Thế giới

3 cảnh sát Philippines đầu tiên bị kết án trong cuộc chiến ma túy

Lần đầu tiên 3 cảnh sát bị kết án tổng cộng 40 năm tù vì lạm dụng quyền lực trong cuộc chiến chống ma túy đầy bạo lực của Tổng thống Rodrigo Duterte.

Phán quyết được tòa án Philippines công bố hôm 29/11 được xem là chiến thắng hiếm hoi cho hàng nghìn nạn nhân mà gia đình nói họ đã bị đối xử bất công, theo Wall Street Journal. Ba cảnh sát bị kết án tổng cộng 40 năm tù vì giết hại một thiếu niên trong chiến dịch chống ma túy do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng.

Ngoài án phạt tù, 3 cảnh sát phải bồi thường 6.580 USD cho thân nhân thiếu niên Kian Loyd delos Santos, 17 tuổi, bị bắn chết vào tháng 8/2017. Vụ việc được xem là thách thức nghiêm trọng đối với công lý ở Philippines, thúc đẩy phản ứng dữ dội của công chúng chống lại chiến dịch của ông Duterte.

Dưới áp lực công khai và mạnh mẽ, các quan chức chính phủ buộc phải giải tán lực lượng cảnh sát liên quan đến vụ sát hại và tiến hành cuộc điều tra.

"Cháu có bài kiểm tra vào ngày mai"

Các cảnh sát Arnel Oares, Jeremias Pereda và Jerwin Cruz nói rằng Santos đã tấn công khi họ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra chống ma túy tại Caloocan thuộc vùng đô thị Manila. Các cảnh sát nói Santos thiệt mạng trong khi họ bắn trả.

3 cảnh sát Philippines đầu tiên bị kết án trong cuộc chiến ma túy
Người dân Philippines cầu nguyện cho những nạn nhân thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, các bằng chứng tại tòa án cho thấy Santos bị kéo lê qua những con hẻm nhỏ, tối tăm gần nhà của cậu, bị đánh đập trước khi bị bắt quỳ trong một đoạn hẻm đầy rác. Một số nhân chứng nói với truyền thông địa phương rằng câu cuối cùng mà Santos nói với các cảnh sát là “Xin hãy dừng lại, cháu có bài kiểm tra vào ngày mai”.

Kian Loyd delos Santos là một trong 91 người bị bắn chết trong tuần lễ càn quét đẫm máu của cảnh sát Philippines vào tháng 8/2017.

Những người phản đối chiến dịch chống ma túy nói rằng Tổng thống Duterte là nhà lãnh đạo độc đoán, làm suy yếu hệ thống pháp luật của đất nước trong nỗ lực loại bỏ “cái chết trắng” khỏi Philippines nhưng không truy tố các trường hợp lạm dụng quyền lực.

Họ cáo buộc chính phủ đã bỏ tù những người chỉ trích vì những cáo buộc mang động cơ chính trị, đe dọa các nhà báo đã viết về mặt trái của cuộc chiến chống ma túy. Tuy nhiên, phát ngôn viên ông Duterte nói rằng tổng thống tôn trọng pháp luật và các cảnh sát phạm tội sẽ bị truy tố.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói phán quyết của tòa án hôm 29/11 là “chiến thắng của trách nhiệm và công lý”. Họ gọi đó là “lời cảnh báo” cho các cảnh sát Philippines về quyền công dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Hơn 4.000 người thiệt mạng

Neri Colmenares, luật sư về nhân quyền ở Philippines, nói với The Time rằng ông hoan nghênh phán quyết của tòa nhưng đó là kết quả từ sự phẫn nộ của công chúng đối với các hình ảnh lạm dụng bạo lực được quay lại, buộc chính phủ phải truy tố.

“Trường hợp của Santos chỉ là một trong số hàng nghìn sự vụ. Tôi hy vọng rằng công lý sẽ được thực thi với các trường hợp khác”, luật sư Colmenares nói.

Theo cơ quan phòng chống ma túy Philippines, tính đến tháng 7, 45 cảnh sát, 199 cán bộ dân cử và 255 nhân viên chính phủ bị bắt trong cuộc chiến chống ma túy kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức giữa năm 2016. Ngoài ra, hơn 4.000 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch càn quét.

3 cảnh sát Philippines đầu tiên bị kết án trong cuộc chiến ma túy - 1
Cảnh sát Philippines bị cáo buộc lạm quyền và bắt bớ vô tội vạ trong cuộc chiến chống ma túy. Ảnh: BenarNews.

Các nhóm nhân quyền đưa ra con số người chết cao hơn nhiều và nói rằng con số trên không phản ánh đầy đủ toàn bộ câu chuyện đẫm máu phía sau. Hệ thống luật pháp Philippines bị đánh giá chậm chạp, quá tải và thiếu nguồn lực nên có thể mất nhiều năm để truy tố những người lạm quyền, đặc biệt là các quan chức, những người giàu và người có ảnh hưởng chính trị.

Hàng nghìn trường hợp liên quan đến cuộc chiến chống ma túy vẫn chưa được giải quyết, trong đó có vụ bắt doanh nhân Hàn Quốc bị cáo buộc dính líu đến ma túy vào tháng 10/2016.

Các công tố viên nói rằng cảnh sát lợi dụng chiến dịch chống ma túy để đòi tiền chuộc trước khi bắn chết doanh nhân Hàn Quốc trong bãi đỗ xe ở trụ sở cảnh sát. Vụ việc dẫn đến sự vào cuộc của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).

Theo Trung Hiếu (Tri Thức Trực Tuyến)