Tâm sự

Mắc bệnh đông máu, gia đình chồng vẫn ép phẫu thuật để có con

Tôi bị bệnh đông máu từ nhỏ. Lấy chồng 3 năm thì phát hiện thêm vòi trứng xoắn. Gia đình chồng ép tôi đi làm phẫu thuật để gỡ vòi trứng, nhưng nếu làm phẫu thuật, tôi chỉ sợ sẽ không gặp lại người thân của mình.

Tôi bị bệnh đông máu từ nhỏ. Lấy chồng 3 năm thì phát hiện thêm vòi trứng xoắn. Gia đình chồng ép tôi đi làm phẫu thuật để gỡ vòi trứng, nhưng nếu làm phẫu thuật, tôi chỉ sợ sẽ không gặp lại người thân của mình.

Học hết lớp 12, tôi lên Hà Nội để bán hàng cho nhà chú ruột. Sau đó, tôi quen và kết hôn với anh.

Sau khi kết hôn, tôi không hề đi khám và làm bất cứ xét nghiệm nào, vì thế tôi cứ chờ đứa con về với mình. Nhưng chờ suốt 3 năm, tôi vẫn không thể mang bầu.

Gia đình chồng tôi sốt ruột vì chồng tôi là con cả nên nói ra nói vào khiến anh buồn chán mà sinh rượu chè. Mỗi lần rượu chè, anh lại chửi bới, sỉ vả tôi rất nhiều.

Sau đó, nghe lời người thân, tôi đi khám bệnh. Các bác sĩ phát hiện tôi bị vòi trứng xoắn. Bệnh này, phẫu thuật không hề phức tạp đối với người bình thường nhưng với tôi thì khó khăn hơn. Nếu ca phẫu thuật không thành công, tính mạng của tôi sẽ bị đe dọa. Trong khi đó, tỉ lệ thành công của tôi chỉ 50/50.

Vì thế, tôi rất lo. Bố tôi chỉ có một mình tôi. Nếu tôi thành công, bố tôi có thể có thêm cháu, gia đình chồng sẽ không gây áp lực với chồng tôi và chúng tôi sẽ sống vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, nếu không thành công, bố tôi sẽ mất đi đứa con duy nhất của mình. Ông sẽ sống trong đau khổ và buồn tủi suốt phần đời còn lại. Còn gia đình chồng, họ chỉ buồn một thời gian, sau đó, có thể, chồng tôi lấy vợ mới, họ sẽ lãng quên tôi.

bệnh đông máu, phẫu thuật, sinh con, hiếm muộn, vợ chồng, bố mẹ,
Ảnh minh họa

Gia đình chồng tôi, nhất là bố mẹ chồng, khi thấy tôi lưỡng lự thì ra sức động viên và có phần ép tôi phải làm phẫu thuật để ông bà có cháu và chồng tôi có con nối dõi sau này.

Họ phân tích cho tôi rất nhiều. Nào là, phận đàn bà, không có con thì cuộc sống sau này trở nên vô nghĩa, chồng tôi sẽ vì khát con mà thay lòng đổi dạ, rồi còn gia đình chồng, còn trách nhiệm nối dõi tông đường, trách nhiệm với tổ tiên ...

Sau đó, họ tự đi liên hệ và tìm bệnh viện để sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật của tôi.

Trước những động thái đó, tôi cảm thấy rất áp lực. Vì thế, tôi đã gật đầu để đi làm các xét nghiệm cần thiết và sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật.

Tuy nhiên, trước khi đến bệnh viện tôi tìm về quê với bố và nói cho bố biết ý định của mình. Bố tôi nghe xong, không nói gì nhưng nước mắt ông chảy ra. Tôi nhìn thấy mà vô cùng đau đớn. Bởi đây là lần đầu tiên, tôi nhìn thấy ông khóc.

Ngày mẹ tôi mất, tôi biết ông đau lòng nhưng tuyệt nhiên, ông không khóc trước mặt tôi. Đến khi lớn lên, tôi có hỏi bố, nhưng bố tôi bảo, bố cần mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho tôi.

Còn bây giờ, vừa chảy nước mắt, bố tôi vừa bảo, bố không thể kìm lòng... Sau đó, bố tôi cứ ngồi lặng lẽ, khiến nước mắt tôi cũng trào ra.

Tôi biết, bố tôi đang sợ, và tôi cũng đang vô cùng sợ. Tôi chỉ sợ, cuộc phẫu thuật của tôi không thành công, tôi sẽ vĩnh viễn không được gặp bố nữa. Và vĩnh viễn, bố tôi sẽ mất tôi. Như thế, cuộc đời còn lại của bố sẽ lủi thủi một mình. Rồi khi ốm đau, ai sẽ là người chăm sóc bố? ai sẽ là người cơm nước, giặt giũ và là người động viên an ủi bố ...

Chỉ nghĩ đến vậy thôi, tự nhiên tôi muốn dừng cuộc phẫu thuật. Tôi không muốn, vì chiều lòng người khác và thỏa ước mong của mình mà tôi khiến bố phải sợ hãi và đau lòng.

Tôi sẽ dừng lại tất cả, nhường lại cơ hội và trách nhiệm cho một người đàn bà nào đó có thể thay thế tôi với gia đình chồng. Còn tôi, tôi sẽ về với bố...

Theo Hoang@.... (VietNamNet)