Thế giới

Vùng Vịnh tiếp tục là thị trường vũ khí chủ chốt trong năm 2017

Nhận định của giới chuyên gia cho rằng, vùng Vịnh tiếp tục là thị trường vũ khí chủ chốt trong năm 2017 quả là một dự báo đáng lo ngại trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh...

Nhận định của giới chuyên gia cho rằng, vùng Vịnh tiếp tục là thị trường vũ khí chủ chốt trong năm 2017 quả là một dự báo đáng lo ngại trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh...

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở với sự gia tăng ở mức 3 con số về nhập khẩu vũ khí của A-rập Xê-út trong những năm gần đây. Năm ngoái, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI) của Thụy Điển cho biết, 5 năm trở lại đây, nhập khẩu vũ khí của quốc gia này đã tăng 275%, đưa A-rập Xê-út trở thành nước mua sắm vũ khí nhiều nhất Trung Đông. Còn ở quy mô thế giới, hiện kim ngạch mua sắm vũ khí của A-rập Xê-út chiếm 9,7% thị trường vũ khí toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ. Trước đó, vào năm 2014, A-rập Xê-út từng là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, vượt cả Ấn Độ với ngân sách hơn 6,4 tỷ USD chi cho mua sắm vũ khí.

Trang tin tức Gulf News ngày 10-2 dẫn báo cáo công bố hồi tháng 1-2017 của công ty kiểm toán Deloitte cho biết, trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu không ngừng leo thang, nhu cầu mua sắm các sản phẩm quốc phòng và quân sự đang gia tăng mạnh tại tất cả các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Tình hình an ninh bất ổn, ngày một xấu đi nên nhiều quốc gia trong khu vực đã tăng chi phí để sở hữu các thiết bị quân sự thế hệ mới. Trong số đó, UAE và A-rập Xê-út là hai nước dẫn đầu về ngân sách quốc phòng trong GCC.

Công ty sản xuất vũ khí Boeing Defence, Space & Security’s business thuộc tập đoàn Boeing của Mỹ hiện chiếm khoảng 30% doanh số bán vũ khí của thế giới. Công ty này cho biết, đã nhìn thấy những cơ hội tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo của Deloitte cho biết, chi phí quốc phòng tại một số nước Trung Đông chiếm tỷ lệ đáng kể trong GDP. Với 85,4 tỷ USD chi phí cho quốc phòng năm 2015, A-rập Xê-út đứng thứ tư thế giới về ngân sách quốc phòng.

Giám đốc điều hành tập đoàn chế tạo vũ khí Lockheed Martin chi nhánh Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), ông Rô-bớt S.Ha-uốt (Robert S.Harward) cho rằng, môi trường an ninh không ổn định, cùng với việc các nước vùng Vịnh đang đứng trước nhiều thách thức chưa từng thấy, là nhân tố thúc đẩy hoạt động mua sắm vũ khí trong khu vực.

Ông Rô-bớt S.Ha-uốt nói, mục tiêu của Lockheed Martin là cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến ở mức vừa phải nhất cho các đối tác để giúp họ giải quyết một số thách thức an ninh khó khăn nhất.

SIPRI cho biết, mục đích mua sắm vũ khí mới của A-rập Xê-út là để dùng vào hành động hỗ trợ quân sự. Quốc gia này hồi năm 2015 đã dẫn đầu nhiều nước phát động hành động quân sự mang tên “Cơn bão quyết định” nhằm vào lực lượng nổi dậy Hu-thi tại Y-ê-men và điều hải quân phong tỏa các vùng biển xung quanh để hỗ trợ cho hành động này.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng kéo dài ở Xy-ri cũng là nhân tố khiến Ri-át không thể ngừng mua sắm vũ khí trong bối cảnh nước này có không ít toan tính tại đây. Hơn nữa, trong bối cảnh mối quan hệ giữa A-rập Xê-út và quốc gia láng giềng khu vực I-ran từ lâu đã “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, hai nước luôn ngấm ngầm chống đối và đều theo đuổi tham vọng giữ vai trò ảnh hưởng số 1 ở khu vực, việc Ri-át mua sắm nhiều vũ khí cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng dự báo triển vọng đối với thị trường vũ khí ở Trung Đông có thể sẽ gặp phải một số trở ngại. Một trong những thách thức chủ chốt mà các nhà cung cấp vũ khí phải đối mặt trong năm 2017 là việc cắt giảm chi phí quốc phòng của các chính phủ ở Trung Đông do giá dầu thấp. Chuyên gia cao cấp Thê-ô-đô-rê Ca-ra-xích (Theodore Karasik), thuộc hãng phân tích Gulf State Analytics có trụ sở tại Mỹ cho rằng, các quốc gia ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, nhất là GCC đang tiến hành các cải tổ kinh tế do eo hẹp ngân sách, do đó sẽ tìm kiếm những hợp đồng khả thi nhất về tài chính. Ông đánh giá cơ hội cho các nhà cung cấp vũ khí tại thị trường Trung Đông năm 2017 nằm ở các lĩnh vực công nghệ. Các hệ thống tự động, thiết bị mạng và thông tin liên lạc tiếp tục là mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia ở Trung Đông-Bắc Phi. Theo ông Thê-ô-đô-rê Ca-ra-xích, các xu thế hiện nay cho thấy sự tăng trưởng ở nhiều phân khúc thị trường, trong đó không chỉ có hàng không vũ trụ mà còn cả an ninh mạng, thông tin liên lạc và thiết bị kiểm soát bạo động.

Ngoài ra, theo ông Thê-ô-đô-rê Ca-ra-xích, quy định về Quản lý buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) của Mỹ có khả năng sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán vũ khí của nước này tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, đặc biệt là tại các nước GCC. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tân Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) sẽ làm gì với các quy định kiểm soát xuất khẩu vũ khí hiện nay của Oa-sinh-tơn. Giới phân tích dự báo, ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ nới lỏng những hạn chế này theo hướng có lợi cho ngành sản xuất vũ khí trong nước.

Theo Mai Nguyên (Qdnd.vn)