Thế giới

4 năm sau đảo chính, thủ tướng Thái tìm cách bám trụ quyền lực

Cho dù giữ đúng lời hứa tổ chức bầu cử sau nhiều lần trì hoãn, chính quyền quân sự của Thủ tướng Prayuth vẫn nắm giữ quyền lực lớn để kiểm soát xã hội Thái Lan trong nhiều năm tới.

Khi tướng Prayuth Chan-Ocha nắm quyền kiểm soát Thái Lan trong một cuộc đảo chính quân sự, ông mạnh mẽ chỉ trích các chính trị gia phải chịu trách nhiệm cho căn bệnh của đất nước đồng thời tự nhận mình và các tướng lĩnh dưới trướng là phương thuốc cứu chữa.

Bốn năm sau, khi nhiều vấn đề của đất nước vẫn nhức nhối còn người dân ngày càng mất kiên nhẫn vì các cuộc bầu cử bị trì hoãn, lãnh đạo chính quyền quân sự đưa ra tuyên bố xác nhận mối nghi ngờ của nhiều người về kế hoạch nắm quyền lâu dài của ông bất chấp bầu cử dân sự có diễn ra hay không..

4 năm sau đảo chính, thủ tướng Thái tìm cách bám trụ quyền lực
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha duyệt đội danh dự trong lễ đón tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh, Campuchia, ngày 7/9/2017. Ảnh: AP.

"Tôi không còn là quân nhân nữa. Hiểu chứ? Tôi chỉ là chính khách từng đi lính", thủ tướng 63 tuổi, người từng là tư lệnh lực lượng lục quân, nói với các phóng viên. "Nhưng tôi vẫn có những phẩm chất của một quân nhân", ông nói thêm.

Thái Lan, quốc gia duy nhất trên thế giới nằm dưới quyền điều hành chính thức của quân đội, đang chịu áp lực ngày càng lớn ở cả trong và ngoài nước để trở lại chính quyền dân sự. Thông điệp giờ đã rõ. Dù ở hình thức nào, vị tướng cục cằn này vẫn muốn có chỗ trong chính quyền.

Không thể cản bước

Một khi Prayuth đã muốn ở lại, gần như không gì có thể ngăn cản ông. Có một điều chắc chắn rằng Prayuth vẫn nắm quyền tuyệt đối kể từ cuộc đảo chính năm 2014 và ông hoàn toàn có thể dẹp bỏ cuộc bầu cử lần nữa.

Cho dù Prayuth quyết định giữ đúng thời hạn mới nhất và tổ chức bầu cử trong năm nay, chính quyền quân sự của ông cũng đã cẩn thận soạn thảo chiến lược để đảm bảo quân đội vẫn điều khiển chính trị, xã hội và thậm chí cả kinh tế trong nhiều thập niên tới.

Thái Lan đã phải chịu đựng hơn một thập niên biến động và bất ổn chính trị bao gồm hai vụ đảo chính và nhiều cuộc biểu tình đường phố gây chết người.

Nguyên nhân là cuộc đối đầu giữa nhóm bảo thủ, thân cận hoàng gia, với doanh nhân tỷ phú Thaksin Shinawatra và sau đó là em gái ông Yingluck Shinawatra, những chính trị gia thành công nhờ được lòng dân.

Dòng họ Shinawatra đã thay đổi căn bản chính trị Thái Lan bằng các chính sách dân túy nhằm lôi kéo đa số người nghèo ở các vùng nông thôn của đất nước. Tuy nhiên, thời gian nắm quyền của họ cũng bị phủ bóng bởi các cáo buộc tham nhũng.

Cả Thaksin và Yingluck đều chứng kiến chính quyền của mình bị các cuộc đảo chính lật đổ. Hai người đang sống lưu vong để tránh những vụ xét xử mà họ cho là có động cơ chính trị.

4 năm sau đảo chính, thủ tướng Thái tìm cách bám trụ quyền lực - 1
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã chào tạm biệt những người ủng hộ bà tại Văn phòng Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/5/2014. Bà Yingluck cùng 9 bộ trưởng đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan buộc từ chức. Ảnh: Getty.

Để ngăn chặn "thập kỷ khủng hoảng" tái diễn, chính quyền quân sự đã soạn thảo bản hiến pháp nhằm vô hiệu hóa các đảng phái chính trị, tạo điều kiện thành lập các cơ quan không qua bầu cử và thậm chí cho phép bổ nhiệm thủ tướng. 

Tuần trước, Phó thủ tướng quyền lực Prawit Wongsuwan, cựu chỉ huy quân đội và thành viên chủ chốt của chính phủ, cho biết ông nghĩ rằng Prayuth sẽ dẫn dắt chính phủ kế tiếp nhưng dường như hàm ý rằng thủ tướng không cần chạy đua trong cuộc bầu cử. "Đó phải là tiếng nói của người dân", ông nói.

Ngay cả khi một chính trị gia hay đảng phái truyền thống lên nắm quyền, họ sẽ phải tuân theo chiến lược quốc gia do hội đồng quân sự đề ra trong 20 năm tới. Các nhà phê bình cho rằng điều này sẽ giúp quân đội kiểm soát một loạt chính sách công trong tương lai.

Ngày tàn của dân chủ hay phương sách cuối cùng?

Tại Thái Lan, nơi chính quyền quân sự đã cấm biểu tình và tụ họp chính trị, một số người nhìn nhận tất cả những điều này như ngày tàn của nền dân chủ.

"Tương lai dân chủ của chúng ta đang đi đến bế tắc. Không gian dân chủ bị bịt kín, không gian công cộng cũng đang bị đóng lại. Tôi không biết liệu chúng ta có thể tìm thấy hy vọng trong những năm tới hay không", Naruemon Thabchumpon, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai, phát biểu trong một hội nghị quốc tế.

Trong khi đó, quân đội lại có quan điểm rất khác. Quân đội lập luận rằng họ can thiệp để cứu đất nước khỏi viễn cảnh nội chiến khi sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội bùng phát thành bạo lực đồng thời ngăn cản các chính trị gia tham nhũng làm rạn nứt tiến trình chính trị.

"Sự can thiệp của quân đội là phương sách cuối cùng", Trung tướng Weerachon Sukhontapatipak, phát ngôn viên của chính phủ, trả lời trong cuộc phỏng vấn với AP.

"Có vẻ mâu thuẫn khi nói rằng chúng tôi tiến hành đảo chính để khôi phục dân chủ nhưng đó thực sự là trường hợp ở Thái Lan. Sự can thiệp lần này của quân đội, chúng tôi hy vọng, sẽ là lần cuối cùng", ông nói.

4 năm sau đảo chính, thủ tướng Thái tìm cách bám trụ quyền lực - 2
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (áo trắng) dự lễ tang và lễ hỏa táng hoàng gia của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/10/2017. Ảnh: AP.

Kể từ khi nền quân chủ tuyệt đối chấm dứt vào năm 1932, Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính. Trong thời gian 86 năm này, quân đội đã lèo lái đất nước trong 58 năm.

Các nhà phê bình cho rằng cuộc đảo chính đã dẫn đến sự kìm kẹp mạnh mẽ nhất của quân đội kể từ thời Chiến tranh Lạnh vào những năm 1970.

Chính quyền quân sự tỏ ra đặc biệt hà khắc đối với những người phạm tội khi quân. Những người vi phạm luật cấm phỉ báng hoàng gia hiện bị xét xử tại tòa án quân sự thay vì tòa án dân sự. 

Khoảng 120 người đã bị bắt giữ kể từ cuộc đảo chính năm 2014, trong đó có một cậu bé 14 tuổi, một luật sư nhân quyền đang đối mặt 171 năm tù vì các bình luận trên Facebook và một học giả Phật giáo nghi ngờ sự tồn tại của một trận chiến anh hùng cách đây 400 năm.

Tuy nhiên, trong một xã hội phân hóa như Thái Lan, chính quyền của Prayuth vẫn được lòng một bộ phận dân chúng. Một số người cho rằng chính quyền quân sự đã ngăn chặn "khwaam wun wai" - sự hỗn loạn và xung khắc ăn sâu vào nỗi sợ của người Thái.

Một số cư dân Bangkok nói rằng họ vẫn gặp ác mộng về các cuộc biểu tình chính trị kết thúc bằng đổ máu ngay trước cửa nhà, các tòa nhà bị thiêu cháy và các cửa hàng bị đóng cửa.

Sự quy thuận của người Thái

Lời cam kết mạnh tay chống tham nhũng của chính quyền quân sự ban đầu nhận được một số lời khen ngợi. Tuy nhiên, các vụ bê bối liên tục diễn ra liên quan tới các quan chức chính phủ, bao gồm sở thích đeo đồng hồ đắt tiền và nhẫn kim cương của phó thủ tướng, đã khiến công chúng thêm hoài nghi.

Mặc dù người Thái từng nổi dậy chống lại sự cai trị của quân đội với các cuộc biểu tình đổ máu những năm 1970 và 1990 nhưng nhiều người hiện coi sự kiểm soát của quân đội là bình thường trong khi một số binh sĩ coi đó là quyền của họ.

Theo Paul Chambers, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Naresuan ở miền Bắc Thái Lan, đó là văn hóa chính trị quy thuận, di sản của chủ nghĩa độc tài đã hằn sâu vào tiềm thức người Thái.

Trong lịch sử, tầng lớp thượng lưu truyền thống ở Bangkok, bao gồm quân đội, hoàng gia và các quan chức cấp cao, chỉ cho phép dân chủ tồn tại dưới hình thức "không làm tổn hại lợi ích của họ". "Thái Lan sẽ là một nền dân chủ khiếm khuyết hoặc nền dân chủ bị lật đổ", ông nói.

4 năm sau đảo chính, thủ tướng Thái tìm cách bám trụ quyền lực - 3
Những người biểu tình chống chính phủ vẫy cờ tại Đài tưởng niệm Dân chủ tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/11/2013. Ảnh: Getty.

Sau khi cuộc bầu cử được tổ chức như lời hứa của chính quyền, Thái Lan sẽ bước vào một trong hai hình thái trên.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa quân đội và Vua Maha Vajiralongkorn cũng sẽ sáng tỏ trong tương lai. Kể từ khi vua cha qua đời vào năm 2016 sau 70 năm trị vì, Maha Vajiralongkorn đang có dấu hiệu mở rộng quyền lực hoàng gia, bao gồm một số thay đổi phút chót trong bản thảo hiến pháp của chính quyền quân sự.

Một vấn đề bất ổn khác là những rạn nứt kinh tế và xã hội sâu sắc mà chính quyền quân sự rất ít nỗ lực để hàn gắn. Sự bất bình đẳng kinh tế ở Thái Lan đã trở nên vô cùng tồi tệ so với những nơi khác trên thế giới.

Căng thẳng âm ỉ giữa tầng lớp vô sản và tư sản chỉ bị kìm hãm vì nỗi sợ trước chính quyền quân sự. Sự oán giận của người dân nghèo Thái Lan đối với quân đội và tầng lớp thượng lưu ở Bangkok vẫn luôn âm thầm sôi sục.

Một số nhà phân tích lập luận rằng cho dù quân đội và các lực lượng bảo thủ có cố sức thế nào thì sự cai trị vĩnh viễn của quân đội cũng không thể xảy ra trong bối cảnh toàn cầu hóa tại Thái Lan, nơi sự lan truyền của thông tin trên mạng xã hội đang làm thay đổi đời sống.

Nhà bình luận chính trị Thitinan Pongsudhirak nói rằng lựa chọn tốt nhất trước mắt là chia sẻ quyền lực quân sự-dân sự đồng thời cải cách các thể chế truyền thống nhằm tạo điều kiện cho dân chủ.

"Việc lợi dụng hiến pháp và nắm giữ quyền lực bằng mọi giá sẽ dẫn tới cuộc đối đầu không thể tránh khỏi với lực lượng các đảng phái chính trị và xã hội dân sự", Pongsudhirak nhận định. Theo ông, bất kỳ sự thỏa hiệp nào cũng "sẽ khiến Thái Lan kẹt trong ngõ cụt và lại rơi vào vòng xoáy vô định".

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)