Sao 360°

Tìm lực lượng kế cận cho nghệ thuật tuồng

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa cho ra mắt lứa nghệ sĩ thuộc dự án “Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Nhà hát Tuồng Việt Nam 2014 – 2020, tầm nhìn 2025”. Nhân dịp này, PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Tìm lực lượng kế cận cho nghệ thuật tuồng
Việc triển khai đề án mới giúp Nhà hát Tuồng Việt Nam có thêm một lứa nghệ sĩ mới.

PV: Ông có thể nói đôi điều về đề án lựa chọn nghệ sĩ tuồng?

Ông Phạm Ngọc Tuấn: Nhà hát Tuồng Việt Nam đã trực tiếp đi 9 tỉnh, thành phố, 26 huyện để tuyển lựa từng giọng ca tốt. Sau đó chịu toàn bộ trách nhiệm vấn đề đào tạo chuyên môn. Vì thế tuy học ở Trường ĐH Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội nhưng các em học sinh được các nghệ sĩ, nghệ nhân lão làng của Nhà hát trực tiếp giảng dạy, kèm cặp từng ly từng tý. Bởi vì chính Nhà hát Tuồng Việt Nam là nơi tiếp nhận và hưởng thành quả của loại hình đào tạo này. Tôi được biết, ở Trường ĐH Sân khấu - Ðiện ảnh Hà Nội những người thầy có tay nghề cao nhưng đã nghỉ chế độ từ lâu nên hầu như không còn ai có thể đứng lớp.

Theo dự án, chúng tôi không chỉ tận tâm chu đáo trong giảng dạy chuyên môn, Nhà hát Tuồng Việt Nam còn thành lập cả Ban chủ nhiệm chịu trách nhiệm nơi ăn, ở cho các nghệ sĩ tương lai mà không cần đến ký túc xá của trường. Chúng tôi thấy rằng việc thực hiện đào tạo với hình thức kết hợp giữa Nhà hát và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội là một hướng đi đúng và đáp ứng nhu cầu thanh xuân hoá đội ngũ của Nhà hát. Chưa nói về việc có hay không tài năng nhưng rõ ràng các em đã thể hiện rất chuẩn chỉ vốn nghề truyền thống. 

Ông cho biết lý do để thực hiện đề án?

- Nghệ thuật tuồng Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn trong bối cảnh bùng nổ các loại hình nghe nhìn. Nhiều năm nay, Nhà hát Tuồng không thể tuyển được các diễn viên, nhạc công trẻ bởi ngay từ “đầu vào” tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã vô cùng khan hiếm thí sinh theo học.

Không riêng gì tuồng, mà chèo, cải lương, kịch hát dân tộc… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Dù nhiều năm qua, Nhà nước đã ưu đãi giảm 70% học phí cho sinh viên theo học ngành sân khấu truyền thống, hàng tháng còn có thêm tiền bồi dưỡng nghề, được cấp quần áo tập và các phương tiện học tập khác nhưng số lượng thí sinh thi vào các chuyên ngành nghệ thuật dân tộc vẫn tiếp tục giảm. Có năm, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đặt chỉ tiêu tuyển sinh 45 diễn viên sân khấu kịch hát, nhưng chỉ tuyển được 15 diễn viên chèo, 11 diễn viên cải lương, 8 diễn viên múa rối; nhạc công sân khấu kịch hát đặt 15 chỉ tiêu, nhưng chỉ 8 thí sinh trúng tuyển; ngành đạo diễn sân khấu cũng chỉ tuyển được 7 so với chỉ tiêu là 12 thí sinh…

Hiện trạng này dẫn đến chất lượng đầu vào của sân khấu truyền thống không thể bảo đảm. Đó cũng là nguyên nhân khiến lực lượng kế cận của sân khấu vốn đã thiếu lại còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Tình hình thực tế như vậy khiến chúng tôi phải mạnh dạn triển khai đề án mới mong “có măng để thay tre già”.

Vậy khi triển khai đề án có khó khăn gì giữa nhà hát và trường ĐH?

- Nhà hát Tuồng Việt Nam là chủ dự án cần được thông qua danh sách các nghệ sĩ, các thầy dạy chuyên môn cũng như danh sách hội đồng chấm thi tốt nghiệp cho học sinh của mình. Tôi rất bất ngờ khi trong danh sách hội đồng chấm thi tốt nghiệp mà nhà trường thông báo có cả những nghệ sĩ của đơn vị mình mà tôi với vai trò là giám đốc lại không hề được thông qua. Giám đốc Nhà hát là chủ dự án thì phải được chấm chọn để đảm bảo chất lượng sau này chúng tôi có trách nhiệm với chất lượng đào tạo khi là người tuyển dụng.

Thực tế việc kết hợp này đôi khi chưa được chặt chẽ, các học sinh lớp tuồng chỉ có 1 ngày để chuẩn bị sân khấu để dự thi là quá gấp gáp cho việc tập luyện, làm quen với sân khấu, bản thân các anh chị diễn viên của Nhà hát muốn diễn tốt cũng phải có vài ngày làm quen với sân khấu và tập luyện. Chính vì vậy mà Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chuyển tất cả phần thi của lớp tuồng về sân khấu ở đơn vị. 

Bên cạnh khó khăn về đội ngũ nghệ sĩ, còn khó khăn gì khác của loại hình nghệ thuật này, thưa ông?

- Đó là khan hiếm kịch bản. Hiện tại, tìm người viết kịch bản tuồng như “mò kim đáy bể”. Cũng có khi từ các trại sáng tác do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ sân khấu tổ chức, tác phẩm nào được hội đồng thẩm định nhất trí, nhà hát sẽ đặt vấn đề với tác giả xin dàn dựng vở đó. Thêm một cách nữa là chọn vở tốt, kịch bản tốt ở các thể loại khác đem về chuyển thể…

Tuy nhiên hiện nay, người ta không mặn mà với việc viết kịch bản tuồng bởi quá cam go. Phần vì tuồng đòi hỏi cực kỳ cao về sự hiểu biết, năng khiếu nghệ thuật lẫn niềm đam mê, kiên trì. Có khi cả đời người mới viết được một vở, hay thì được dựng, gặp sự cố rủi ro thì bỏ luôn. Mặt khác, thu nhập từ công việc này rất ít ỏi. Thành thử, dù được thành phố gửi thư kêu gọi, động viên sinh viên đi học mảng này, được “bao cấp” toàn bộ nhưng chẳng ai đoái hoài

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Minh Sơn (Daidoanket.vn)