Tâm sự

Tôi đau khổ vì cách đối xử của nhà chồng tương lai

Nhìn vào hoàn cảnh 2 bên khác nhau, tôi thương anh, thương cái nghèo của anh và thương cho tính cách con người anh. 

 

Nhìn vào hoàn cảnh 2 bên khác nhau, tôi thương anh, thương cái nghèo của anh và thương cho tính cách con người anh. 

toi-dau-kho-vi-cach-doi-xu-cua-nha-chong-tuong-lai

Ảnh minh họa

Nhà anh làm nghề nông, có lẽ vì nghèo khó nên con cái không được học hành đầy đủ dẫn đến nhiều khiếm khuyết nhận thức trong cuộc sống. Riêng anh đã nỗ lực tự vươn lên để có công việc ổn định như giờ. Anh là người học cao nhất trong gia đình nên mọi người đặt kỳ vọng rất nhiều trong việc chăm sóc cha mẹ ở quê. Các chị gái của anh, một người mở xưởng gia công nhưng làm ăn thất bại phải bán nhà trả nợ, một người có chồng suốt ngày nhậu nhẹt nợ nần, cá độ bóng đá, dính líu đến xã hội đen, người còn lại tinh thần không được ổn định vì tính đồng bóng, 2 đứa em trai của anh cũng chỉ "trôi dạt" từng đồng bạc lẻ. Nhà tôi tuy không giàu nhưng cha mẹ đều cho con cái học hành đến nơi đến chốn, giờ mỗi đứa có công việc riêng.

Nhìn vào hoàn cảnh 2 bên khác nhau, tôi thương anh, thương cái nghèo của anh và thương cho tính cách con người anh. Đôi khi tôi tự hỏi, anh hiền lành, bao dung, nhẹ nhàng, quan tâm, chăm sóc nhiều người đến thế nhưng sao gia đình lại khác xa anh như vậy? Gia đình anh rất sùng đạo Phật, an chay trường nhưng người chị của anh lại dùng những thuật đồng bóng cõi âm phán xét người khác, chữa bệnh bằng cách la lối, đánh vào người, thế mà cả gia đình đều ngồi xếp bằng để nghe và tin, thậm chí còn thỉnh những lọ thủy tinh chứa hạt Xá Lợi về thờ, cất giữ như báu vật. Các chị anh chê tôi không biết cách ứng xử, mỗi lần qua nhà là ngồi im như cục bột không chịu chơi với các cháu, chê tôi không biết cách mặc đồ.

Chưa bao giờ có một ai nói về cách tôi ăn mặc, đôi khi tôi tự hỏi mình là gái Sài Gòn hay gái quê đến Sài Gòn? Tôi bình dị, không son phấn, không đeo vàng, không sơn móng tay, móng chân như họ, vậy mà tôi bị đánh giá quê mùa. Khi lần đầu tiên anh chở tôi qua chơi, một người chị của anh nói rằng: "Cậu ở chơi với cháu vài năm nữa chứ đừng lấy vợ sớm quá", thậm chí ngày 20/10 anh tặng tôi hoa cũng bị các chị ấy bình luận trên trang cá nhân: "Người con trai ấy đã quên mẹ và các chị gái rồi". Tôi rất sốc và rất giận, hỏi anh thì anh chỉ nhẹ nhàng nói các chị giỡn thôi nhưng tôi cảm nhận được không đơn thuần chỉ là lời nói và cách giỡn. Ngay từ đầu, khi hai đứa bên nhau, tôi đã cảm nhận được sẽ thật sự không dễ dàng cho tôi đối với gia đình anh, rất nhiều lần chúng tôi khóc trong nước mắt mà nguyên nhân chỉ toàn gia đình anh gây nên.

Ngày tôi bỏ đi, anh cứ thế ngồi ở phi trường khóc trong đau đớn, bỏ cơm trưa, chạy giữa trời nắng từ quận Nhất về phi trường chỉ để tìm tôi, nhìn thấy anh và giọt nước mắt của anh, tôi hiểu rằng tình yêu của chúng tôi không phải là trẻ con, nó chứa đựng sự sắt son, mặn nồng. Anh ôm tôi, nắm chặt tay và khóc. Hai chữ duyên nợ không ai chắc chắn được cho đến khi là vợ chồng nhưng cứ thế này, làm sao tôi có thể sống được với gia đình anh? Anh rất có hiếu với cha mẹ ở quê, tôi biết rõ anh là kỳ vọng duy nhất của tất cả các chị em nhà anh. Mặc dù cha mẹ ở quê không bao giờ đòi hỏi con cái phải mua bất cứ thứ gì nhưng phận làm con, đạo hiếu là lẽ đương nhiên. Họ mặc định, xem anh là người nhiều tiền nhất và muốn anh phải đưa tiền về quê để chăm lo, cứ như sợ quen tôi sẽ không còn đủ tiền lo cho cha mẹ ở quê. Cao trào sự suy nghĩ ấy là việc họ muốn mua xe cho mẹ anh.

Nhà anh đông, mỗi người góp một ít, anh rất sẵn lòng, một mình anh đưa 8 triệu đồng, sau đó người chị cả của anh nhắn tin kêu anh đưa thêm 6 triệu đồng nữa và không quên kèm những lời nói về chữ hiếu. Anh không đủ khả năng đưa nên nhắn tin từ chối, thế là bị giận. Sau này hỏi ra mới biết chiếc xe tay ga cũ ấy chỉ khoảng 11-12 triệu đồng mà thôi. Mặc dù biết rằng tiền của anh gửi đi, các chị gái anh cũng không ăn một đồng nhưng cách làm của họ đang lợi dụng chữ hiếu để đè lên vai anh. Sau này khi các chị ấy nhận ra việc khó kêu anh góp tiền nữa thì họ gọi điện về quê cho mẹ anh nói rằng chính tôi đã dạy anh lối sống keo kiệt, bủn xỉn, rằng anh bị tôi cấm không cho đi chơi với bạn bè rồi chửi tôi: "Thà lấy một ông chồng không biết làm gì còn hơn lấy phải một con đàn bà không ra gì".

Những lời lẽ miệt thị, cay độc của các chị gái anh mà tôi nghĩ với sự tu hành lẽ ra phải tạo đức thay vì nói ra những điều ghê sợ ấy. Tôi yêu anh nên phải chịu nhiều nghiệt ngã chỉ vì không làm hài lòng được các chị ấy, vạn lần tôi muốn chia tay nhưng sao ân tình cứ còn, không dứt ra được. Hai đứa cứ cãi nhau rồi khóc và giờ sức khỏe của cả hai đều yếu đi vì tinh thần không còn được vui vẻ. Gần đây, mỗi khi có chuyện buồn giữa tôi và anh thì anh hay lên cơn đau tim bất chợt nên tôi rất sợ. Còn gia đình anh thì vẫn sống dửng dưng ở Sài Gòn dù miệng nói nhà người nào cũng nghèo, không có tiền, nhưng mỗi khi về quê là tay, cổ đều đeo vàng. Tôi không dám kể lấy một lời cho cha mẹ vì nếu gia đình biết chắc chắn sẽ không cho tôi quen anh nữa.

Tôi chấp nhận chia tay vì chỉ khi rời đi anh mới giảm bớt được gánh nặng và mâu thuẫn giữa họ sẽ dần xóa mờ, mặc dù hai đứa đến với nhau đều có bổn phận lo cho nhau chứ không phải anh quen con nhà có tiền thì phải cung phụng cho tôi như lời các chị anh nói. Sau tất cả những chuyện xảy ra, tình chị em không còn như trước. Từng đêm, chúng tôi ôm nhau khóc và tôi cảm thấy sự khổ tâm không dứt ra được. Phải chi gia đình anh hiểu thì chúng tôi không cùng đường thế này. Thương anh là thế, yêu anh là thế nhưng giờ ai có hỏi chuyện chúng tôi khi nào đám cưới thì quả thật tôi chỉ có thể im lặng, nặng trĩu nuốt nước mắt vào trong mặc dù cả hai gần 30 tuổi rồi. Với gia đình chồng tương lai như vậy, nếu lỡ kết sui gia với gia đình tôi thì cha mẹ tôi thật sự sẽ chỉ có khóc vì thương con, thương cháu. Tôi phải làm sao với một gia đình chồng tương lai như thế?

Theo Mỹ (Ngoisao.net)