Thế giới

Bầu không khí khác lạ tại Khu Phi quân sự liên Triều

Khu Phi quân sự liên Triều những ngày gần đây trở nên yên bình hơn với bầu không khí tĩnh lặng hiếm thấy.

Bầu không khí khác lạ tại Khu Phi quân sự liên Triều
Trung tá Hwang Myong Jin tại bảo tàng bên trong Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ). Ảnh: AP.

Trung tá Hwang Myong Jin đã làm công việc hướng dẫn viên bên bờ phía bắc Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ) được 5 năm. Anh cho biết nơi này đã trở nên yên tĩnh hơn hẳn kể từ sau các cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Nhiều thứ đã thay đổi. Hãy lắng nghe để cảm nhận sự yên tĩnh", AP dẫn lời Hwang nói trong lúc đứng trên ban công một tòa nhà lớn nhìn ra dãy doanh trại màu xanh và trắng cùng đường bê tông phân định ranh giới hai miền Nam - Bắc bên trong DMZ.

"Hàn Quốc trước đây liên tục thực hiện các chiến dịch tuyên truyền gây chiến tranh tâm lý đối với chúng tôi. Nhưng kể từ sau các hội nghị thượng đỉnh, họ đã ngừng lại. Giờ chỉ còn bầu không khí yên bình hiện hữu", Hwang nói.

Hôm 20/6, khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Bắc Kinh hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ ba trong năm nay, các chuyến xe du lịch Trung Quốc nườm nượp ghé qua khu vực phía bắc DMZ. Các du khách chụp ảnh và ăn kem ốc quế bên ngoài một cửa hàng đồ lưu niệm ở lối vào.

Bên trong cửa hàng lưu niệm, những du khách châu Âu tập trung khá đông và đang chăm chú ngắm nhìn các tấm băng rôn cổ động vẽ tay. Khách du lịch Mỹ vẫn bị cấm tới Triều Tiên theo lệnh do Tổng thống Trump ban hành hồi năm ngoái.

Dù DMZ ở phía bắc tràn ngập khách du lịch và trông không khác gì một địa điểm tham quan, trung tá Hwang nhấn mạnh rằng trên tất cả, nó vẫn là khu vực quân sự. "Du khách kéo tới không phải điều chúng tôi muốn nhưng người ta cứ muốn đến để tham quan", Hwang cho hay. "Vẫn có những mối nguy hiểm nhất định".

Bầu không khí khác lạ tại Khu Phi quân sự liên Triều - 1
Những du khách đứng bên phía Hàn Quốc nhìn sang phía Triều Tiên qua hàng rào dây thép gai phân chia hai miền. Ảnh: Reuters.

Thực tế, nguy hiểm nằm ở xung quanh DMZ. Trong khi thế giới có xu hướng tập trung chú ý vào năng lực phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, Triều Tiên suốt hàng thập kỷ qua đã bố trí gần như toàn bộ hỏa lực truyền thống gần đường biên giới với Triều Tiên.

Seoul, thủ đô Hàn Quốc, chỉ cách DMZ khoảng 80 km và dễ bị tổn thương trước các cuộc pháo kích, thậm chí cả tấn công hóa học. Một cuộc tấn công như vậy có khả năng gây thương vong cho hàng trăm nghìn người.

Thuyết phục Triều Tiên di chuyển các khẩu đại pháo khỏi biên giới dường như sẽ là một trong những chủ đề đàm phán chính giữa Seoul và Bình Nhưỡng trong những tháng sắp tới, đặc biệt khi mà Mỹ và Hàn Quốc đã thống nhất dừng các cuộc tập trận lớn nhằm duy trì bầu không khí hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Hwang nhìn chung giữ một giọng điệu hùng hồn khi dẫn khách du lịch đi qua những địa điểm tham quan nổi bật trong DMZ, chẳng hạn như tòa nhà nơi thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 được ký kết hay một cánh cổng bằng đá lớn khắc những lời cuối của cố chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành. Hwang vẫn kiên định với nhiệm vụ giảng giải vị thế cũng như quan điểm của Triều Tiên trước khách du lịch dù nhiều người không thực sự hứng thú lắng nghe.

Tuy nhiên, khác trước, lần này, Hwang còn giới thiệu thêm cho khách tham quan một cây mới do lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trồng trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 4 và tòa nhà nơi ông Kim đón tiếp ông Moon khi đặt chân sang Triều Tiên gặp mặt lần hai hồi tháng trước.

Nói chuyện với một phóng viên Mỹ, Hwang đã tỏ ra thoải mái hơn. "Chiến tranh chỉ mang đến tai họa cho người dân của chúng tôi. Không ai muốn chiến tranh cả", anh nói. "Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc thảo luận quân sự với Hàn Quốc ở đây. Chúng đều xoay quanh việc loài người muốn gì. Đó là hòa bình. Đó là điều tích cực".

Bầu không khí khác lạ tại Khu Phi quân sự liên Triều - 2
Vị trí DMZ. Ảnh: Reuters.

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)