Sao 360°

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Đừng làm đau hoa sữa

Tôi ngồi cùng nhạc sĩ Hồng Đăng những ngày Hà Nội cuối thu. Căn nhà không có cây hoa sữa kế bên, cũng không còn tiếng đàn say mê, sôi nổi của ông như thời trai trẻ.

Nhạc sĩ Hồng Đăng, người nghệ sĩ cả đời hiến mình cho âm nhạc nay tóc bạc, da mồi. Đôi khi câu chuyện của ông thi thoảng lại bị ngắt quãng đôi chút vì trí nhớ giảm sút. Nhưng mỗi khi nhắc đến chuyện sáng tác, chuyện tình yêu thì ông ánh mắt ông rạng rỡ một cách khó tả.

Nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ về bài hát "Hoa sữa"

Ông đa tài, đào hoa nên nhiều người mê. Vợ ông, chị Lê Anh Thúy, một phụ nữ kém ông gần 30 tuổi cũng chỉ vì rất yêu những ca khúc như: Hoa sữa, Biển hát chiều nay… nên đã nhận lời nâng khăn sửa túi cho ông.

Người làm nghệ thuật họ lạ lắm, chị Thúy kể, ông ấy hay lãng đãng, mơ màng. Tóm lại những thứ bên ngoài nghệ thuật thì bạn đừng hỏi ông ấy.

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Đừng làm đau hoa sữa

Nhạc sĩ Hồng Đăng cười xòa. Ông bảo, thời của chúng tôi nếu muốn kiếm tiền từ viết nhạc, sáng tác ca khúc cũng rất khó khăn chứ không như bây giờ. 

Thời đó làm gì có nhiều chương trình truyền hình, phát thanh cũng chỉ vài giờ trong ngày, các chương trình ca nhạc thì đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy để ca khúc được đông đảo người dân biết đến thực sự rất khó.

Đứa con "Hoa sữa" có lẽ đặc biệt nhất. Năm đó, nữ đạo diễn Đức Hoàn đặt tôi viết một nhạc phẩm cho phim: "Hà Nội mùa chim làm tổ", loay hoay cả tháng trời mà không tìm ra ý tứ gì cho độc đáo, mãi sau có một nhà thơ gợi ý, Hà Nội có hoa sữa rất hay, rất đặc biệt, anh thử viết về hoa sữa xem sao?

Cái gợi ý về hoa sữa rất đáng giá, ngay sau đó tôi bắt tay vào viết, những ca từ, giai điệu như tự nhiên xuất hiện một cách sâu lắng, nhẹ nhàng. "Hoa sữa" ra đời như nó đã được phôi thai từ trước, như nó vốn dĩ đã thuộc về Hà Nội, tôi chỉ là người khơi dòng để "Hoa sữa" đến được với công chúng mà thôi.

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Đừng làm đau hoa sữa - 1

Chỉ những ai đến Hà Nội, yêu Hà Nội và từng đi dưới những hàng hoa sữa ở Phố cổ như ở trên đường Nguyễn Du, Thụy Khuê, Quán Thánh… vào những đêm khuya và bình minh mới cảm nhận được rõ hương vị thanh nhã của thành phố hoa sữa nghìn năm tuổi.

Tôi ngắt lời nhạc sĩ Hồng Đăng, nhưng bây giờ Hà Nội chỗ nào cũng ngột ngạt với mùi hoa sữa, họ trồng nhiều quá, hoa sữa không còn thoang thoảng như thời của ông. Nhiều người dân có ý trách nhạc sĩ vì ông sáng tác bài này hay quá? Hay quá đôi khi cũng phát sinh sự phiền hà nào đó?

Lão nhạc sĩ móm mém cười, ông bảo, không sao, không sao. Người ta còn nhắc là còn nhớ. Nếu họ có trách cũng là trách yêu thôi vì ai chẳng biết, nhạc sĩ sáng tác ra bài hát đâu phải cái tội. 

Đúng là hoa sữa thì nhiều quá nhưng tôi nghĩ không sao. Hoa sữa chỉ có vài ngày. Nó cũng không làm hại ai, nó là cây cỏ mà. Đừng vì một chút phiền toái mà chặt phá hay tìm cách khiến cho cây chết. 

Cây cỏ cũng có tâm hồn chứ không phải vô tri. Nếu nó không có tâm hồn, không khiến người ta xao xuyến thì sẽ chẳng ai nhắc đến để tôi biết và sáng tác một bài hát để đời về hoa sữa.

Anh thấy đấy, lời bài hát như một chuyện tình buồn nhưng không bi lụy, sến súa: "Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó, những bạn bè chung, những con đường nhỏ. Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm có lẽ nào anh lại quên em".

Nhạc sĩ Hồng Đăng: Đừng làm đau hoa sữa - 2

Tình yêu đôi lứa, tình yêu Hà Nội của thế hệ chúng tôi thường rất mộc mạc, dịu dàng. Hò hẹn nhau mãi cũng chỉ dám gặp nhau, cầm tay và quyến luyến ở cuối những con phố vắng. Bây giờ thì giới trẻ họ yêu mãnh liệt hơn nhưng những xao động trong tâm hồn có khi không bằng ngày xưa, nhỉ?

Ngày xưa tất cả cảm xúc, tất cả yêu đương phải được thể hiện bằng ánh mắt, bằng gương mặt, bằng cả cái nhíu mày hay nụ cười ẩn giấu. Bây giờ thì các cháu có điện thoại, có máy tính… nên chẳng cần phải thể hiện cảm xúc nhiều nữa, nhỉ (cười)…

Cứ thế, lão nhạc sĩ Hồng Đăng rủ rỉ với câu chuyện về hoa sữa, về thời thanh niên sôi nổi, về những mối tình đi qua đời nghệ sĩ của ông.

Giữa những câu chuyện, ông hay ngừng lại đôi chút, nhìn xa xăm rồi nhắc mãi, hoa sữa cũng chỉ là cây cỏ, đừng trút những lời căm ghét lên hoa lá, cỏ cây…

Nếu không bao dung được với thiên nhiên thì sẽ rất khó để chúng ta mở lòng mà sống hồn hậu với nhau.

Theo Việt Hoàng (Soha/Trí Thức Trẻ)