Tâm sự

Đi nhậu với đồng nghiệp 1 buổi, cuộc điện thoại của mẹ vợ làm tôi nhục nhã, bẽ bàng

Chấp nhận ở rể vì nhà vợ neo người, cần có người đàn ông trong nhà. Tôi không ngờ phải sống cuộc sống nhục nhã đến mức này.

Tôi năm nay 32 tuổi. Tôi là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp. Tôi quen Hương- vợ tôi ở chỗ làm. Hương là con nhà khá giả ở thành phố. Thấy Hương xinh xắn, trẻ trung lại dễ gần, tôi nghe lời mấy anh em cùng phòng, thử tán tỉnh, tìm hiểu Hương xem sao.

Đi nhậu với đồng nghiệp 1 buổi, cuộc điện thoại của mẹ vợ làm tôi nhục nhã, bẽ bàng
Hình minh họa

Sau khi nói chuyện, thấy khá hợp nhau, tôi đánh liều tỏ tình với nàng và được nàng chấp nhận. Yêu Hương rồi, các anh em cùng phòng trêu tôi “vớ được mỏ vàng” vì nhà Hương khá giả, có 2 mảnh đất ở trung tâm thành phố Hà Nội nhưng bố mẹ Hương lại sinh 2 con gái, dưới Hương còn 1 em gái kém 8 tuổi đang học đại học. Tôi chỉ cười và gạt đi vì vốn chẳng thằng đàn ông nào thích ở rể hay xơ múi gì từ nhà vợ. Hẹn hò được 2 năm, Hương nhiều lần hối thúc tôi tổ chức đám cưới.

Thấy cả hai cũng không còn trẻ, hơn nữa tôi yêu Hương thật lòng nên tôi quyết định cưới nàng làm vợ. Chưa đủ điều kiện để mua một ngôi nhà ở thành phố nên tôi quyết định sẽ cùng Hương đi ở nhà thuê nhưng Hương không chịu. Hương nói nhà cô ấy chỉ có 2 chị em, bố cô ấy bị bệnh mấy năm nay nên Hương muốn tôi về ở rể. “Bố em bệnh tật, nhà chỉ có 3 người đàn bà nên rất cần có đàn ông trong nhà. Hơn nữa, mình ở cùng bố mẹ em, đến lúc có con, tiện nhờ ông bà chăm con hộ không tốt hay sao”, Hương nài nỉ.

Thông cảm với hoàn cảnh nhà vợ, tôi đành dọn đến nhà vợ ở rể sau đám cưới dù phải nghe không ít lời rèm pha, bình luận không hay. Phận ở rể, tôi đã cố gắng giữ ý hết mức nhưng do nhà đông người, mỗi người một ý nên nhiều lúc cũng không thoải mái.

Mẹ vợ tôi thời gian đầu cũng khá giữ ý trong lời ăn tiếng nói với con rể nhưng được một thời gian, bà cũng mắng tôi xa xả chẳng khác gì con trai bà. Thấy tôi không chịu dọn dẹp nhà cửa, bà mắng tôi ở bẩn, luộm thuộm. Thấy tôi kỹ tính, không chịu ăn đồ ăn thừa từ hôm trước, bà mắng tôi không biết tiết kiệm, kén chọn.

Trong khi mỗi lần bố vợ tôi cảm thấy khó chịu, tôi đều sốt sắng đưa bố vào bệnh viện, lo liệu các thủ tục từ A-Z rồi thức đêm chăm bố mấy đêm ròng thì chẳng ai biết đấy là đâu.

Mẹ vợ tôi ở nhà chủ yếu lo nội trợ kiêm luôn cả việc quản lý các thành viên trong gia đình. Tôi làm nhân viên kinh doanh nên thường xuyên phải đi gặp gỡ các khách hàng ngoài giờ làm. Thấy tôi thỉnh thoảng phải đi ra ngoài uống rượu tiếp khách, vợ tôi khó chịu ra mặt. Em mách chuyện này với mẹ vợ và mẹ vợ cũng mắng tôi nhiều lần.

Mới đầu, tôi cố gắng nhịn, thanh minh rằng tôi phải đi tiếp khách vì lý do công việc, theo chỉ định của cấp trên chứ bản thân cũng không ham hố gì chuyện rượu chè.

Hôm đó là sinh nhật sếp tôi, sếp mời cả công ty đi ăn uống một bữa linh đình ở nhà hàng. Tôi đã nhắn tin báo với vợ sẽ không ăn cơm nhà thì không thấy vợ nhắn lại. Đến khoảng 10 giờ, chúng tôi vẫn đang say sưa ở quán karaoke thì vợ tôi gọi điện nhắn tin ép tôi phải về nhà. Tôi nhắn lại rằng tôi vẫn đang ở quán với anh em, đồng nghiệp, 1 lát nữa sẽ về thì cô ấy không chịu, liên tục “khủng bố” điện thoại, khiến tôi khó chịu, phải tắt máy.

Tưởng đã “êm” ai ngờ, chỉ 1 lúc sau, mẹ vợ gọi điện mắng cả trưởng phòng, cả sếp tôi vì đã rủ rê tôi đi nhậu nhoẹt về muộn. Cuộc điện thoại của mẹ vợ làm tôi bẽ mặt, nhục nhã không còn dám nhìn mặt ai. Thực sự, đến mẹ đẻ tôi còn chưa gọi điện cho trưởng phòng và sếp của tôi như thế.

Ngay trong đêm đó, tôi đến nhà bạn đồng nghiệp ngủ. Tôi cũng nhắn tin nói rõ với vợ rằng tôi sẽ không về nhà vợ ở nữa. Vợ tôi chắc cũng biết lỗi nên ngọt nhạt xin lỗi tôi. Tuy nhiên, vợ tôi vẫn nhất định không chịu ra ngoài thuê trọ ở riêng vì con gái tôi mới được 8 tháng, không có ai trông nom. Hơn nữa, bố vợ tôi đau yếu, bệnh tật, có thể vào bệnh viện bất cứ lúc nào.

Nghĩ đến chuyện về nhà vợ ở rể, chịu cảnh “chó chui gầm chạn”, tôi thấy nhục nhã quá. Nhưng vợ tôi nói không phải không có lý. Hiện giờ tôi vẫn chưa biết xử trí thế nào. Xin hãy cho tôi một lời khuyên.

Theo Minh Hà (Dân Việt)