Thế giới

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo với tốc độ chóng mặt

Các bức ảnh vệ tinh chụp từ ngày 5/6/2015 cho thấy Trung Quốc đã mở rộng khu vực bồi đắp Đá Subi thêm 74% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, bổ sung trung bình mỗi ngày hơn 32.000m2 đất chỉ riêng tại khu vực này. Đá Vành Khăn, lớn hơn Subi, hiện đã được bồi lấp hơn một nửa, theo ảnh chụp trong ngày 9/6/2015.

Các bức ảnh vệ tinh chụp từ ngày 5/6/2015 cho thấy Trung Quốc đã mở rộng khu vực bồi đắp Đá Subi thêm 74% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, bổ sung trung bình mỗi ngày hơn 32.000m2 đất chỉ riêng tại khu vực này. Đá Vành Khăn, lớn hơn Subi, hiện đã được bồi lấp hơn một nửa, theo ảnh chụp trong ngày 9/6/2015.
Hoạt động mở rộng Đá Subi, lên diện tích 3,78km2, đã diễn ra bằng cách bồi đắp dọc theo các rạn san hô. Khu vực bồi đắp trên Đá Subi hiện đã đủ dài để chứa sân bay dài hơn 3km. Hoạt động chuẩn bị địa hình cho ở khu vực này khá giống với Đá Chữ thập, nơi Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài ở trên đó. Như vậy, nhiều khả năng Trung Quốc cũng sẽ xây sân bay ở Đá Subi.
 

Đá Subi, Biển Đông (Ảnh: The Diplomat)

 
Thông báo được Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) đưa ra ngày 16/6 nói rằng "dự án bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc... sẽ hoàn tất trong mấy ngày tới đây cần phải được nhìn nhận bằng sự nghi ngờ. Trước đó, Bắc Kinh từng nói việc bồi đắp các đảo này chỉ là để tạo nơi trú chân cho ngư dân.
 
Trung Quốc đã chiếm đóng Đá Subi, Vành khăn và Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Subi nằm cách đảo Palawan của Philippines 430km và cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc ở đảo Hải Nam tới 930km.
 
Ngoài 3 khu vực trên, Trung Quốc còn đang bồi đắp đảo nhân tạo ở 4 khu vực khác là Đá Gaven, Hughes, Châu Viên và Gạc Ma. Hoạt động bồi đắp tại những nơi này đã gần như dừng lại, nhưng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn tiếp diễn.
 

Hoạt động chuẩn bị bề mặt đảo nhân tạo trên Đá Chữ thập (Ảnh: The Diplomat)

 
Trong ngày 28/5, chính quyền Mỹ thông báo đã phát hiện một số khẩu pháo trên đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nhưng sau đó các khẩu pháo này đã bị mang đi hoặc bị giấu đi. Theo cư dân mạng @Rajfortyseven và Diễn đàn nghiên cứu Biển Đông, các khẩu pháo được đặt ở Đá Gạc Ma.
 
Các đảo nhân tạo ở Đá Gaven, Hughes, Châu Viên và Gạc Ma giờ đều có các dốc bê tông với diện tích 5x40m, dẫn tới một công trình cao 2-3 tầng, kết nối với một tòa nhà lớn hơn.
 

Hình ảnh cho thấy tốc độ mở rộng Đá Vành Khăn (Ảnh: The Diplomat)

 
Cấu trúc công trình kiểu này cho phép Trung Quốc điều các đơn vị pháo tự hành và che giấu chúng, bên cạnh việc cung cấp nơi tránh sóng an toàn trong tình huống có bão.
 
Trong khi Philippines, nước gần nhất với các điểm bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc, đã phản đối kịch liệt các động thái của Bắc Kinh, Malaysia lại hầu như im lặng. Phải tới cách đây 2 tuần, Malaysia mới lên tiếng phản đối khi phát hiện Trung Quốc có hoạt động xâm lấn vùng biển Malaysia ở quanh khu vực bãi cạn Luconia.
 

Trung Quốc đã xây hàng loạt công trình giống nhau trên Đá Gaven, Hughes, Châu Viên và Gạc Ma (Ảnh: The Diplomat)

 
Một bộ trưởng trong chính quyền Malaysia là ông Shahidan Kassim đã tải lên một bức ảnh chụp một tàu Tuần duyên Trung Quốc với tải trọng 1.000 tấn đã thả neo ở trong khu vực này suốt 2 năm qua và theo đó đã vi phạm chủ quyền của Malaysia.
 
Có tin nói một con tàu Tuần duyên khác của Trung Quốc, thuộc loại 3401, với tải trọng lên tới 4.000 tấn, cũng đang hoạt động gần với bãi cạn Luconia. Ảnh vệ tinh chụp ngày 13/2/2015 cho thấy con tàu nằm cách một điểm trầm tích san hô nhô lên mặt nước có tên Luconia Breakers khoảng 3,5km. Do điểm này nhô lên trên mặt nước, nó có giá trị đặt biệt trong hoạt động tranh chấp chủ quyền.
 

Tàu Hải quân Malaysia bé nhỏ trước tàu Tuần duyên trọng tải 4.000 tấn của Trung Quốc gần bãi cạn Luconia (Ảnh: The Diplomat)

 
Cần biết rằng tàu Tuần duyên cùng loại 3401 đã từng được Bắc Kinh dùng để giành lấy quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines và ngăn chặn hoạt động tiếp cận với bãi Cỏ mây, nơi một đơn vị lính thủy đánh bộ Philippines đang đóng quân.
 
Khi không làm lớn chuyện Trung Quốc điều tàu 4.000 tấn ra gần bãi cạn Luconia, Malaysia dường như đang tránh một cuộc đối đầu đã dẫn tới việc Philippines mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough hồi năm 2012. Nó cũng cho thấy giới lãnh đạo Malaysia đang cân nhắc cẩn thận các giải pháp để cân bằng với mối đe dọa từ phía Trung Quốc.
 
>> Trung Quốc ngang nhiên xây nhà, nuôi gia súc trên bãi Chữ Thập
>> Tuyên bố dừng bồi đắp, Trung Quốc đi nước cờ đôi ở Biển Đông
>> Trung Quốc tuyên bố sắp xây xong đảo nhân tạo trên biển Đông
>> ASEAN không công nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
 
Theo Hương Giang (Vntinnhanh.vn)