Tâm sự

Vợ đòi ly hôn nếu tôi hiến gan cho người thân

Mấy hôm trước vợ tôi tới nhà đề nghị bố mẹ và em gái tự xử lý mọi việc, còn chi phí mình sẽ chi trả.

Tôi 30 tuổi, đã lập gia đình, vợ tôi xinh đẹp, con gái được gần một tuổi, công việc cũng như các mối quan hệ giữa chúng tôi yên ổn. Gần đây tôi hết sức đau đầu về việc vợ không đồng ý để tôi hiến gan cho người thân nhưng không cùng huyết thống. Năm tôi 7 tuổi đã xảy ra biến cố lớn, bố hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, một thời gian sau mẹ cũng bỏ đi. Người nhận nuôi tôi là bạn thơ ấu và đồng đội của bố. Bà đối xử công bằng với tôi như với hai đứa con của mình, nếu sai thì roi không chừa mông đứa nào, còn khi ốm đau bà thuốc thang, lo lắng chẳng khác gì ruột thịt. Chồng bà cũng là một quân nhân xa nhà. Sau này trưởng thành nhớ lại những ngày ấy tôi mới thấy mẹ đã vất vả như thế nào khi nhận nuôi một đứa trẻ không thân thích như tôi.

Vợ đòi ly hôn nếu tôi hiến gan cho người thân

Trà, con gái cả của gia đình và tôi rất thân. Nếu tôi bị bắt nạt nó sẵn sàng lao vào đánh nhau giải cứu, tôi học bài không hiểu nó thức cùng để giảng giải, lúc tôi nhớ bố mẹ nó sẽ làm đủ trò để tôi quên đi. Tuy có lúc cãi vã, thậm chí choảng nhau nhưng tình cảm giữa hai đứa rất tốt. Bọn tôi học cùng suốt 12 năm rồi đều đỗ đại học. Tôi học Kinh tế, sang kỳ II năm thứ nhất bắt đầu kiếm việc làm thêm trang trải cuộc sống vì biết bố mẹ nuôi rất vất vả. Suốt mấy năm học đại học Trà chăm lo cho tôi từ những điều nhỏ nhất, thậm chí có lần tôi bị ốm phải vào viện nó bỏ cả thi đến trông, khi tôi khỏi thì nó bơ phờ như con ma đói. Hai đứa ra trường đi làm, gặp chuyện khó gì tôi cũng kể với Trà, thường thì nó chỉ phân tích sự việc rồi bảo: “Quyết định thế nào là ở cậu, đấy chỉ là ý kiến của mình thôi”. Mấy năm đi làm tôi được bổ nhiệm vị trí tốt hơn, ngoài việc tự cố gắng còn có công Trà quân sư cho mọi mặt. Tuy chăm lo cho tôi là thế nhưng bản thân nó lại làng nhàng trong sự nghiệp dù có năng lực. Tôi góp ý thì nó toàn xua tay: “Mình không có tham vọng, chỉ thích hợp làm phó thường dân. Còn cậu là đàn ông, phải có chí tiến thủ, phải gây dựng nền móng để sau vợ con được nhờ”. Có thể do hoàn cảnh nên tôi gắn bó với nó một cách đặc biệt, bố mẹ nuôi thường bảo chúng tôi giống như sinh đôi, thấu hiểu nhau hơn hẳn những người khác.

Hai năm trước tôi lập gia đình với một cô sinh viên khoa Báo chí mới ra trường. Trong thời gian tôi yêu đương, Trà giữ khoảng cách, nếu hỏi ý kiến thì nó chỉ cười cười bảo cái này không góp ý được. Thời gian đầu vợ tôi ghen với Trà lắm, cô ấy còn bảo chắc chắn là Trà yêu tôi nên chẳng thấy cặp kè với ai. Hễ lúc nào vợ chồng trái quan điểm là cô ấy lại vặc câu quen thuộc: “Hợp anh thì chỉ có bà Trà, sao hồi xưa không lấy quách nhau cho rồi”. Từ lúc yêu tôi đã tỉ mỉ giải thích về “nguồn gốc tình thân” giữa bọn tôi nên về sau vợ có nói vậy tôi cũng không để ý. Về phía Trà, đó là một người có vẻ ngoài vui tính, tháo vát, có gì đó rất hào sảng, hay giúp đỡ người khác. Tuy nhiên trong tâm hồn nó có một góc tĩnh mịch giống như người tu hành, không màng đến chuyện nam nữ từ khi còn trẻ. Sống với nhau từ nhỏ, tôi nhận thấy đó là điều tự nhiên, không phải vì Trà gặp va vấp gì trong đời. Dần dà vợ tôi cũng thay đổi cách nhìn, nhất là từ khi cô ấy sinh Trà đến chăm cháu, thậm chí còn thức đêm bế em bé cho vợ tôi ngủ.

Mấy tháng trước đột nhiên Trà bị chuẩn đoán suy gan cấp tính, sức khỏe nó giảm sút nhanh chóng, bác sĩ nói phải phẫu thuật ghép gan, xét nghiệm ra thì chỉ có tôi và em gái thích hợp. Tôi khỏe mạnh trong khi em gái sinh con thứ hai mới được mấy tháng nên tôi quyết định mình sẽ là người hiến gan. Lúc bàn với vợ, biết phải tách 50% vợ tôi làm ầm lên. Cô ấy còn huy động nội ngoại, bạn bè thay nhau gây áp lực để tôi từ bỏ ý định. Ban đầu tôi cũng khuyên giải, còn nhờ cả bác sĩ tư vấn về sự an toàn nhưng vợ gạt hết đi bởi nếu có mệnh hệ gì thì ai lo cho con cái. Theo ý của cô ấy thì người nhà của Trà phải có trách nhiệm trước. Tôi mềm mỏng bảo với vợ rằng mình cũng là người nhà, vợ tôi bù lu bù loa rằng nếu giả là vợ con thì chưa chắc tôi đã tốt như vậy.

Suốt mấy tuần nay tôi như bị khủng bố, đi làm cô ấy cũng gọi điện, về nhà từ bữa cơm tới lúc lên giường đều nghe cô ấy phân tích được mất, thậm chí vừa mở mắt đã thấy cô ấy ngồi lù lù đầu giường: “Em bảo này, anh phải nghe em …”. Tôi nghĩ mình chưa phải nhà tâm lý nhưng những lời có lý có tình nhất tôi đều cân nhắc trao đổi cho vợ nghe. Đỉnh điểm là mấy hôm trước vợ tôi tới nhà đề nghị bố mẹ và em gái tự xử lý mọi việc, còn chi phí mình sẽ chi trả. Tôi chỉ biết việc này qua em gái, em ấy nói một câu mà tôi thấy xấu hổ vô cùng: “Anh đừng nghĩ nhiều, anh thế nào cả nhà mình đều hiểu, còn em hợp với chị ấy không phải cũng rất may hay sao”. Bố mẹ chẳng trách cứ gì, còn bảo vợ tôi lo là đúng, rồi phân tích động viên để tôi yên tâm. Vì lẽ đó mà hai vợ chồng tôi cãi nhau một trận to nhất kể từ khi kết hôn, cô ấy còn bảo sẽ ly hôn nếu tôi làm theo ý mình và bế con về nhà ngoại.

Hôm qua tôi vào thăm Trà, trông dung mạo nó chỉ còn được 3-4 phần song tinh thần vẫn vui vẻ. Biết tôi đang buồn phiền nó còn an ủi: “Tu trăm năm mới ngồi cùng thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối, đừng vì trăm năm mà hỏng nghìn năm. Mình biết cậu sẵn lòng vì mình là được rồi”. Nó cố nói chuyện với tôi cho tới khi mệt quá thiu thiu ngủ. Thương Trà, nhớ lại bao nhiêu chuyện trước kia gia đình đã làm vì mình, một người đàn ông chưa từng khóc như tôi phải chảy nước mắt. Còn vợ tôi, hy vọng sau này cô ấy sẽ hiểu được những gì tôi làm hôm nay, lòng bàn tay hay mu bàn tay đều là thịt, đã là người một nhà sao tôi có thể tính toán được mất.

Theo Phong (VnExpress.net)