Thế giới

Anh giải cứu 3 người Việt bị ép làm nô lệ lao động

3 người Việt, trong đó có một trẻ vị thành niên, được cảnh sát Anh giải cứu trong cuộc trấn áp các cơ sở sử dụng lao động như nô lệ thời hiện đại.  

3 người Việt, trong đó có một trẻ vị thành niên, được cảnh sát Anh giải cứu trong cuộc trấn áp các cơ sở sử dụng lao động như nô lệ thời hiện đại.  
 
 

Cảnh sát Anh đột kích một trang trại cần sa sử dụng trẻ em Việt Nam làm lao động như nô lệ hồi năm ngoái. Ảnh: Guardian

BBC đưa tin cuộc trấn áp nằm trong một chiến dịch xuyên châu Âu, do Cục Tội phạm Quốc gia Anh đứng đầu với sự tham gia của 5 lực lượng cảnh sát chống bóc lột lao động.

Cảnh sát cho hay nhóm người Việt gồm 2 nam và một nữ, được cho là dưới 18 tuổi, đang được các cơ quan chức năng hỗ trợ.

Ngoài ra, 2 người Việt khác cũng bị bắt vì sử dụng lao động như nô lệ và rửa tiền, 3 người Việt khác bị giam giữ với các vi phạm liên quan đến nhập cư.

Tổng cộng 24 người đã bị bắt, sau khi cảnh sát khám xét các tiệm rửa xe, tiệm nail, quầy bán hàng di động, một cơ sở mát-xa và một nhà dân. 

Cảnh sát cho hay các hình thức bóc lột lao động tương tự diễn ra trên khắp các thị trấn và thành phố lớn ở Anh. Tại các vùng duyên hải, người lao động thường bị ép làm việc trong ngành đánh cá và nông nghiệp.

Các băng nhóm tội phạm Việt Nam từ lâu đã hoạt động ở Anh và các nước khác. 

Theo phân tích các cuộc truy quét của cảnh sát, có tới 75% cơ sở trồng cần sa ở Anh là do các băng nhóm người Việt cầm đầu. Vào tháng 5 năm ngoái, số trại cần sa này tăng 150% trong vòng hai năm. 

Cơ quan chức năng nhận thấy các băng nhóm Việt ngày càng đa dạng hóa hình thức kinh doanh của mình và thường tuyển các trẻ em bị đưa sang Anh vào làm việc.

Các nghiên cứu gần đây cho hay trẻ em Việt Nam là nhóm lớn nhất bị bán sang Anh hàng năm. Bên cạnh các trại cần sa, các em còn bị bóc lột trong các nhà thổ, các tiệm nail và tham gia vào các hoạt động tội phạm đường phố như bán đĩa DVD sao chép trái phép hay phạm tội đột nhập.

Nhiều tiệm làm móng thường được dùng để rửa tiền từ hoạt động buôn bán cần sa và một số phụ nữ bị ép làm việc tại những nơi này để có tiền trả nợ.

Ông Shaun Sawyer, cảnh sát trưởng hai hạt Devon và Cornwall, cho rằng kết quả của chiến dịch trên "rất đáng khích lệ".

"Các nạn nhân có thể không nhìn nhận mình đang bị bóc lột và thường không muốn nói chuyện với cảnh sát. Nếu ai nghi ngờ tình trạng nô lệ thời hiện đại đang diễn ra ở khu vực của mình, chúng tôi kêu gọi họ hãy liên lạc với cảnh sát", ông nói.
 

Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)