Sao 360°

Những nghệ sỹ Việt sống cảnh đời khốn khó, nghèo túng

Những ánh hào quang trong quá khứ không khỏa lấp được nỗi nhọc nhằn, nghèo túng trong cuộc sống của nhiều nghệ sĩ Việt.

Những ánh hào quang trong quá khứ không khỏa lấp được nỗi nhọc nhằn, nghèo túng trong cuộc sống của nhiều nghệ sĩ Việt.

Nếu để đề cử một trong những nghề bạc bẽo nhất trong cuộc đời này thì có lẽ xin gọi tên nghề nghệ sĩ.

Bởi cái nghề này kỳ lạ lắm, vinh quang cũng nhiều mà đắng cay cũng lắm.

Thành thật mà nói chỉ có số ít nghệ sĩ là hưởng sự giàu có từ nghề. Và tất nhiên, để nổi tiếng, để sống giàu có từ hào quang họ cũng đánh đổi không ít điều trong cuộc sống của mình.

Vì thế xin đừng nghĩ rằng tất cả nghệ sĩ của làng giải trí Việt ai cũng sở hữu nhà khủng, xe xịn, đồ hiệu.

Vẫn còn đó những nghệ sĩ mệt nhoài vì nỗi lo cho cơm áo, gạo tiền.

Nữ nghệ sĩ cải lương và 10 năm bán vé số
 
Nghệ sĩ Mộng Lành cùng các giai nhân cải lương thời đó. Từ trái qua phải Thanh Loan, Ngọc Đáng, Xuân Yến, Thanh Thế, Mộng Lành, Bạch Mai.
 
Trong hồi ức của những người yêu mến nghệ thuật sân khấu cải lương thì cái tên Mộng Lành không hề xa lạ. Người phụ nữ sinh ra để đứng trên sân khấu ấy một thời từng là thần tượng của rất nhiều người.

Cuộc đời sống để hát ấy đã phải hi sinh tất cả để rồi không có gì nhận lại ngoài sự nghèo khổ và cô đơn.

Bỏ nhà theo gánh hát, nữ nghệ sĩ dáng người nhỏ nhắn này đơn thương độc mã bước vào nghề, cho đến khi rời xa sân khấu người đàn bà cũng chưa có được một mụn con để an ủi.

Sau khi chồng mất rồi đến khi đoàn hát cũng giải tán, người phụ nữ của sân khấu ấy chợt nhận ra mình không còn chỗ để về.

Trong suốt 10 năm trời, người ta đều thấy nữ nghệ sĩ xưa với mái đầu bạc trắng ngày ngày đi bán vé số mong đủ tiền ăn qua ngày.

Rồi may mắn bà được vào viện dưỡng lão nghệ sĩ để sống những năm tháng tuổi già còn lại của cuộc đời.
 
 
 
Xót xa nhìn lại những ngày đã qua, nghệ sĩ Mộng Lành mong rằng nếu có kiếp sau sẽ không chọn nghề ca hát mà chỉ mong sống một cuộc sống bình dị của một người vợ, người mẹ mà thôi.

Cảnh khốn cùng của "ông vua nhạc sến"
 

Nhạc sỹ Vinh Sử được mệnh danh là "ông vua nhạc sến" ở Việt Nam.

 
Rất nhiều ca khúc do ông sáng tác được nhiều thế hệ khán giả yêu mến như Nhẫn cỏ cho em, Gõ cửa trái tim, Người phu kéo mo cau, Hai bàn tay trắng, Đêm lang thang.

Tuy nhiên, những hào quang xưa không thể giúp ông có một cuộc sống sung túc.

Nhạc sĩ Vinh Sử đã phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật cho căn bệnh ung thư trực tràng của mình. Việc phải điều trị bệnh tật khiến cuộc sống của hai vợ chồng ông rơi vào khốn cùng.
 
Căn nhà chật chội của vợ chồng nhạc sĩ Vinh Sử.
 
Hiện tại vợ chồng nhạc sĩ Vinh Sử đang ở trong một căn nhà chật hẹp với chiều ngang hơn 1 m và chiều dài chừng 5 m. Trong nhà, không có đồ vật gì có giá trị.

Người đẹp cải lương, sáng bán vé số, chiều lượm ve chai
 
Một thời vàng son.
 
Với những người yêu nghệ thuật cải lương thì có lẽ cái tên Trang Thanh Xuân, Trang Đào không quá xa lạ. Có một thời, những nữ nghệ sĩ này từng làm mưa làm gió trên các sân khấu cải lương TP. Hồ Chí Minh.

Không chỉ tài năng, thời ấy nghệ sĩ Trang Thanh Xuân còn được nhiều tờ báo ngày xưa ví von “hoa nhường nguyệt thẹn”.
 
 
Cô nhận được rất nhiều sự yêu mến của khán giả với khuôn mặt trái xoan thánh thiện, làn da trắng hồng, thân hình mảnh mai cân đối rất ăn ảnh, “ăn” ánh đèn sân khấu.

Cùng với chị gái mình, nữ nghệ sĩ Thanh Đào cũng là một nghệ sĩ cải lương có tiếng thời ấy.

Rời sân khấu, người đẹp ngày nào giờ là một bà lão đeo kính, trên đầu đội chiếc mũ vải cũ rích, ngày ngày đi bán vé số.

Hàng ngày ở chợ Rạch Ông, người ta đã quen với hình ảnh hai người phụ nữ lớn tuổi sáng bán vé số, tối nhặt ve chai.

Ở độ tuổi tuổi già sức yếu nhưng hai chị em nghệ sĩ một thời chưa một lần tận hưởng cảm giác hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ như mọi người phụ nữ khác.

"Đời con khổ hơn phim" của NSƯT Trần Hạnh
 
 
Nhắc tới NSƯT Trần Hạnh, người ta không thể nào quên nhưng vai diễn người nông dân, tri thức nghèo được "đo ni đóng giày" cho ông. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cuộc sống sau ánh hào quang của người nghệ sĩ già cũng không mấy làm sung túc.

Ở tuổi 85, người nghệ sĩ già vừa phải chợ búa, cơm nước, rau cháo, giặt giũ vừa chăm sóc cậu con trai út bị ngớ ngẩn bởi di chứng của tai nạn giao thông.

Căn nhà của ông vừa là phòng thờ, vừa là chỗ ngủ của hai bố con. Chỗ ngủ đơn giản tới mức chỉ có tấm chiếu mỏng được trải ra dưới lớp chăn cũ kỹ mà không hề có đệm hoặc giường.
 
Cuộc sống nhọc nhằn nhưng chưa một lần ông kêu ca.
 
Với khoản lương hưu 2-3 triệu đồng ông phải tự chăm lo cơm nước hàng ngày và mọi khoản chi tiêu trong gia đình.

Để kiếm đồng ra đồng vào, trước căn nhà nhỏ cũ kỷ, người nghệ sĩ già phải bày ra chút hàng quán để buôn bán.

Tuy sống khó khăn nhưng chưa một lần ông kêu ca, oán thán cuộc đời. Người nghệ sĩ già vẫn chăm chỉ lo lắng cuộc sống từng ngày cho 2 bố con và kiên quyết từ chối sự giúp đỡ của nhiều khán giả hâm mộ.
 
>> "Thằng Cò" Phùng Ngọc có nguy cơ tháo khớp ngón tay
 
 
Theo Pa Dun (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)