Thế giới

5 tàu sân bay gây thất vọng nhất trong biên chế hải quân các nước

Sở hữu tàu sân bay là niềm tự hào của hải quân các nước, nhưng có nhiều chiếc lại thường xuyên gặp sự cố, trở thành nỗi thất vọng lớn.

Trên thế giới hiện nay có ít nhất 42 tàu sân bay các loại thuộc biên chế của 14 lực lượng hải quân các nước, trong đó riêng Mỹ sở hữu tới 20 chiếc gồm cả tàu chở tiêm kích lẫn tàu chở máy bay trực thăng.

Tàu sân bay thường được coi là biểu tượng cho sức mạnh của hải quân các nước và là niềm tự hào quốc gia. Tuy nhiên, nhiều chiếc trong số này liên tục gặp sự cố hoặc không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình, theo Business Insider.

USS Gerald R. Ford (Mỹ)

Là tàu sân bay được thiết kế mới đầu tiên của Mỹ trong 40 năm qua, USS Gerald R. Ford được trang bị nhiều công nghệ cùng các hệ thống vận hành mới, giúp  tăng số lượt máy bay xuất kích và hạ cánh, giảm khối lượng công việc do con người thực hiện và tăng khả năng sống sót trước những mối đe dọa.

Sở hữu lượng giãn nước đầy tải 100.000 tấn, USS Gerald R. Ford cũng là tàu sân bay lớn nhất thế giới. Nó được bàn giao cho hải quân Mỹ hồi tháng 5/2017 để thử nghiệm, dự kiến đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu cơ bản vào năm 2020. Tuy nhiên, hàng loạt lỗi kỹ thuật đã khiến siêu tàu sân bay 13 tỷ USD này chưa thể hoàn thiện, khiến dự án phát triển đội giá và liên tục chậm kế hoạch.

USS Gerald R. Ford từng phải trở về cảng hồi tháng 4/2017 và 1/2018 do sự cố chết máy, khiến nhiều nội dung thử nghiệm bị hủy bỏ. Hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) và cáp hãm đà tối tân của tàu cũng chưa hoàn thiện, khiến dự án ngày càng bị chậm trễ.

HTMS Chakri Naruebet (Thái Lan)

HTMS Chakri Naruebet là soái hạm của hải quân Thái Lan, nằm trong nhóm tàu sân bay hiện đại có kích thước nhỏ nhất hiện nay. Với chiều dài 182 m và lượng giãn nước chỉ 11.500 tấn, Chakri Naruebet có lượng giãn nước nhỏ hơn cả tàu khu trục hạng nặng Type-055 của Trung Quốc.

5 tàu sân bay gây thất vọng nhất trong biên chế hải quân các nước
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan. Ảnh: Wikipedia.

Được hạ thủy vào năm 1996, HTMS Chakri Naruebet có nhiệm vụ tuần tra vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Thái Lan, cũng như thực hiện các hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Vào đầu những năm 2000, máy bay chủ lực của không đoàn trên tàu HTMS Chakri Naruebet là tiêm kích AV-8A do Anh sản xuất. Tuy nhiên, chúng nhanh chóng hết tuổi thọ hoạt động và bị loại biên, khiến không đoàn tàu Chakri Naruebet không còn bất cứ chiến đấu cơ nào trong biên chế.

Chakri Naruebet hiện nay có vai trò giống một tàu sân bay trực thăng, nhưng nó gần như không còn tham gia hoạt động hải quân. Con tàu cùng phi đội trực thăng SH-60 Sea Hawk trong nhiều năm qua hiếm khi rời khỏi cảng nước sâu Chak Samet để thực hiện nhiệm vụ.

Truyền thông Thái Lan gọi HTMS Chakri Naruebet là "du thuyền trị giá 336 triệu USD" hay "Thai-tanic", do nó được chỉnh sửa để có không gian sinh hoạt rộng rãi cho các thành viên hoàng gia Thái Lan trong những lần hiếm hoi ra khơi.

Đô đốc Kuznetsov (Nga)

Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất trong biên chế hiện nay của hải quân Nga, nhưng sau một loạt trục trặc nảy sinh trong quá trình vận hành, tàu đang phải nằm ụ để đại tu, nâng cấp trong thời gian dài.

"Vấn đề lớn nhất với Đô đốc Kuznetsov là hệ thống động lực. Nó không đáng tin cậy", chuyên gia Dmitry Gorenburg thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) nhận định.

Nồi hơi là trái tim của tàu sân bay lớp Kuznetsov, tạo ra lực đẩy cho tàu di chuyển và cung cấp năng lượng cho mọi hệ thống trên tàu. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những điểm yếu nhất trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, khi nồi hơi cũ thường xuyên gặp sự cố gây ra tình trạng chết máy, buộc hải quân Nga phải triển khai tàu kéo thường trực để hỗ trợ tàu sân bay.

5 tàu sân bay gây thất vọng nhất trong biên chế hải quân các nước - 1
Tàu Đô đốc Kuznetsov trong quá trình bảo dưỡng ở cảng Murmansk cuối năm 2017. Ảnh: Livejournal.

Một nhà thiết kế cho biết nồi hơi cũ của tàu sân bay Kuznetsov thường gặp sự cố do hàng loạt lỗi trong thiết kế, cũng như sự thiếu hụt trang bị trên tàu. Các thủy thủ thường phải sử dụng nước biển trong quá trình bảo dưỡng nồi hơi, thay vì nước ngọt như yêu cầu vì không có thiết bị lọc nước biển cỡ lớn.

Trong thời gian tham chiến tại Syria, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng từng hai lần bị đứt cáp hãm đà, khiến không quân hải quân Nga mất một tiêm kích hạng nặng Su-33 và một chiến đấu cơ đa năng MiG-29K. Không đoàn tàu sân bay sau đó phải chuyển tới đóng quân tại căn cứ Hmeymim để chờ hệ thống cáp hãm trên tàu được sửa chữa.

Tàu Kuznetsov dự kiến được thay thế toàn bộ nồi hơi đời cũ bằng mẫu KVG-4 do Nga tự sản xuất với tuổi thọ ước tính trên 25 năm, nhằm tăng mức độ tin cậy của tàu. Tuy nhiên, với quá trình đại tu này, Đô đốc Kuznetsov sẽ không thể rời nhà máy trước năm 2021.

Liêu Ninh (Trung Quốc)

Tàu sân bay Liêu Ninh từng được coi là biểu tượng cho sức mạnh hải quân đang lớn mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nó từng gặp trục trặc nghiêm trọng ở hệ thống truyền động, khiến con tàu tê liệt trong một chuyến thử nghiệm trên biển.

Một bài viết đăng trên mục quân sự của trang Sina hồi tháng 10/2014 cho biết nồi hơi trên tàu Liêu Ninh từng bị rò rỉ, khiến hơi nóng tràn ngập khoang động cơ của tàu và gây chập hệ thống điện. 

Tàu sân bay Liêu Ninh rơi vào tình trạng tê liệt, các thủy thủ trong khoang động cơ được sơ tán khẩn cấp. Các kỹ sư cơ điện đã phải mạo hiểm tính mạng chui vào khoang động cơ để khắc phục sự cố và đưa tàu quay về cảng Đại Liên.

Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là lý do khiến hải quân Trung Quốc chỉ dùng tàu Liêu Ninh cho nhiệm vụ huấn luyện và thử nghiệm trong thời gian nghiên cứu, phát triển mẫu tàu sân bay nội địa hiện đại hơn.

HMAS Canberra (Australia)

Được biên chế từ năm 2014, HMAS Canberra là một trong hai tàu sân bay trực thăng của hải quân Australia. 

5 tàu sân bay gây thất vọng nhất trong biên chế hải quân các nước - 2
HMAS Canberra tới quần đảo Hawaii hồi giữa năm nay. Ảnh: US Navy.

Con tàu từng phải trở về cảng hồi tháng 3/2017 sau khi gặp vấn đề với hệ thống động lực, trong đó có sự cố rò rỉ dầu do khiếm khuyết trong lớp vỏ cách ly động cơ. Các kỹ sư ban đầu ước tính HMAS Canberra chỉ phải nằm cảng 7-10 ngày để khắc phục sự cố, nhưng trên thực tế, con tàu đã phải đắp chiếu suốt nhiều tháng trước khi có thể hoạt động trở lại.

Tàu sân bay trực thăng còn lại của hải quân Australia là HMAS Adelaide cũng gặp sự cố tương tự, khiến giới chức nước này nhận định cả hai chiến hạm đều có chung lỗi thiết kế, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng tác chiến trong tương lai.

Theo Vũ Anh (VnExpress.net)