Sao 360°

BTV Hoài Anh: “Điều tôi day dứt nhất là không gặp lại được thầy cô cũ”

“Điều tôi day dứt nhất là tôi không gặp lại được nhiều thầy cô cũ sau khi ra trường. Tôi kính mong các thầy cô luôn khoẻ mạnh, để có thêm nhiều những thế hệ học trò được yêu thương và dạy dỗ như tôi đã may mắn có được...”, BTV Hoài Anh chia sẻ.

“Điều tôi day dứt nhất là tôi không gặp lại được nhiều thầy cô cũ sau khi ra trường. Tôi kính mong các thầy cô luôn khoẻ mạnh, để có thêm nhiều những thế hệ học trò được yêu thương và dạy dỗ như tôi đã may mắn có được...”, BTV Hoài Anh chia sẻ.

Tôi nghĩ, nếu có được những ý kiến nhận xét đó là nhờ một phần ở kinh nghiệm mà tôi ngày càng tích luỹ được từ chính công việc của mình. Kinh nghiệm từ cách trang điểm, trang phục, kiểu tóc, đến nội dung, cách biên tập lời dẫn sao cho mạch lạc, kết nối và thu hút. Tôi biết cách trang điểm phù hợp hơn. Ngày trước đôi lúc tôi trang điểm hơi đậm. Tôi cũng biết cách để tóc sao cho gọn gàng hơn mà vẫn đẹp.

Hình ảnh của BTV Hoài Anh thay đổi theo từng ngày trên sóng truyền hình. Ảnh là cảnh BTV Hoài Anh dẫn chương trình cùng BTV Quang Minh của ban Thời sự VTV vào năm 2015.
Hình ảnh của BTV Hoài Anh thay đổi theo từng ngày trên sóng truyền hình. Ảnh là cảnh BTV Hoài Anh dẫn chương trình cùng BTV Quang Minh của ban Thời sự VTV vào năm 2015.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất, khi mình quen việc, có sự chuẩn bị tốt, không chủ quan và luôn yêu quý công việc của mình thì khi đó mình sẽ có được sự tự tin, thần thái, tác phong cũng sẽ chuyên nghiệp, thuyết phục khán giả hơn.

Và một yếu tố cũng vô cùng quan trọng nữa đó là có được những sự động viên, ghi nhận và góp ý. Một khi có được những sự động viên và ghi nhận thì mình còn có động lực để cố gắng nhiều hơn. Với những người làm công việc đứng trước công chúng như chúng tôi, tình cảm của quý khán giả chính là ý nghĩa, giá trị của công việc, cũng là thước đo công việc mà chúng tôi đang làm. Và chúng tôi luôn nỗ lực hết mình vì điều đó.

Được xem là người cẩn trọng và tỉ mỉ nhất nhì ban Thời sự của VTV. Mỗi ngày, trước khi lên hình chị thường mất bao lâu để chuẩn bị cho hình ảnh của mình?

Quả thật tôi cũng là người hay lo và khá tỉ mỉ. Tuy nhiên thời gian chuẩn bị trước khi lên hình thì gần như người dẫn nào cũng giống nhau là khoảng thời gian từ sau khi kịch bản đã được hoàn thiện đến trước khi lên sóng. Thời gian này chỉ có khoảng 20 phút. Có những lúc tin bài về muộn thì thời gian này còn phải rút ngắn hơn nữa, để dành thời gian cho việc cập nhật tin nóng hoặc sửa chữa, thay đổi nội dung.

Vì toàn bộ các bản tin là trực tiếp nên thời gian mang ý nghĩ rất quan trọng với chúng tôi. Mọi công đoạn bắt buộc phải hoàn thành trước giờ lên sóng, không thể khác. Vì vậy có thể có những buổi lên hình quý khán giả thấy người dẫn chúng tôi chưa được chỉn chu thì cũng mong quý vị hiểu và thông cảm rằng, áp lực phải hoàn thành tất cả mọi công đoạn trước giờ lên sóng là vô cùng lớn, khiến đôi lúc chúng tôi không thể có nhiều thời gian để chỉn chu ngoại hình của mình một cách hoàn hảo.

Vật bất li thân nào chị thường mang theo người ngoài chiếc điện thoại cầm tay và những đồ trang điểm cơ bản?

Là chiếc laptop và máy tính bảng. Công việc của tôi thường xuyên phải xử lý kịch bản, biên tập lời dẫn nên một công cụ soạn thảo văn bản và tìm kiếm, cập nhật thông tin là vô cùng cần thiết.

 BTV Hoài Anh và MC Danh Tùng trong buổi tổng duyệt lễ trao giải giải thưởng Nhân tài đất Việt 2016, diễn ra ngày hôm qua (18/11) tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.
BTV Hoài Anh và MC Danh Tùng trong buổi tổng duyệt lễ trao giải giải thưởng Nhân tài đất Việt 2016, diễn ra ngày hôm qua (18/11) tại Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng.

Chị cảm nhận như thế nào về giải thưởng Nhân tài đất Việt, giải thưởng mà trong buổi trao giải Nhân tài Đất Việt tối nay (19/11) chị sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt chương trình?

Giải thưởng có một ý nghĩa khá đặc biệt với tôi vì ba tôi là một nhà nghiên cứu đã có công trình 2 lần đoạt giải ở giải thưởng này. Lần gần đây nhất là ở giải thưởng năm ngoái. Tôi đã được ngồi cùng ba ở hàng ghế khán giả và trải qua cảm xúc bồi hồi, tự hào khi ba được xướng tên. Năm nay, tôi cũng rất vui khi được tham gia dẫn chương trình này. Tôi sẽ có thể góp phần mang lại niềm vui cho các tác giả khi xướng tên các công trình đoạt giải.

Ba tôi đã dành hơn 20 năm cho việc nghiên cứu công trình Hoà âm tự động của mình và giải thưởng mang nhiều ý nghĩa với ông. Vì vậy, có lẽ tôi hiểu được phần nào cảm xúc của các tác giả khi có sản phẩm đoạt giải, đặc biệt với những tác giả lớn tuổi như ba tôi. Ba tôi là một trong những tác giả lớn tuổi nhất nhận giải. Và công trình của ba tôi cũng là một trong những công trình có thời gian nghiên cứu kéo dài nhiều năm nhất. Ngày ông bước lên nhận giải, tóc đã bạc trắng cả mái đầu.

Theo chị, những giải thưởng như thế này sẽ thúc đẩy như thế nào đối với các nhân tài?

Cuộc thi là sự động viên, nhìn nhận cho những nghiên cứu thầm lặng đóng góp cho cộng đồng. Những nhà nghiên cứu rất say mê với công việc sáng tạo, phát minh ra các sản phẩm và họ thật sự đã dành rất nhiều công sức, chất xám cho nó... nhưng có rất nhiều người trong số đó làm việc độc lập, đơn lẻ, như ba tôi là một điển hình.

Họ không có sự hỗ trợ nào để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình đến cộng đồng, để cung có thể gặp được cầu. Giải thưởng chính là nơi những sản phẩm sáng tạo được công bố, tôn vinh. Và tôi mong không chỉ dừng lại ở đó mà giải thưởng còn là một cầu nối thiết thực để đưa những công trình đã được các tác giả dày công nghiên cứu đi vào cuộc sống bởi điểm nổi bật của giải thưởng này là tính ứng dụng vào thực tiễn của các công trình đoạt giải là rất cao.

Chị cảm thấy thế nào khi dẫn cùng MC Danh Tùng trong buổi lễ trao giải Nhân tài Đất Việt 2016 tối nay?

Danh Tùng là một cậu em vô cùng đáng yêu, đa năng, tinh tế, và đầy nhiệt huyết với công việc. Đứng bên Danh Tùng tôi thấy mình như được truyền thêm lửa, lửa của sức trẻ và lòng yêu nghề, cầu thị.

 BTV Hoài Anh (thứ 3, từ trái sang phải) cùng thầy giáo và các bạn cùng lớp trong một sự kiện của trường thời còn học PTTH.
BTV Hoài Anh (thứ 3, từ trái sang phải) cùng thầy giáo và các bạn cùng lớp trong một sự kiện của trường thời còn học PTTH.

Có thể hình dung thời đi học của chị thế nào? Chị có phải là cô bé hoạt ngôn?

Thực ra, tôi không nhận mình là người hoạt ngôn. Thời đi học, tôi được các thầy cô đánh giá là học khá môn Văn. Điểm Văn của tôi là một trong những thang điểm cao nhất. Cấp 3 tôi cũng học chuyên ngữ. Tuy nhiên, nếu nói tôi hoạt ngôn thì không hẳn đúng. Tôi khá thận trọng trong chọn lựa câu từ, thậm chí trong cuộc sống đời thường đôi lúc tôi còn ngần ngại nói ra suy nghĩ của mình. Vì vậy thời đi học, tôi tham gia sôi nổi các hoạt động của trường lớp nhưng là hát, múa, thậm chí đóng kịch... chứ chưa bao giờ làm vai trò người dẫn chương trình. Truyền hình thật sự là một mối duyên mà tôi không hề định trước. Nhưng mà “lấy nhau” rồi thì càng ngày lại càng yêu.

Mỗi khi đến mùa 20/11 chị thường nhớ về người thầy nào của mình nhất?

Tôi nhận mình là đứa học trò vô cùng may mắn vì có được những người thầy, người cô đặc biệt yêu thương và hết lòng dạy dỗ mình trong suốt những năm tháng đi học. Từ ngày còn nhỏ xíu học ở trường mầm non Phan Chu Trinh Hà Nội, các cô Hương, cô Hằng... đã hết mực chăm sóc, dạy múa, dạy hát, đưa tôi đi biểu diễn khắp nơi, cho tôi có được sự khéo léo và tự tin ngay từ những năm tháng đầu đời.

Trường Tiểu học Hoà Bình (TP.HCM) là mái trường thứ hai tôi được lớn lên trong tình yêu thương như thế. Người thầy mà tôi mang ơn là thầy Thời hiệu trưởng và cô giáo mà tôi yêu quý nhất là cô giáo dạy nhạc Minh Liêm. Rồi thầy Duy, thầy Tú, cô Ngà, thầy Phò... dưới mái trường Lê Quý Đôn, những thầy cô với tình yêu thương bao dung và vô điều kiện.

Hoài Anh của hiện tại. Ảnh: HA.
Hoài Anh của hiện tại. Ảnh: HA.

Sau này lớn lên tôi hiểu được rằng chính sự yêu thương và luôn dành sự tin tưởng, động viên vào học trò... đó là động lực to lớn nhất khiến con trẻ thấy mình có trách nhiệm phải cố gắng, phải phấn đấu để xứng đáng với những gì mình đã được các thầy cô dành cho, chứ không phải bất cứ sự răn đe, ép buộc nào.

“Hãy mãi mãi là chiếc khánh vàng của thầy!” - lời nhắn nhủ dành cho tôi của một trong những thầy cô giáo mà tôi kính trọng, là những lời yêu thương, nhưng cũng mang ý nghĩa răn dạy sâu sắc, nhắc nhở tôi phải sống tốt mỗi ngày.

Điều tôi day dứt nhất là tôi không gặp lại được nhiều thầy cô cũ sau khi ra trường. Tôi kính mong các thầy cô luôn khoẻ mạnh, để có thêm nhiều những thế hệ học trò được yêu thương và dạy dỗ như tôi đã may mắn có được.

Cám ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Theo Hà Tùng Long (Dân Trí)