Thế giới

"Bảng xếp hạng" vũ khí Nga sau thử lửa tại Syria

Sau thời gian thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Syria, có thể liệt kê danh sách vũ khí tối tân Nga tham chiến.

Sau thời gian thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Syria, có thể liệt kê danh sách vũ khí tối tân Nga tham chiến.

Có thể không sợ quá khi nói rằng một trong số các lý do để Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria (ngoài các lý do địa- chính trị, quân sự), đó là tạo cơ hội để các tổ hợp công nhiệp quốc phòng Nga thử nghiệm, hoàn thiện và quảng bá “sản phẩm của mình”.

Có thấy rõ điều này qua một thực tế là ngay khi chiến dịch được khởi động thi các chuyên gia, kỹ sư từ các công ty – nhà thiết kế vũ khí Nga đã có mặt tại căn cứ không quân Khmeimim trên lãnh thổ Syria với nhiệm vụ ghi nhận các nhận xét về phương tiện kỹ thuật và nếu có thể, khắc phục ngay những nhược điểm ngay trong điều kiện dã chiến.

Trong tuần qua (từ 21đến 27/8), hai quan chức quân sự cao cấp hàng đầu của Nga là Đại tướng S. Shoigu, Bộ trưởng quốc phòng và Tướng Iuri Borisov, Thứ trưởng quốc phòng đã có những tuyên bố đáng chú ý liên quan đến các mẫu vũ khí Nga đã được “sát hạch” trên chiến trường Syria. Xin được trích dẫn một số ý trong các phát biểu đó:

Tại diễn đàn “Army-2017”, Thứ trưởng quốc phòng Iuri Borisov cho biết là đã có tới hơn 600 mẫu vũ khí và trang bị kỹ thuật quân sự (khí tài) Nga được kiểm tra trong điều kiện tác chiến thực tế tại Syria. Các mẫu trên đã được “thử thách” để xác định các tính năng của chúng có đúng với những tham số đã được ghi trong lý lịch và trong bản mô tả kỹ thuật của loại vũ khí đó hay không.

Theo nhận xét của Thứ trưởng Iuri Borisov thì tuyệt đại đa số các mẫu vũ khí-khi tài qua thử nghiệm đều có chất lượng tốt. Bộ Quốc phòng Nga hoặc đã chuẩn bị hợp đồng hoặc đã ký hợp đồng mua những mẫu nói trên. Tuy nhiên, ông Borisov cũng nhấn mạnh: “chúng tôi cũng buộc phải từ chối một loạt mẫu, bởi vì thực tế tác chiến cho thấy chúng không đáp ứng được những yêu cầu chúng tôi đặt ra”.

Còn Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu thì chi tiết hơn và ông cho biết các con số cụ thể sau:

Đã có 162 mẫu vũ khí-khí tài mới hoặc đã được hiện đại hóa được thử nghiệm tại Syria. 10 trong số đó bị đánh giá là chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, S.Shoigu cũng để ngỏ khả năng nói “chưa đạt yêu cầu” có nghĩa là các nhà thiết kế vẫn có cơ hội hoàn chỉnh các mẫu của mình và nếu như đáp ứng đủ các điều kiện, vẫn có thể nhận giấy phép sản xuất hàng loạt”.

Những mẫu vũ khí nào được giới quân sự chấp nhận và bật đèn xanh để sản xuất hàng loạt? Loại vũ khí – khí tài nào còn cần phải hoàn thiện ?

II. Những mẫu vũ khí được đánh giá cao:

(Chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bảng “Nhận xét” của V.Tuchkov, chuyên gia bình luận quân sự đăng trên “Svobodnaia Presa.ru”(Nga) ngày 27/8/2017.

1. Máy bay tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35S là một trong những mẫu hàng đầu không thể tranh cãi trong “cuộc chạy đua vũ khí Syria”.

 Từ giờ cho đến khi Su-57 được đưa vào trang bị, Su-35S vẫn là loại máy bay cơ động nhất trên thế giới. Về khả năng giành chiến thắng trong các trận không chiến, Su-35S được xếp ngang hàng với máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-22 “Raptor” của Mỹ, nhưng hơn “Raptor” khi tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Một phẩm chất đáng gờm nữa của Su-35S là nó mang nhiều tên lửa “không đối không”, Su-35S có thể phóng các tên lửa này ở bất cứ cự ly nào trong các trận không chiến. Chưa hết, Su-35S còn có thiết bị tác chiến điện tử mạnh.

2. Máy bay lên thẳng tấn công Mi-28N “Thợ săn đêm” và Ka-52 “Cá Sấu”

Mặc dù có sơ đồ bố trí cánh quạt khác nhau, cả hai kiểu máy bay lên thẳng này đều chứng minh được khả năng cơ động siêu việt của mình (tại Syria). Tất nhiên, “Cá Sấu” có khả năng cơ động tốt hơn “Thợ săn đêm”.

Do có trang thiết bị điện tử mạnh, hai kiểu máy bay lên thẳng nàỳ có thể thực hiện các nhiệm vụ tác chiến như yểm trợ trực tiếp các chiến dịch trên mặt đất trong bất kỳ thời gian nào trong ngày đêm và trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Tên lửa chống tăng của chúng có khả năng xuyên thép mạnh khó tin – 900mm đối xe tăng có hệ thống bảo vệ (giáp bảo vệ) động.

Cả hai kiểu máy bay lên thẳng tấn công này đều có hệ thống vỏ thép bảo vệ và các hệ thống làm tăng khả năng sống sót của cánh quạt. Diện tích phản xạ hiệu dụng thấp ở dải tần hồng ngoại tăng khả năng “tàng hình”. Ngoài khả năng tấn công vào các mục tiêu trên mặt đất, chúng còn có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không bằng các tên lửa “không đối không”.

'Bang xep hang' vu khi Nga sau thu lua tai Syria

Máy bay lên thẳng tấn công t Ka-52 (gần) và Mi-28N

3.     Tên lửa có cánh “Calibr”

“Calibr” thực sự đã tạo nên một cơn bão thông tin khi được phóng từ các tàu tên lửa cỡ nhỏ vào các trận địa của các chiến binh tại Syria. “Calibr” có các phiên bản phóng từ biển (từ các tàu nổi và tàu ngầm), phóng từ bờ biển và từ trên không (máy bay).

Dòng tên lửa này có nhiều phương pháp dẫn đến mục tiêu khác nhau và chúng có thể tiêu diệt nhiều kiểu mục tiêu cả trên biển lẫn trên mặt đất. Các phiên bản “Calibr” mang các đầu tác chiến khác nhau. Có cả kiểu “Calibr” mang ngư lôi tự tách để tấn công các tàu ngầm của đối phương. “Calibr” có thể bay ở độ cao thấp với tốc độ siêu âm (đến 2,9M), nhưng cũng có những biến thể “ Calibr” bay với tốc độ dưới âm, và chúng có cự ly bắn đến 2.600km.

4.     Tổ hợp tên lửa chống tăng “Kornet”

“Kornet” có khả năng xuyên thủng vỏ thép với độ dày mà cho đến nay các kỹ sư thiết kế tăng vẫn chưa nghĩ đến (hoặc đã nghĩ đến nhưng chưa ứng dụng trong thực tế)–đến 1.400mm.

Tên lửa ”Kornet” có thiết bị lazer dẫn đến mục tiêu. Cự ly phóng đến 10km, tức gấp 2 lần so với tên lửa chống tăng “Javelin” của Mỹ.

Các nhà thiết kế Mỹ chấp nhận giảm cự ly bắn để lắp đầu tự dẫn hồng ngoại cho tên lửa. Và bằng cách đó để ứng dụng nguyên tắc “ bắn và quên”.

“Kornet” cũng có khả năng vô hiệu hóa hệ thống bảo vệ chủ động của tăng. Hai tên lửa “ Korrnet” được bắn liên tiếp với giãn cách thời gian cực ngắn. Quả thứ nhất - “ tên lửa cảm tử”, nó sẽ bị lựu đạn của hệ thống bảo vệ chủ động trên xe tăng phá hủy . Nhưng quả tên lửa thứ hai lao đúng đến vỏ thép xe tăng theo “hành lang” do tên lửa thứ nhất đã “ mở sẵn”.

5.     Hệ thống phản lực phóng dàn “Solntsepek”

Hệ thống này đã xuất hiện trong thập kỷ trước, tuy nhiên, chỉ đến chiến dịch quân sự tại Syria nó mới được thử thách trong điều kiện tác chiến thực sự. Mỗi dàn có 24 quả đạn, cự ly “ bay” của các quả đạn này là 6.700m , một dàn phóng phủ một diện tích 40.000m2. “Solntsepek” – đấy là hệ thống phun lửa hạng nặng lắp trên xe bánh xích địa hình.

Hệ thống hỏa lực phóng dàn này đã gây “ấn tượng” mạnh không chỉ cho đối phương , mà còn cả cho những người quan sát. Để dẫn chứng, xin dẫn lời Tạp chí Mỹ “Popular Mechanics” viết về “ Solntsepek” như sau: “Một dàn phóng của hệ thống súng phun lửa này có thể biến thành tro 8 khu phố, tạo ra một địa ngục đối với tất cả những ai có mặt tại khu vực bị tấn công . Rất khó để tìm thấy hệ thống vũ khí nào có sức mạnh đe dọa khủng khiếp hơn loại vũ khí này”.

6.     Tăng chiến đấu chủ lực T-90AM

Đấy là biến thể mới nhất của T-90A. Là xe tăng “giai đoạn quá độ” từ T-90A sang T-14 “Armata” vì được ứng dụng hàng loạt ý tưởng thiết kế khi chế tạo T-14 - sản phẩm của Uralvagonzavod . T-90AM cũng được trang bị một phần các thành phần bảo vệ chủ động “Afganit” (T-14 được trang bị đầy đủ) .

T-90AM có radar cực mạnh tăng khả năng phòng thủ cũng như sức mạnh tấn công . Lớp bảo vệ (các module giáp phản ứng nổ ) “Relikt” – tức lớp giáp động học tương đương với lớp thép có độ dày 30cm. Vỏ bảo vệ tương tự của xe tăng nước ngoài tốt nhất cũng chỉ đạt 15cm. Pháo nòng trơn cho phép không chỉ bắn các xe tăng của đối phương bằng đạn cỡ trung mà còn có thể phóng tên lửa chống tăng “ Reflekt-M” có độ xuyên thép và cự ly bắn lớn hơn.

7.     Tên lửa có cánh chính xác cao siêu xa Kh-101

Được lắp trên các máy bay mang tên lửa Không quân tầm xa Nga Tu-95MS, Tu-160 và Tu-22M3. Cũng tạp chí “Popular Mechanics” của Mỹ đã viết về kiểu tên lửa này như sau: “Nếu như phóng nó ( Kh-101) từ Matxcova, nó có thể tấn công trên thực tế bất kỳ điểm nào trên lãnh thổ Mỹ.

Đây là mối quan ngại thực sự đối với Lầu Năm Góc!”. Tất nhiên, cự ly bắn của Kh-101 nhỏ hơn nhiều ( so với khoảng cách từ Matxcova đến lãnh thổ Mỹ) – chỉ 5.500km. Nhưng xa hơn rất nhiều so với tên lửa lớp “ không đối đất” có tầm bắn lớn nhất của Mỹ là AGM-86D-1200 km.

Thêm nữa, phải cộng thêm một số tính năng sau của Kh-1010: sai số xác xuất vòng tròn (sai số đến mục tiêu) không vượt quá 5m, đầu tác chiến 400kg, bay ở độ cao 30m, và khả năng tàng hình – diện tích phản xạ hiệu dụng là 0,01m2. Và còn biến thể Kh-102 được trang bị đầu tác chiến hạt nhân công suất 250Kt.

III. Những mẫu vũ khí cần phải “tiếp tục hoàn thiện”

Thông tin về những loại vũ khí đã không (chưa) chứng minh được tính năng như đã công bố tại Syria rất ít và cũng rất mù mờ và đó cũng là điều dễ hiểu. Các quan chức quân sự không gọi tên mẫu vũ khí cụ thể nào, mà chỉ nói chung chung. Cho nên, “bảng đánh giá” sau chỉ mang tính chất phỏng đoán dựa vào những thông tin thư thập được từ một số nguồn khác nhau.

Theo nguồn từ báo “Vedomost” có quan hệ gần gũi với Bộ Quốc phòng Nga thì ý kiến chỉ trich nhiều hơn cả của các tướng lĩnh Nga chủ yếu đối với: đảm bảo lập trình cho Su-34 và Su-35; tên lửa có cánh phóng từ trên không; phương tiện liên lạc; trinh sát vô tuyến kỹ thuật; các tổ hợp phòng thủ trên máy bay chống lại tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.

1. Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí “cần phải tiếp tục hoàn thiện” – tổ hợp phòng thủ “Vitebsk” lắp trên máy bay và máy bay lên thẳng. Thứ trưởng quốc phòng Iuri Borisov là người đưa ra nhiều tuyên bố có liên quan đến “ Vitebsk” .

 Đầu năm 2017, ông cho biết là căn cứ vào kết quả của chiến dịch Syria, mọi người đều hài lòng với hệ thống phòng thủ “ Vitebsk” này của máy bay lên thẳng Ka-52 “Cá Sấu” . Nhưng trong tuần vừa rồi , ông lại tuyên bố rằng kiểu máy bay lên thẳng này sẽ được hiện đại hóa. Và trước hết là cần thay thế tổ hợp “Vitebsk” trên máy bay.

Thế nhưng nguyên nhân cần phải thay thế “Vitebsk” thì lại được giữ bí mật. Và như vậy cũng rất dễ chấp nhận vì Ka-52 vẫn tiếp tục tham chiến tại Syria và nếu như để lộ “những điểm chưa mạnh” của nó – đó là một tội ác.

Nhưng có thông tin là Tập đoàn “Công nghệ vô tuyến điện tử” đã chuẩn bị xong phiên bản hiện đại hóa của Vitebsk” căn cứ vào những “đề xuất” của giới quân sự. Nếu không có gì thay đổi, phiên bản cải tiến của “Vitebsk” sẽ được đưa vào trang bị cho các đơn vị trong năm 2018.

Tổ hợp “Vitebsk” là một tổ hợp rất mới,- mới được đưa vào sản xuất hàng loạt từ năm 2015. “Vitebsk” có khả năng phát hiện các tên lửa phòng không từ cự ly hàng trăm km (theo khẳng định của các nhà thiết kế). Sau khi phát hiện mối đe dọa, “Vitebsk” phát nhiễu và phóng ra các mục tiêu giả để đánh lừa đầu tự dẫn của tên lửa tất cả các kiểu khác nhau – từ dầu tự dẫn radar đến đầu tự dẫn nhiệt, quang.

Tập đoàn công nghệ vô tuyến điện tử (thiết kế “Vitebsk”) cho biết các nội dung hiện đại hóa “Vitebsk” sẽ không đụng chạm đến hệ thống phát hiện,phát tia lazer và phát nhiễu. Chắc chắn các nội dung hiện đại hóa sẽ liên quan đến các bẫy phóng, máy phát nhiễu sử dụng một lần, mục tiêu giả, đạn nổ công suất cao- tức các “vật tư tiêu hao”.

2. Về tên lửa phóng từ trên không – có lẽ kiểu tên lửa mà Bộ quốc phòng Nga còn có nhiều ý kiến chắc chắn không phải là tên lửa “không đối không” vì các máy bay tiêm kích Nga không tham gia các trận không chiến trên không phận Syria. Và cũng không phải là tên lửa “ không đối đất” Kh-555 của Phòng thiết kế “Raduga” (Kh-101 như nói ở phần đầu cũng là của Phòng thiết kế ‘Raduga”). Chắc chắn hơn cả, kiểu tên lửa bị phàn nàn là tên lửa của không quân chiến thuật.

Có lẽ Bộ quốc phòng Nga cũng có những nhận xét không tích cực về tên lửa chống tăng “Vikhr-M” vi chúng có tầm bắn hạn chế (dưới 10km).

3. Còn những gì liên quan đến phương tiện trinh sát vô tuyến kỹ thuật, - có lẽ đó là các phương tiện (trinh sát vô tuyến kỹ thuật) trên các máy bay chuyên dụng, cụ thể - máy bay trinh sát IL-20 và máy bay AWACS A-50U. Đây là những máy bay tương đối cũ , cả thiết bị cũng vậy.

Tuy A-50U là phiên bản hiện đại hóa tương đối mới của A-50 nhưng nhìn chung thiết bị của cả Il-20 và A-50U đều đã lạc hậu cần phải cải tiến hoặc thay thế (Đã có kế hoạch đưa A-100 vào trang bị cho Bộ đội đường không-vũ trụ Nga, nhưng vì nhiều lý do nên kế hoạch trên vẫn đang nằm trên giấy).

Theo Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (Đất Việt)