoài. Đôi khi, các tay súng Iraq có thể tha cho bạn, để bạn đi nhưng các tay súng nước ngoài, họ làm bất cứ thứ gì họ muốn".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)