Tâm sự

Khổ suốt cả đời vì không được cha mẹ yêu thương

Ví dụ tôi chưa quét dọn nhà hay chưa kịp nấu cơm vì mải chơi thì mẹ chì chiết: Kể cả mày ăn gì thì tao cũng phải đi hót về mới có cho mày ăn chứ. 

Ví dụ tôi chưa quét dọn nhà hay chưa kịp nấu cơm vì mải chơi thì mẹ chì chiết: Kể cả mày ăn gì thì tao cũng phải đi hót về mới có cho mày ăn chứ. 
 
Image result for Khổ suốt cả đời vì không được cha mẹ yêu thương

Mặc dù cuộc hôn nhân của tôi cũng gặp nhiều sóng gió, không ít nỗi buồn, song những tháng ngày đau khổ nhất cuộc đời tôi lại là những ngày sống cùng với mẹ cha. Khoảng vào năm học cấp 2, không ít lần tôi có ý định tự tử vì hầu như không có một chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống, đó là những tháng năm của thời bao cấp. Bố tôi là người nóng tính ở mức độ đặc biệt. Khi cáu giận vợ con ông hất tung mâm cơm cả nhà đang ăn và không ít lần ông đánh vợ mà vẫn còn để lại nỗi ám ảnh trong đầu óc tôi. Có lần mẹ tôi đang ngồi se len (làm thêm buổi tối), bà có nói bóng gió chuyện ông trai gái bên ngoài thì ông rút hòn gạch gần đó nện vào đầu bà chảy máu loang lổ, cũng không đưa vợ đến bệnh viện kiểm tra. Các con thì sợ dúm hết lại, không ai dám lên tiếng, còn mẹ tôi vớ chiếc khăn len quấn lên đầu thấm đầy máu. Khi ai làm gì trái ý là ông chửi rủa, đay nghiến suốt cả đêm, thậm chí trong cơn cáu ông còn dọa đốt nhà khiến tôi thật sự sợ. 

Bố tôi không phải người nát rượu, ông là một nghệ sĩ – cán bộ nhà nước, được khối cô mê. Mẹ làm công nhân nhà máy, gia đình tôi sống ở thị xã. Trong gia đình có 3 người con gái, bố chỉ tôn thờ một người duy nhất là chị cả, sau này chị cũng đi theo con đường nghệ thuật giống ông. Tôi là người bị cả bố và mẹ ghét một cách rất rõ ràng. Trước mặt tôi, khi cãi nhau với mẹ, không ít lần bố đay nghiến: Chắc gì nó đã là con tôi (nó ở đây là tôi). Sau này lớn lên, đã có lúc tôi định đi kiểm tra ADN vì câu nói đó của ông. Nếu ông không phải là bố tôi, tôi sẽ thở phào nhẹ nhõm vì bố mình không phải là người tàn ác với vợ con.

Trong cuộc sống, tôi luôn phải đấu tranh với những hạn chế của mình mà biết rất rõ những điều đó mang tính di truyền từ mẹ cha. Có lần bố chì chiết mẹ: Như người ta sáng dậy thì chải tóc, tết tóc cho con đằng này thì... Mãi tới khi đó tôi mới biết quyền lợi tình cảm mà lẽ ra tôi được hưởng từ người mẹ là được mẹ tết tóc. Cả bố và mẹ tôi đều cục tính, Có lúc bà mắng chửi con cũng tơi bời không kém bố. Khi tôi mắc lỗi gì như là chưa quét dọn nhà hay chưa kịp nấu cơm vì mải chơi thì mẹ chì chiết: Kể cả mày ăn gì thì tao cũng phải đi hót về mới có cái cho mày ăn chứ.

Xưng hô với con cái của bố mẹ tôi chỉ là "mày tao". Tôi có một cái lỗi là không học giỏi bằng hai người chị em gái còn lại trong nhà, tuy nhiên tôi cũng học khá giỏi trong lớp. Tôi còn một cái lỗi nữa là không hợp với bố mẹ nên trong gia đình tôi luôn phải là đứa ngu dốt nhất trong mắt bố mẹ. Cả bố và mẹ không ít lần tuyệt vọng về tôi: Vô phúc mới đẻ ra mày. 

Thấm thía nỗi cay đắng của tuổi thơ, tôi luôn kiên quyết đấu tranh với bản thân rằng mình không thể giống bố mẹ, nếu tôi giống bố mẹ tôi thì cuộc sống chỉ còn là sự đày đọa. Tôi biết chẳng có lời khuyên nào phù hợp với hoàn cảnh của mình, chỉ muốn chia sẻ với các ông bố bà mẹ câu chuyện để đừng đứa trẻ nào phải khổ như tôi. Mỗi khi thấy có bà mẹ "khoe" rằng đánh con vì tội nó không được điểm 9, 10 hoặc con ăn không đủ 4 nhóm dinh dưỡng mà lòng tôi lại thấy phẫn uất. Tôi thấy thương cho những đứa trẻ sau này khi lớn lên phải trả nợ nghĩa vụ với cha mẹ già, còn về tình cảm thì chắc chúng không yêu được người đã cắn xé, đay nghiến mình suốt một thời thơ ấu. Khi nó không yêu được cha mẹ thì đấy cũng là một nỗi khổ rồi, cộng với những ám ảnh tuổi thơ nghĩa là khổ suốt cả cuộc đời.

Theo Hải (VnExpress.net)