Thế giới

Âm thầm lo lắng

Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới ra sức thuyết phục Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc lại tỏ ra lặng lẽ. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Theo đài VOA thì trên thực tế, các chính trị gia và doanh nhân Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về viễn cảnh người dân Anh sẽ bỏ phiếu chọn “ly dị” EU trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới.

Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới ra sức thuyết phục Anh ở lại Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc lại tỏ ra lặng lẽ. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Theo đài VOA thì trên thực tế, các chính trị gia và doanh nhân Trung Quốc đang ngày càng lo lắng về viễn cảnh người dân Anh sẽ bỏ phiếu chọn “ly dị” EU trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23-6 tới.

Không khó hiểu về mối lo lắng này! Theo đài VOA, kim ngạch thương mại giữa Anh và Trung Quốc nhảy vọt từ 63,1 tỉ USD năm 2012 lên 78,5 tỉ USD trong năm 2015, đưa Anh trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong số các nền kinh tế EU. Đài BBC cũng chỉ ra danh sách dài các thương hiệu và công ty Anh có cổ phần của người Trung Quốc, như Weetabix, House of Fraser, các hãng taxi London, các sân bay Heathrow và Manchester...

Năm ngoái, Anh là nước châu Âu đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, bất chấp sự không hài lòng của Mỹ. Đầu tháng này, đến lượt Bắc Kinh chọn London, thay vì New York, làm nơi phát hành trái phiếu nước ngoài đầu tiên. Phòng Thương mại Anh ở Trung Quốc dẫn báo cáo của công ty luật quốc tế Pinsent Masons cho biết Trung Quốc có ý định đầu tư gần 150 tỉ USD vào hạ tầng ở Anh từ nay tới năm 2025. Như vậy cũng đủ hiểu Trung Quốc và Anh đặt hy vọng vào nhau cao như thế nào.

Trong chuyến thăm Anh vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi gắm thông điệp mong muốn châu Âu hùng mạnh và đoàn kết Ảnh: AP
Trong chuyến thăm Anh vào tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi gắm thông điệp mong muốn châu Âu hùng mạnh và đoàn kết Ảnh: AP

Bàn về trường hợp Anh rời EU, ông Jonathan Portes, cựu kinh tế trưởng của nội các Anh, dự đoán trên báo China Daily rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chỉ tạm dừng để nghe ngóng tình hình chứ không ảnh hưởng nhiều đến lợi ích kinh tế lâu dài. Lạc quan hơn, tạp chí Tiền tệ Trung Quốc (thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc) viết Brexit sẽ tạo điều kiện cho Anh ký thỏa thuận thương mại tự do trực tiếp với Trung Quốc, từ đó tăng cơ hội cho doanh nghiệp 2 bên. “Thị trường khổng lồ của Trung Quốc đủ cho nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của Anh thời hậu EU” - tờ báo này nhận định vào tháng trước.

Những lập luận trên có vẻ không thuyết phục được ông Wang Jianlin, doanh nhân giàu nhất Trung Quốc và là người sáng lập tập đoàn bất động sản, giải trí Dalian Wanda. Đài VOA dẫn lời ông: “Nếu Anh bỏ EU, nhiều công ty Trung Quốc sẽ cân nhắc chuyện chuyển trụ sở ở châu Âu tới những nước khác”. Ông Wang hiện đầu tư vào một công ty du thuyền sang trọng và một khách sạn 5 sao ở London.

Ông Andrew Mackenzie, giám đốc điều hành công ty mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton, nói thẳng: “Trung Quốc xem trọng Anh là do chúng ta có vai trò quan trọng trong EU”. Còn trên đài BBC, nhà nghiên cứu Philippe Le Corre của Viện Brookings (Mỹ) chỉ ra: “Thị trường Anh chỉ có 65 triệu dân, không thể hấp dẫn bằng tổng số 500 triệu dân của EU”.

Chưa hết, theo Reuters, Anh luôn ủng hộ EU xem Trung Quốc là nước có nền kinh tế thị trường. “Trung Quốc không muốn Đức và Pháp thống trị EU” - một nhà ngoại giao phương Tây làm việc tại Bắc Kinh nhìn nhận. Một bất lợi khác, như nhà nghiên cứu Bai Ming (Viện Hợp tác kinh tế và Thương mại quốc tế Trung Quốc) nêu ra: Brexit cũng có thể làm chậm quá trình phục hồi của khu vực đồng euro (Eurozone) sau cuộc khủng hoảng nợ, dẫn đến khả năng EU thi hành các chính sách bảo hộ như áp thuế cao hơn cho hàng hóa Trung Quốc.

Theo Mỹ Nhung (Nld.com.vn)