Tâm sự

Tôi hay cáu gắt và không có nhiều nhu cầu gần gũi chồng

Tôi chỉ muốn vợ chồng quan tâm, yêu thương nhau, còn việc sinh hoạt tình dục tôi không đề cao.

Tôi 25 tuổi, lập gia đình được gần 2 năm, con tôi một tuổi. Sau sinh, tôi cảm thấy mình thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý cũng như sức khỏe. Khi có bầu, vì nghén nặng quá không ăn uống được và nôn nhiều, sức khỏe yếu nên tôi nghỉ làm, ở nhà luôn. Lúc con được 8 tháng tuổi, tôi xin vào một công ty nước ngoài với mức lương hơn 600 USD/tháng. Vì khi ở nhà tôi vẫn tự học tiếng Anh, tìm hiểu tin tức và làm việc hỗ trợ chồng nên tôi xin việc trở lại cũng không quá khó khăn. Có điều từ khi đi làm trở lại, tôi hay lo nghĩ quá nhiều.

Tôi trở nên nhạy cảm hơn, lúc nào cũng lo lắng về con. Tôi bị ám ảnh bởi các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho con mình. Dù có người giúp việc nhưng tôi chưa bao giờ thấy yên tâm. Tôi sợ hãi về các bệnh mà mình biết được, tìm hiểu sâu về tất cả rồi lại lo lắng. Nếu đọc trên báo hay mạng xã hội, thấy có người cần giúp đỡ hoặc có vấn đề về sức khỏe, tôi rất thương, nhiều khi còn rơm rớm nước mắt và lập tức chuyển khoản ủng hộ cho họ (trước đây tôi cũng hay từ thiện khi có thể). Sau đó tôi lại lo lắng không biết sau này mình và gia đình sẽ thế nào, rồi lại suy nghĩ mông lung và mệt mỏi vì những suy nghĩ đó.

Sau khi sinh con, tôi không còn nhiều nhu cầu tình dục, một lần/tuần là được. Cả hai vợ chồng đều bận rộn nên cũng không có nhiều thời gian dành cho nhau. Chồng tôi là người chồng tốt, tâm lý, chu đáo và có trách nhiệm. Tôi chỉ muốn hai vợ chồng quan tâm, yêu thương nhau, còn việc sinh hoạt kia tôi không đề cao. Tôi không hiểu sao lại vậy. Chúng tôi độc lập về tài chính, nhưng những khoản chi tiêu lớn trong gia đình chồng tôi sẽ lo.

Tôi hay cáu gắt và không có nhiều nhu cầu gần gũi chồng

Chồng tôi quá bận vì có công ty riêng, về nhà mà vẫn lo nghĩ công việc. Khi có thời gian, hai vợ chồng chơi cùng con, lúc đó mọi vất vả đều tan biến. Nhưng tôi thấy hơi chạnh lòng vì chồng không dành thời gian cho mình. Ngoài công việc của mình, tôi giúp đỡ chồng nhiều việc như liên hệ đàm phán, làm việc với đối tác nước ngoài, kiểm tra chứng từ xuất nhập cùng hợp đồng kinh tế... Hiện tại anh muốn tôi về làm cùng, nhưng tôi vẫn băn khoăn. Tôi không muốn hai vợ chồng làm cùng công ty, tình cảm và công việc khó phân minh. Hơn nữa tôi cũng không muốn mang tiếng dựa dẫm chồng. Tôi chưa biết quyết định thế nào? Giờ không làm cùng nhau tình cảm đã nhạt, chúng tôi chỉ nói chuyện công việc, ít tâm sự chuyện khác. Nếu mà làm cùng thì không biết sẽ thế nào nữa.

Về sức khỏe, tôi đang bị nang nước tuyến giáp. Ngoài ra, sau khi có kinh trở lại, tôi có hiện tượng khó chịu, ngứa trước khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Tôi còn bị bọc sữa vì từng tắc tia sữa. Tôi đang lên kế hoạch đi khám nhưng lại vô cùng lo lắng, sợ hãi dù biết phải đi khám mới tốt. Sau sinh tôi rất hay cáu gắt, khó chịu. Tôi phải làm sao để thoát khỏi sự lo lắng, sợ hãi và vui vẻ trở lại? Rất mong chuyên gia Trần Kim Xuân và độc giả tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn.

Thắm

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Xuân gợi ý:

Thắm thân mến,

Trước tiên, bạn nên thu xếp thời gian đến bệnh viện để khám và điều trị càng sớm càng tốt. Khi cơ thể không khỏe mạnh, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ, tinh thần.

Thứ hai, những biểu hiện lo lắng thái quá cho con, bị ám ảnh bởi các nguy cơ có thể xảy ra với con, sợ hãi, hay cáu gắt, khó chịu là những biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh. Chính căn bệnh này đã khiến bạn suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tiêu cực, nghĩ nhiều đến mức rối lên và luôn không tìm ra lối thoát hoặc cách giải quyết tốt nhất. Từ đó bạn sẽ càng rơi vào trạng thái chán nản, thậm chí tuyệt vọng nếu bị nặng. Bây giờ bạn vẫn còn ý thức được mọi chuyện, muốn thoát khỏi cảm giác ấy và chưa có ý muốn tự tử, tức là bệnh còn chưa quá nặng. Hãy chia sẻ với chồng và nhờ chồng đưa bạn đi khám. Trong trường hợp chồng có lý do không thể đưa bạn đi được, hãy nhờ chị em hoặc bạn gái thân thiết đi cùng mình, sau đó về truyền đạt lại tình trạng bệnh và những dặn dò của bác sĩ cho chồng, để anh ấy hiểu và giúp bạn vượt qua bệnh tật. Ở đây, vai trò của người chồng rất quan trọng, vì anh ấy ở cùng bạn hằng ngày và có tác động rất lớn đến suy nghĩ, cảm xúc của bạn.

Có thể trong đầu bạn đang cho rằng chồng sẽ không giúp mình, không lo lắng cho mình và bạn muốn âm thầm làm một mình, suy nghĩ đó chính là đang bị ảnh hưởng bởi bệnh. Vậy nên, bạn hãy làm ngược lại với nó, cố gắng chia sẻ hết với chồng. Một người có trách nhiệm, tâm lý và chu đáo như chồng bạn, chắc chắn sẽ không bỏ rơi bạn trong lúc khó khăn này.

Sau khi sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn đã ổn, những chuyện khác cũng sẽ theo đó mà được cải thiện. Chẳng hạn như cảm thấy chồng không quan tâm, yêu thương; lo lắng, sợ hãi thái quá khi chăm sóc con; không có ham muốn quan hệ; không có chuyện để nói cùng chồng,...

Còn vấn đề công việc. Nếu đủ thời gian và sức khỏe đảm bảo, bạn có thể duy trì công việc như hiện tại. Tức là bạn vẫn đi làm công ty bên ngoài cho thoải mái, đồng thời hỗ trợ công việc cho chồng. Hãy tâm sự để chồng hiểu suy nghĩ của bạn và biết thông cảm, tôn trọng. Nếu có ngày công ty của chồng lớn mạnh, bận rộn, bạn có thể suy nghĩ đến việc về làm cùng chồng. Bạn hãy nhớ, sau khi sức khỏe ổn định, bạn đã kiểm soát được suy nghĩ, cộng thêm thời gian trôi qua, bạn sẽ có suy nghĩ khác với hiện tại. Bạn chỉ có thể chăm sóc chồng và con được tốt nhất khi khỏe mạnh.

Chúc bạn mạnh mẽ vượt qua bệnh tật.

Theo VnExpress.net