Thế giới

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe

Cuộc binh biến tại Zimbabwe dẫn đến sự ra đi của ông Mugabe là cú chốt hạ trong kế hoạch diễn ra hàng tháng trời, trải dài từ Harare đến Johannesburg đến cả Bắc Kinh.

Bên trong Tòa nhà Chính phủ ở Harare, Robert Mugabe đối diện với thời điểm cam go nhất sau 37 năm "trị vì". Xe tăng xuất hiện trên đường phố trong khi quân đội đã chiếm giữ đài truyền hình nhà nước. Trên truyền hình, quân đội tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát Zimbabwe.

Ông Mugabe, 93 tuổi nhưng vẫn tỉnh táo và không chịu khuất phục. Nhà lãnh đạo duy nhất của Zimbabwe từ khi nước này giành độc lập không đồng ý yêu cầu từ chức.

"Đem hiến pháp ra đây"

Tại cuộc họp căng thẳng với những tướng lĩnh hàng đầu hôm 16/11, nhà lãnh đạo lâu năm nhất thế giới vẫn cứng rắn: "Đem hiến pháp ra đây và cho tôi biết nó nói gì", ông ra lệnh cho chỉ huy quân đội Constantino Chiwenga, theo hai nguồn tin có mặt.

Một trợ lý đem ra bản hiến pháp, trong đó quy định tổng thống Zimbabwe cũng là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nước này.

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe
Ông Robert Mugabe xuất hiện hôm 17/11 trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Mở Zimbabwe, lần đầu tiên kể từ khi khi bị quân đội quản thúc tại gia. Ảnh: Getty.

Tướng Chiwenga, mặc bộ quân phục rằn ri, tỏ ra do dự trước khi trả lời rằng Zimbabwe đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quốc gia, đòi hỏi sự can thiệp quân sự.

Ông Mugabe "vặn" lại vị tướng, nói quân đội mới chính là vấn đề, theo nguồn tin có mặt khi ấy. Sau đó, vị tổng thống đang bị bao vây ngụ ý rằng hai bên có thể cùng nhau tìm ra giải pháp.

Cuộc họp đánh dấu sự bắt đầu của tình thế so găng kéo dài 5 ngày giữa một bên là ông Mugabe và hiến pháp Zimbabwe với một bên là quân đội, đảng của ông Mugabe và người dân Zimbabwe.

Các tướng lĩnh muốn ông Mugabe ra đi, nhưng họ cũng muốn một "cuộc đảo chính" hòa bình không khiến chính quyền kế nhiệm phải chịu điều tiếng.

Cuối cùng, vị tổng thống già chỉ chấp nhận thất bại sau khi bị chính đảng cầm quyền ZANU-PF bãi miễn và đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Ông ký vào lá thư từ chức ngắn gọn gửi đến quốc hội, được đọc trước các nghị sĩ ngày 21/11.

Vậy là Mugabe, người lãnh đạo Zimbabwe suốt từ năm 1980, chứng kiến nền kinh tế nước này từng bước lụn bại trong khi vợ mình đi mua sắm hàng xa xỉ, đã ra đi.

Cả đất nước dường như bùng nổ. Các nghị sĩ nhảy múa còn người đổ ra đường ăn mừng sự kiện gây sốc khắp châu Phi và thế giới.

Đối với nhiều người, cái kết của ông Mugabe là điều không thể tưởng tượng chỉ một tuần trước đó.

Reuters đã xâu chuỗi những sự kiện dẫn đến sự ra đi của ông Mugabe, cho thấy cuộc binh biến là cú chốt hạ trong kế hoạch diễn ra hàng tháng liền, trải dài từ Harare đến Johannesburg đến cả Bắc Kinh.

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe - 1
Chỉ huy quân đội Constantino Chiwenga. Ảnh: Getty.

Không đội trời chung

Dựa trên kho tài liệu tình báo từ Tổ chức Tình báo Trung ương (CIO) dưới quyền ông Mugabe, Reuters hồi tháng 9 cho hay quân đội đã ủng hộ ông Emmerson Mnangagwa, khi đó là phó tổng thống, trở thành người ông Mugabe khi thời cơ đến.

Bài báo nêu chi tiết về cách ông Mnangagwa, đồng minh lâu năm và là cựu lãnh đạo an ninh trong chính quyền Mugabe, có thể hợp tác với những đối thủ chính trị của vị tổng thống để vực dậy nền kinh tế. Điều này đã gây ra những tranh cãi sôi nổi trên truyền thông cũng như trong giới chính trị tại Zimbabwe.

Cuộc cạnh tranh giữa Mnangagwa và Grace, người vợ 52 tuổi của ông Mugabe vốn cũng hy vọng sẽ tiếp quản chiếc ghế của chồng mình, ngày càng quyết liệt. Bà Grace nhận được sự ủng hộ của một bộ phận trong đảng ZANU-PF gọi là G40, trong khi phe ủng hộ ông Mnangawa, người có biệt danh "cá sấu", được gọi là nhóm "Lacoste".

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe - 2
Ông Emmerson Mnangagwa nhậm chức tổng thống hôm 24/11. Ảnh: Getty.

Hồi đầu tháng 10, ông Mnangagwa cho biết ông đã được đưa tới bệnh viện ở Nam Phi bằng máy bay sau một âm mưu đầu độc bất thành. Ông không chỉ đích danh ai, song ông không cần làm vậy.

Phản ứng nhanh chóng của bà Grace là phủ nhận liên quan đồng thời cáo buộc đối thủ của mình tìm kiếm sự thương hại. Theo tờ báo nhà nước Herald, vị đệ nhất phu nhân không coi ông phó tổng thống là "cái đinh gì" ngoài vị trí là người làm thuê cho chồng bà.

Khi áp lực ngày một dồn nén, bà Mugabe lại ngày càng trở nên hoang tưởng về sự trung thành của chỉ huy quân đội Chiwenga, một quân nhân chuyên nghiệp và là cựu binh được tặng thưởng huân chương sau cuộc chiến chống lại sự thống trị của người da trắng trong những năm 1970 tại Zimbabwe.

Những gián điệp của Mugabe, những người nắm rõ từng cơ quan, từng nhóm xã hội ở Zimbabwe, đã cảnh báo vị tổng thống quân đội sẽ không chấp nhận để bà Grace trở thành lãnh đạo đất nước.

"Mugabe rất lo lắng trước nguy cơ xảy ra đảo chính", báo cáo tình báo đề ngày 23/10 cho biết. "Các quan chức cấp cao của CIO đã công khai nói với Mugabe rằng quân đội sẽ không dễ dàng chấp nhận việc bổ nhiệm Grace. Ông ấy đã được cảnh báo phải sẵn sàng cho một cuộc nội chiến".

Reuters đã xem xét báo cáo này cùng hàng trăm báo cáo tình báo khác từ năm 2009, trước khi cuộc đảo chính diễn ra. Các tài liệu đến từ nội bộ CIO, nhưng Reuters không thể xác định báo cáo được gửi cho ai xem. Các CIO được chia thành phe phái, một số ủng hộ và một số chống Mugabe.

Vào cuối tháng 10, ông Mugabe triệu tập Chiwenga đến để đưa ra tối hậu thư, theo một trong số tài liệu nói trên đề ngày 30/10. Báo cáo này cho hay ông Mugabe trực tiếp đối chất với chỉ huy quân đội về mối quan hệ của vị tướng với Mnangagwa và nói rằng nếu chống lại bà Grace, ông Chiwenga có thể sẽ mất mạng.

"Chiwenga đã được Mugabe cảnh báo rằng đã đến lúc để anh ta bắt đầu tuân lệnh. Ông nói với Chiwenga rằng những người đấu với vợ ông chắc chắn sẽ chết một cách đau đớn", báo cáo tình báo nói trên viết.

Cũng trong cuộc gặp này, ông Mugabe đã ra lệnh cho Chiwenga phải cam kết trung thành với bà Grace. Vị tướng từ chối.

"Chiwengwa không chịu để bị đe dọa. Anh ta kiên định lập trường trung thành với Mnangagwa", bản báo cáo nói.

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe - 3
Bà Grace Mugabe và chồng, ông Robert Mugabe. Ảnh: Getty.

Sau một cuộc họp căng thẳng khác với ông Mugabe vào ngày 5/11, ông Chiwenga rời thủ đô Harare để bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc đã được sắp xếp từ trước. Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể sau khi đã bỏ nhiều tiền đầu tư tại Zimbabwe.

Một ngày sau đó, ông Mugabe sa thải cách chức phó tổng thống của ông Mnangagwa, cũng như loại "cá sấu" ra khỏi đảng ZANU-PF. Mnangagwa đã đi theo ZANU-PF từ ngày còn trẻ khi đảng này là một phong trào giải phóng, thậm chí ông từng suýt bị xử tử vì đánh bom tàu lửa theo một kế hoạch của tổ chức này.

Trong mắt các tướng lĩnh, ông Mugabe đã đi quá xa. Quân đội ngay lập tức kích hoạt cảnh báo "Mã Đỏ", mức cao nhất về sẵn sàng chiến đấu.

Âm mưu ám sát

Không lâu sau khi ông Mnangagwa bị cách chức hôm 6/11, lực lượng an ninh bảo vệ ông và gia đình ông đã bị thu hồi. Ông được cảnh báo rằng tính mạng của ông đang gặp nguy hiểm.

"Nhân viên an ninh, người rất thân thiết với tôi, cảnh báo tôi rằng các kế hoạch đã sẵn sàng để loại bỏ tôi một khi tôi bị bắt và đưa đến đồn cảnh sát", ông Mnangagwa nói trong một tuyên bố ngày 21/11. "Tôi phải rời khỏi đất nước ngay lập tức vì sự an toàn của bản thân".

Từ Harare, ông chạy thoát qua biên giới đến nước láng giềng Mozambique, nơi ông đáp máy bay sang Trung Quốc, theo một nguồn tin hiểu rõ tình hình. Tại đó, ông đã gặp tướng Chiwenga.

Reuters không thể xác nhận thông tin này nhưng báo cáo tình báo ngày 13/11 cho thấy ông Mugabe đã nghi ngờ một số tướng lĩnh dưới quyền chuẩn bị lật đổ ông ta từ Trung Quốc.

"Một số tướng đang ở Trung Quốc sẵn sàng cùng Mnangagwa bày mưu lật đổ Mugabe", báo cáo viết. Không rõ họ là những tướng nào và liệu chuyến đi của họ tới Trung Quốc có được cho phép hay không.

Những gián điệp của Mugabe nghi ngờ các những người thân cận trước đây đã quay lưng lại với vị tổng thống già. Một báo cáo tình báo đề ngày 30/10 cho biết Bắc Kinh và Moscow đều ủng hộ việc thay đổi chế độ vì thất vọng với sự tụt dốc của nền kinh tế Zimbabwe dưới thời ông Mugabe.

"Trung Quốc và Nga ủng hộ việc thay đổi", báo cáo nêu. "Họ ủng hộ sự thay đổi trong đảng ZANU-PF vì họ mệt mỏi và chán nản với sự lãnh đạo của Mugabe".

"Hai quốc gia này thậm chí còn sẵn sàng bí mật cung cấp vũ khí chiến đấu cho Mnangagwa để chống lại Mugabe".

Cả Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không đáp lại yêu cầu bình luận về thông tin này. Bộ Ngoại giao nước này trước đó nói chuyến thăm của ông Chiwenga là "một cuộc trao đổi bình thường về quân sự giữa Trung Quốc và Zimbabwe".

Trung Quốc từ lâu đã quan tâm đến Zimbabwe, hỗ trợ lực lượng của ông Mugabe trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sau khi quốc gia Nam Phi giành độc lập, Bắc Kinh đã phát triển kết nối tại đây trong các lĩnh vực khai thác mỏ, an ninh và xây dựng.

Nga cũng đã thiết lập quan hệ với Zimbabwe từ đầu những năm 1980, và trong năm 2014, một liên doanh Nga đã được giao phát triển một dự án khai thác bạch kim trị giá 3 tỷ USD tại Zimbabwe.

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe - 4
Người ủng hộ ông Mnangagwa chào đón ông như một người hùng trở về từ Nam Phi hôm 22/11. Ảnh: Getty.

Hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng Chiwenga đã hỏi liệu Trung Quốc có đồng ý không can thiệp nếu ông kiểm soát tạm thời Zimbabwe để đưa Mugabe ra khỏi chiếc ghế quyền lực.

Sau khi hay biết về những cuộc thảo luận ở Trung Quốc, ông Mugabe đã triệu tập người đứng đầu lực lượng cảnh sát Augustine Chihuri và cấp phó của ông này Innocent Matibiri để bắt giữ Chiwenga khi vị tướng quay về Harare.

Hai lãnh đạo cảnh sát đã huy động một đội gồm 100 cảnh sát và nhân viên tình báo. Tuy nhiên, kế hoạch này bị rò rỉ và những người ủng hộ Chiwenga đã tập hợp hàng trăm lính đặc nhiệm chờ máy bay chở người chỉ huy của họ hạ cánh.

Một số người cải trang thành người xách hành lý, quân phụ và vũ khí được che giấu bên dưới lớp áo khoác.

Nhận thấy mình hoàn toàn thua về số lượng cũng như vũ khí, nhóm của Chihuri đã lùi bước, để Chiwenga hạ cánh mà không có bất kỳ sự vụ nào xảy ra.

Hai ngày sau, Chiwenga và một nhóm chỉ huy quân đội yêu cầu một cuộc họp với Mugabe tại Tòa nhà Chính phủ ở Harare, một biệt thự có kiến trúc thời thuộc địa được trang hoàng bằng những con báo đỏ nhồi bông và những tấm thảm dày màu đỏ.

Theo các quan chức chính phủ, nhóm của Chiwenga nói họ "rất hoang mang" về vụ sa thải Mnangagwa và nói với Mugabe rằng họ sẽ kiểm soát vợ ông ta và phe G40, những người mà họ cáo buộc âm mưu gây chia rẽ quân đội.

"Các anh nghĩ điều gì nên được làm?", ông Mugabe hỏi những người lính trong lúc ngồi trên ghế bành.

Các tướng yêu cầu ông đảm bảo rằng họ cũng sẽ không bị thanh trừ. Nguồn tin chính phủ trên cho hay ông Mugabe tỏ ra hời hợt trước yêu cầu này. Chiwenga nói với Mugabe rằng ông sẽ công khai sự lo lắng của của mình về phe G40.

Nhiều giờ sau, Chiwenga triệu tập các phóng viên tới doanh trại quân đội gần Harare để đưa ra tuyên bố.

"Chúng tôi buộc phải nhắc nhở những người đứng đằng sau những hành động lừa dối phản bội hiện tại rằng, hễ đụng đến vấn đề bảo vệ cuộc cách mạng của chúng ta, quân đội sẽ không do dự can thiệp", ông tuyên bố, đọc từ một văn bản chuẩn bị trước.

Chiều hôm sau, sáu xe bọc thép chuyển quân hướng về trụ sở của lực lượng bảo vệ tổng thống ở ngoại ô Harare. Không rõ họ tuân theo lệnh của ai.

Vào thời điểm đó, cư dân của thành phố đã bắt đầu cảm thấy lo lắng nhưng vẫn không chắc chắn những diễn biến này có nghĩa gì.

"Không liên lạc được"

Vào khoảng 18h ngày 14/11, đoàn xe của Mugabe đi đến tư dinh của tổng thống, một khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt ở khu Borrowdale phía bắc thủ đô.

Trong khi đó, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh những chiếc xe bọc thép chạy trên những con đường dẫn tới Harare, làm dấy lên những đồn đoán điên cuồng về một cuộc đảo chính.

Sự lo lắng ngày càng tăng, khoảng 19h hơn, bà Grace gọi cho một bộ trưởng nội các yêu cầu đóng cửa WhatsApp và Twitter.

Vị bộ trưởng trả lời rằng việc này là trách nhiệm của Bộ trưởng An ninh Quốc gia Kembo Mohadi.

"Không ai ủng hộ một cuộc đảo chính. Điều này không thể xảy ra", bà Grace, người vẫn được gọi là Amai (có nghĩa là mẹ), nói trong điện thoại.

Giọng ông Mugabe vang lên sau đó: "Như bạn đã nghe từ Amai, có bất cứ điều gì có thể được thực hiện không?"

Vị bộ trưởng đưa ra câu trả lời tương tự, về trách nhiệm của cơ quan an ninh quốc gia, và sau đó đường dây mất kết nối, nguồn tin cho biết.

Hai giờ sau, hai chiếc xe bọc thép lăn vào trụ sở Pockets Hill của Tập đoàn Phát thanh - Truyền hình Zimbabwe (ZBC), theo các nguồn tin của ZBC.

Hàng chục binh lính gác phong tỏa địa điểm và xông vào các  trường quay, nơi họ đã áp sát các nhân viên, giật điện thoại và dừng các chương trình. Đài ZBC, vốn được xem như là cơ quan ngôn luận của ông Mugabe, đã chuyển sang phát các video nhạc pop.

Âm mưu ám sát và sự phản bội: Bí mật đằng sau vụ lật đổ Mugabe - 5
Xe bọc thép xuất hiện trên đường phố thủ đô Hazare hôm 15/11. Ảnh: Getty.

Những người thân cận với Mugabe, gần như là thành viên của nhóm G40, không hay biết những gì đang diễn ra.

Bộ trưởng Thông tin Simon Khaya Moyo gọi Bộ trưởng Quốc phòng Sydney Sekeramayi hỏi có hay biết gì về một cuộc đảo chính có thể xảy ra hay không. Sekeramayi nói không, nhưng cố kiểm tra thông tin với chỉ huy quân đội Chiwenga.

Chiwenga trả lời rằng sẽ nói chuyện với Sekeramayi sau. Theo các nguồn tin, Chiwenga đã không bao giờ làm điều đó.

Khi các bộ trưởng trong phe G40 cố gắng hết sức để tìm hiểu những gì đang diễn ra, người của Chiwenga đã áp sát tư dinh của của ông Mugabe.

Albert Ngulube, giám đốc CIO và là người đứng đầu nhóm bảo vệ Mugabe, đang lái xe về nhà vào lúc 21h30 sau khi ở chỗ vị tổng thống. Anh ta bắt gặp một chiếc xe bọc thép trên đường Borrowdale Brooke, lối dẫn tới nhà ông Mugabe.

Khi Ngulube đối đầu với những người lính và đe dọa bắn họ, họ đã đánh và bắt giam ông. Ngulube sau đó đã được thả, nhưng bị chấn thương đầu và mặt.

Các bộ trưởng khác trong phe G40 cũng bị binh lính đưa đi. Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo được tìm thấy khi nấp trong nhà vệ sinh ở nhà ông và bị đánh đập trước khi bị đưa đi giam giữ ở một địa điểm không được tiết lộ trong hơn một tuần.

Binh lính đã sử dụng thuốc nổ để phá cửa nhà Jonathan Moyo, người được xem là bộ não của nhóm G40. Những người khác đột nhập qua cửa trước nhà bộ trưởng Savior Kasukuwere, một người ủng hộ chính của bà Grace. Cả hai người đều tìm cách trốn đến nơi ở của ông Mugabe.

Trong tuần kế tiếp, ông Mugabe cố gắng bám lấy chiếc ghế tổng thống khi Chiwenga và lực lượng của vị tướng cố gắng vạch ra một lối thoát hòa bình, và gần như là hợp pháp, cho nhà lãnh đạo lâu năm.

Tuy nhiên, khi quốc hội bắt đầu quá trình luận tội tổng thống vào ngày 21/11, ông Mugabe cuối cùng phải bỏ cuộc. Sau 37 năm ngồi ở vị trí lãnh đạo, trong đó phần lớn thời gian đất nước rơi vào cảnh nghèo đói, thư từ chức nói ông ra đi vì "quan tâm đến sự ấm no của của người dân Zimbabwe".

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)