Sao 360°

Ca sỹ phòng trà và góc khuất tình-tiền: "Ướt mi" sau ánh hào quang

“Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà mang tiếng hát cho người đời bỏ tiền mua vui...” cô ca sỹ dốc bầu tâm sự vào khúc nhạc buồn với người bỏ tiền mua vui.

“Khi biết em mang kiếp cầm ca, đêm đêm phòng trà mang tiếng hát cho người đời bỏ tiền mua vui...” cô ca sỹ dốc bầu tâm sự vào khúc nhạc buồn với người bỏ tiền mua vui.

Nhiều ca sỹ nổi tiếng từ phòng trà ca nhạc phải chấp nhận trả giá?

Qua một bầu show, tôi biết Hoài Thu sinh viên trường nghệ thuật. Một lần tôi nghe Thu hát phải công nhận giọng hát nghe rất mượt mà khiến người ta chú ý. Cô vẫn thường xuyên gọi điện cho bầu show mà tôi quen để được gọi đi hát. Lần gặp gỡ trò chuyện, tôi biết Thu là một sinh viên năm cuối của trường CĐNHTW, một cô giáo dạy nhạc trong tương lai. Quê Thu ở một huyện miền núi Nghệ An nổi tiếng nhất tỉnh về nghèo đói.

Một lần ngồi quán cà phê nhạc sống ở Cầu Giấy (Hà Nội) tôi nghe giọng hát của Thu vang lên, tôi không thể nhầm được. Khi bài hát kết thúc, ánh đèn trên cái “sân khấu” nhỏ bằng chiếc chiếu sáng rõ, tôi nhận ra Thu. Hỏi ra mới biết cô là ca sỹ hát cho quán đã được 3 tháng nay. Gặp tôi, Thu cười gượng gạo và ngay sau đó hát tặng tôi bài “kiếp cầm ca”. Tiếng hát nghe não nề đã kéo tôi đến thực tại một góc của thành phố. Nơi đó có những ca sỹ hát cho một lượng khán giả nhỏ, họ hát vì nghệ thuật thì ít, vì hai chữ “mưu sinh” thì nhiều.

Thu kể với tôi về gia đình, làng quê nơi cô ra đi. Đó là một vùng đất nghèo, quanh năm thiếu ăn. Ở đây việc vận động học sinh đến trường là cả một vấn đề làm đau đầu không ít người có trách nhiệm. Học chữ đã khó nói chi đến học nhạc, nên cái nghề như Thu có về quê cũng trở thành ế ẩm. Gia đình khó khăn, tiền học của Thu gia đình không kham nổi nên cô đành tìm việc làm thêm. Mới đầu là bưng bê, phục vụ cho các quán, một lần đi làm cho quán cà phê nhạc sống ở Cầu Giấy em thấy mấy ca sỹ hát ở đây thu nhập cao hơn.

Vốn có giọng hát hay Thu liền đổi nghề đi hát phòng trà chấp nhận thân phận “hát lót”, thế chỗ ca sỹ chính khi họ vắng mặt. Mỗi đêm Thu được chủ nhà hàng trả 300.000 đồng, một tuần cô chạy sô 3 quán cũng tạm đủ chi trả cho công việc học hành của mình. Còn với bầu show kia, Thu chỉ được mời tham gia những suất diễn trong các triển lãm xô bồ, mang tính chất tạo không khí vui vẻ với cát- xê không quá 500.000 đồng.

Ra trường, Thu không về quê mà vẫn tiếp tục đi hát phòng trà có nhiều thời gian hơn nên cô chạy sô được nhiều quán. Lúc này tiếng tăm của cô đã khá nổi trong làng ca hát phòng trà ở Hà Nội. Thu nói: “Nghề này bạc bẽo lắm, em không muốn làm nữa và đã nộp hồ sơ về quê xin việc, nhưng vẫn phải đợi”. Chờ đợi không biết đến bao giờ và Thu vẫn phải có tiền để sống, giúp đỡ bố mẹ nuôi em nhỏ. Cơm áo không đùa được, cô lại dấn thân vào các phòng trà bình dân. Trong những lần đem tiếng hát mua vui cho khách Thu quen và yêu một đại gia là doanh nghiệp ở Hà Nội.

Vì mê tiếng hát của cô ông ta đã tốn công sức tiếp cận và còn hứa sẽ xin việc cho cô ngoài này. Chết đuối vớ được cọc, Thu lao theo cuộc tình như một kẻ say. Nhưng khi có thai ngoài ý muốn thì “người yêu dấu” bao bọc cho Thu những ngày tháng qua đã yêu cầu phá thai. Thu vì muốn trói buộc người tình để có tiền, có nhà nên cự tuyệt. Thân phận làm vợ bé của Thu cũng không thành, khi “bà lớn” biết chuyện cho tay chân đến “khủng bố”. Thu bị quăng quần áo ra khỏi ngôi nhà đại gia kia thuê để làm chỗ đi lại. Cô lại thành người trắng tay, không nơi nương tựa.

Đau khổ Thu đành đi giải quyết cái thai và lại âm thầm khép mình trong căn nhà trọ. Hàng đêm Thu vẫn đi hát tại các phòng trà, các quán cà phê với tiếng hát mang âm hưởng dân ca, chuyển sang nhạc vàng nghe não lòng đầy tâm sự hơn. Còn bầu show nơi Thu vẫn nhờ vả thì cho biết: “Hạng ca sỹ như Thu nhiều lắm, bần cùng bất đắc dĩ tôi mới mời cô ấy. Bởi lẽ, là ca sỹ mà đi hát phục vụ karaoke thì có khác gì... gái gọi loại xoàng”.
 
Theo N.H (Nguoiduatin.vn)