Thế giới

2 quả tên lửa phòng không 'truy sát' máy bay tàng hình F-117A Mỹ: Phát bắn thần sầu

Việc F-117A bị bắn hạ ở Nam Tư không chỉ khiến liên quân sửng sốt mà còn chôn vùi danh tiếng của dòng máy bay được quảng cáo là có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không.

Sự kiện phòng không Nam Tư bắn hạ máy bay tàng hình F-117A "Ó đêm" Night Hawk chính là một dấu mốc quan trọng trong gần 3 tháng Mỹ và NATO không kích quốc gia Nam Âu này.

Hiện đại quá hóa hại điện

Thực tế, thiết kế của máy bay F-117A không phải là thiết kế hoàn thiện. Ngay từ thiết kế ban đầu của Night Hawk được định hướng là dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm, nhưng để có khả năng tàng hình nó đã phải đánh đổi bằng khả năng chiến đấu trên không của mình.

Hình dáng nhiều góc cạnh để tăng khả năng tàng hình của máy bay không đạt ưu việt về khí động làm F-117A không có khả năng bay siêu thanh, cũng như cơ động trên không.

Để giảm khả năng bị phát hiện vô tuyến, cũng như phù hợp với lớp phủ tàng hình, máy bay không mang radar hàng không, mà sử dụng hệ thống dẫn đường tích hợp quang-ảnh nhiệt, GPS và laser. Chính hậu tố A trong tên gọi F-117A đã minh chứng cho việc giới chức quân sự Mỹ đã buộc phải thay đổi nhiệm vụ của Night Hawk từ tiêm kích đa năng thành cường kích.

Cùng với đó, để có được khả năng tàng hình, máy bay F-117A cũng phải hy sinh nhiều yếu tố kỹ thuật khác. Dù có kích thước không thua kém máy bay F-15C, nhưng do chỉ mang vũ khí trong khoang nên vũ khí tấn công của dòng máy bay tàng hình này rất hạn chế chỉ khoảng 2,3 tấn vũ khí.

2 quả tên lửa phòng không 'truy sát' máy bay tàng hình F-117A Mỹ: Phát bắn thần sầu
Máy bay tàng hình F-117A của Mỹ.

Mặt khác, để giữ khả năng tàng hình khi hoạt động trên không, F-117A không có khả năng kết nối với các máy bay đồng minh trong các nhiệm vụ. Nó giống như một con sói đơn độc và điều này được thấy rõ ràng trong các nhiệm vụ của F-117A trong chiến dịch không kích Nam Tư của liên quân.

Thậm chí, nhiều chuyên gia quân sự coi F-117A là thiết kế thất bại của Mỹ và là di sản còn lại từ chiến tranh Lạnh. Khả năng chiến đấu của Ó đêm đã được thổi phồng với mục đích tạo hợp đồng cho hãng chế tạo Lockheed Martin và các nhà thầu quân sự khác.

Cuộc chiến tại Nam Tư đã làm bộc lộ rõ những yếu điểm của F-117A. Hiệu quả tác chiến thấp, chi phí hoạt động đắt đỏ và các yếu tố kỹ thuật khác đã khiến Ó đêm thất sủng trong mắt giới chức quân sự Mỹ. Có thể thấy rõ, sau chiến dịch không kích Nam Tư năm 1999, F-117A rất hiếm tham gia hoạt động quân sự khác.

Ó đêm bị vặt cổ ở Nam Tư

Trong sự kiện máy bay tàng hình F-117A bị phòng không Nam Tư bắn hạ ngày 27-3-1999 có thể nói công đầu thuộc về lực lượng điệp báo Nam Tư nằm vùng gần các căn cứ của NATO, thông tin về hoạt động của nhóm máy bay tàng hình F-117A đã bị phát hiện và chuyển về trung tâm chỉ huy.

Những thông tin này kết hợp với các trạm trinh sát điện tử thụ động và theo dõi đường bay của máy bay chiến đấu liên quan trên khắp lãnh thổ Nam Tư có thể coi là yếu tố quan trọng giúp vặt cổ Ó đêm F-117A.

Thực tế, trong trận đánh của Lữ đoàn phòng không 250, mà trực tiếp là tiểu đoàn do Trung tá Dani Zoltan chỉ huy, thông tin về khả năng xuất hiện máy bay tàng hình F-117A đã được báo trước.

Đơn vị tên lửa phòng không S-125 Pechora (Việt Nam hay gọi là SAM-3) của Trung tá Dani Zoltan đã đón lõng tại làng Shimanovtsy, gần Thủ đô Belgrad. Chính nhờ có sự chuẩn bị trước, hệ thống radar cảnh giới và chiếu xạ của tổ hợp S-125 Pechora hoạt động trong thời gian rất ngắn, không bị máy bay trinh sát điện tử và AWACS của liên quân phát hiện.

Khi tốp F-117A bay sâu vào trận địa, mục tiêu bị khóa tốt, bằng 2 đạn tên lửa, đơn vị của Trung tá Dani Zoltan đã khiến máy bay tàng hình tối tân của liên quân bị xé nát cùng với danh tiếng của nó trên bầu trời Nam Tư.

Chiếc máy bay F-117A bốc cháy và rơi cách trận địa tên lửa phòng không khoảng 13km.

Thực tế, máy bay F-117A không phải tàng hình hoàn toàn trước radar, vẫn có những nhiễu động được kíp điều khiển ghi nhận và vấn đề là trắc thủ phải phân biệt được tín hiệu của mục tiêu trong nhiễu.

Ở trường hợp chiếc F-117A bị bắn rơi tại Nam Tư nhiều nguồn tin cho rằng, nó bị bắn hạ khi mở khoang vũ khí để ném bom. Hành động này đã tạo ra tín hiệu đủ lớn để kíp điều khiển tên lửa có thể khóa mục tiêu và bắn hạ.

2 quả tên lửa phòng không 'truy sát' máy bay tàng hình F-117A Mỹ: Phát bắn thần sầu - 1
Xác chiếc máy bay tàng hình F-117A Mỹ bị phòng không Nam Tư bắn rơi năm 1999.
2 quả tên lửa phòng không 'truy sát' máy bay tàng hình F-117A Mỹ: Phát bắn thần sầu - 2
Bệ phóng tên lửa Pechora (ngoài cùng bên tay phải) của Nam Tư bắn rơi F-117A Mỹ đã được đưa vào bảo tàng và thu hút rất nhiều khách thăm quan.

Theo những thông tin được công bố, đường bay của F-117A đã bị tình báo Nam Tư phát hiện và theo dõi nhiều ngày trước đó. Các thông tin về thời gian máy bay cất cánh, hướng bay kết hợp với nhiễu động điện tử do "Ó đêm" tạo ra được hệ thống radar trinh sát thụ động Tamara ghi nhận và đánh dấu.

Thành công của trận đánh đêm 27-3 của Nam Tư con đến từ sự chủ quan của liên quân, khi các máy bay F-117A sử dụng cùng một đường bay như đã thực hiện 3 đêm trước đó; tự tin vào khả năng tàng hình của máy bay F-117A trước hệ thống phòng không Nam Tư. Sự chủ quan này đã phải trả giá!

Sau sự kiện trên, các phi vụ của máy bay F-117A chỉ được thực hiện khi có máy bay hộ tống mang tên lửa chống bức xạ HARM và đường bay thay đổi liên tục. Tuy nhiên, hành động trên đã khiến Ó đêm đánh mất vai trò máy bay tấn công tàng hình của mình.

Rõ ràng, việc hạ gục được máy bay F-117A có thể coi là kỳ tích của hệ thống phòng không vốn được đánh giá là lạc hậu của Nam Tư. Nếu Việt Nam có được "Điện Biên Phủ trên không năm 1972" để vít cổ pháo đài bay B-52 chấn động địa cầu, thì Nam Tư dường như đã làm được điều tương tự đối với Mỹ và NATO khi bắn hạ F-117A.

Sự kiện này cũng đặt dấu chấm hết cho danh tiếng và hoạt động quân sự của máy bay tàng hình F-117A Night Hawk.

Theo Tuấn Sơn (Soha/Thời Đại)