Thế giới

2 ngày, 250 người chết ở Syria, UNICEF 'không còn gì để nói'

Ít nhất 250 người đã thiệt mạng ở Syria sau hàng loạt cuộc không kích và nã pháo của các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad ở phía đông Ghouta trong 2 ngày.

Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 20/2 ra một thông báo cụt ngủn rằng: "Không từ ngữ nào có thể lấy lại công lý cho những đứa trẻ đã bị giết, cha mẹ và người thân chúng".

Tiếp theo lời mở đầu trên là 10 dòng trống và một phần ghi chú giải thích.

"UNICEF ra một thông cáo trống. Chúng tôi không còn từ ngữ nào để diễn tả sự khốn khổ của những đứa trẻ và sự tổn thương của chúng tôi".

2 ngày, 250 người chết ở Syria, UNICEF 'không còn gì để nói'
Trẻ em được di chuyển khỏi một khu vực vừa bị không kích hôm 19/2.

Lực lượng thân chính phủ đã liên tục tấn công các vùng do lực lượng nổi dậy chiếm đóng ở đông Ghouta trong ngày 20/2. Số người chết trong vòng 48 giờ, tính từ tối 18/2 đã lên đến ít nhất 250. Trong số người thiệt mạng có 58 trẻ em.

Trong khi đó, Guardian đưa tin gần 200 thường dân đã thiệt mạng. Việc thống kê chính xác số người chết cũng khó khăn đối với các nhóm quan sát vì hoạt động cứu hộ đang diễn ra và một số gia đình đã chôn thân nhân thiệt mạng chứ không đưa đến bệnh viện.

Reuters dẫn lời Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria (trụ sở ở Anh) nói rằng số người thiệt mạng ở Ghouta là con số thiệt mạng trong 48 giờ cao nhất của cuộc xung đột Syria tính từ vụ tấn công hóa học cũng ở đông Ghouta. Đông Ghouta là vùng chiếm giữ lớn nhất còn lại của lực lượng nổi dậy ở gần thủ đô Damascus.

Hiện chưa có phản ứng từ các lực lượng quân sự ở Syria. Chính phủ Syria nói rằng họ chỉ nhắm vào các lực lượng quân sự.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng "những tội ác chiến tranh rõ ràng" đang diễn ra ở đông Ghouta ở "quy mô rất lớn".

2 ngày, 250 người chết ở Syria, UNICEF 'không còn gì để nói' - 1
Cộng đồng quốc tế đang kịch liệt lên án vụ tấn công vào đông Ghouta.

"Người dân không chỉ mắc kẹt trong sự chiếm đóng tàn bạo trong 6 năm qua, giờ họ còn mắc trong những cuộc tấn công hàng ngày đang khiến họ thiệt mạng và mang thương tật. Đó là những tội ác chiến tranh hiển nhiên", Guardian dẫn lời nhà nghiên cứu Diana Semaan của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Hàng loạt vụ không kích, phóng rocket và nã pháo đã làm dấy lên sự lên án từ cộng đồng quốc tế. Pháp, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, miêu tả những cuộc trút bom là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp về nhân đạo quốc tế.

Panos Moumtzis, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc về Syria, ngày 20/2 đã lên án việc đánh bom 5 bệnh viện ở đông Ghouta và nói rằng việc tấn công có chủ ý vào cơ sở y tế có thể cấu thành "tội ác chiến tranh".

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)