Thế giới

Anh rời EU: Quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ suy yếu

Trước “cơn địa chấn” người dân Anh chọn rời EU (hiện tượng Brexit), các nhà phân tích chính trị chiến lược quốc tế cho rằng sự kiện này sẽ khiến quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ bị suy yếu, làm dấy lên mối lo ngại về việc Anh mất khả năng hỗ trợ cho những nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm giải quyết các khủng hoảng toàn cầu.

Trước “cơn địa chấn” người dân Anh chọn rời EU (hiện tượng Brexit), các nhà phân tích chính trị chiến lược quốc tế cho rằng sự kiện này sẽ khiến quan hệ đặc biệt giữa Anh và Mỹ bị suy yếu, làm dấy lên mối lo ngại về việc Anh mất khả năng hỗ trợ cho những nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm giải quyết các khủng hoảng toàn cầu.

Anh-Mỹ sẽ tiếp tục cùng nhìn một hướng? (Ảnh: Reuters)

Khi Anh rời EU, Mỹ sẽ mất đi tiếng nói ủng hộ họ mạnh mẽ nhất trong liên minh gồm 28 thành viên này. Hệ quả là ảnh hưởng của Washington trong các quyết sách của châu Âu sẽ bị suy giảm, đồng thời tạo điều kiện cho Moscow gây sức ép mạnh mẽ hơn lên phương Tây.

Cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU của Anh được coi là sự phản ánh của chủ nghĩa dân tộc ngày càng mạnh mẽ, cũng như một “sự ích kỷ của công chúng”. Nó bộc lộ những rạn nứt, đổ vỡ trong lòng nước Anh, làm suy giảm vai trò, vị thế của Anh trên trường quốc tế.

Việc Anh rời EU buộc Tổng thống tới đây của Mỹ phải đưa ra quyết định xem Washington liệu có “xoay trục quan hệ” sang những đối tác lớn khác ở châu Âu như Pháp và Đức hay không? Quyết định này có thể phá huỷ mối quan hệ đặc biệt giữa Washington và London, vốn đã hình thành từ Thế chiến thứ II.

Ông Ivo Daalder, cựu Đại sứ Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho rằng khả năng bảo vệ quan điểm và chính sách của Anh trước các đồng minh châu Âu và trong NATO sẽ không còn như trước. Do đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ phải hành động vất vả hơn nhằm duy trì sự đoàn kết của châu Âu và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. 

Theo ông Ivo Daalder, bất cứ điều gì gây chia rẽ châu Âu cũng là một thắng lợi cho Nga . Rõ ràng khủng hoảng ở EU là điều kiện thuận lợi cho Moscow bởi nếu không có Anh, một trong những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất ủng hộ EU trừng phạt Nga, thì áp lực lên Kremlin sẽ giảm. Hơn nữa, một châu Âu yếu sẽ kéo theo một NATO – mối đe doạ chính trị, quân sự của Nga - yếu hơn.

Ông Phil Gordon, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama, bày tỏ lo ngại rằng châu Âu sẽ bị cuốn vào sự kiện Brexit và các phong trào đòi ly khai , khiến gánh nặng giải quyết các vấn đề quốc tế đè nặng hơn lên  Washington. Ông Gordon nói :” Càng sử dụng nhiều nguồn lực để giải quyết hậu quả của Brexit, châu Âu càng có ít thời gian, tiền bạc và sức mạnh chính trị để cùng Mỹ đối phó với các thách thức toàn cầu”.

Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định tôn trọng quyết định bỏ phiếu rời EU của Anh và khẳng định Anh vẫn là “đối tác không thể thiếu được của Mỹ”, song kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua tại Anh như một lời quở trách nhằm vào ông Obama – người đã can dự mạnh mẽ một cách khác thường vào nền chính trị Anh nhằm chống lại hiện tượng “Brexit”.

Trong chuyến thăm London hồi tháng 4/2016, ông Obama từng bày tỏ lo ngại rằng việc Anh rời khỏi EU có thể khiến phương Tây suy yếu. Theo ông Obama, các vấn đề như khủng bố, di cư và suy giảm kinh tế có thể được giải quyết thành công với sự tham gia của Anh trong EU.

Thủ tướng Anh David Cameron, người vừa tuyên bố từ chức sau sự kiện Brexit, đã hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong lĩnh vực an ninh. Anh là đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ trong chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Syria và Iraq. Anh cũng là đồng minh tích cực của Mỹ  tại Afghanistan, là quốc gia ủng hộ trừng phạt Nga vì vấn đề khủng hoảng tại Ukraine.

Heather Conley, Giám đốc Chương trình Châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, cho rằng “cuộc ly hôn” của Anh với EU có thể còn nhùng nhằng trong 2 năm tới, trở thành “một tiến  trình tiêu hao mọi thứ” khiến Anh không thể tiếp tục sát cánh cùng Mỹ trong những nỗ lực kể trên. Bà Conley phát biểu: “ Khi chúng ta cần Anh và vai trò lãnh đạo của Anh tại Hội đồng Bảo an LHQ hay tại NATO thì Anh sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề đối nội”.

Ông Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, ví von sự kiện Brexit như “một đám mây không có ánh sáng”. Ông nói:” Tôi không cho rằng chúng ta đang quay lại với một tình huống xung đột ở châu Âu. Nhưng tôi lo ngại rằng Brexit sẽ phá vỡ kết cấu ổn định và thịnh vượng của châu Âu”.

Chia sẻ tình báo Anh - Mỹ, một trong những mối quan hệ an ninh tin cậy, chặt chẽ nhất thế giới, được trông đợi không chịu tác động bởi sự kiện Brexit. Tuy nhiên, một số chuyên gia an ninh cho rằng hợp tác chống khủng bố của Anh, Mỹ với các đối tác châu Âu có thể gặp nhiều khó khăn hơn  trong bối cảnh IS nhằm vào các mục tiêu ở châu Âu. Trong lúc đó, cựu quyền Giám đốc CIA Michael Morell lại cho rằng “hợp tác chống khủng bố quan trọng tới mức không để chính trị tác động”.

Cùng với sự kiện Brexit, Washington cũng lo ngại trước lời đe doạ của những người theo chủ nghĩa dân tộc Scotland đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý mới để tách khỏi Liên hiệp Anh. Trong lúc đó, Liên hiệp Anh đứng trước nguy cơ tan rã bởi người dân Scotland vẫn muốn ở lại cùng EU. 

Sự tan rã của Liên hiệp Anh có thể làm dấy lên câu hỏi liệu rằng Anh có giữ được quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hay không? Nếu không, Mỹ sẽ mất đi một đối tác đáng tin cậy thường xuyên ủng hộ các sáng kiến của Washington tại tổ chức đa phương quyền lực nhất toàn cầu này.

Theo Võ Trịnh Duy (Tiền Phong)