Thế giới

Vũ khí nào của Campuchia đang khiến QĐND Việt Nam phải mơ ước?

Những năm gần đây, Quân đội Hoàng gia Campuchia đang được đầu tư ngày một lớn, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại.

Những năm gần đây, Quân đội Hoàng gia Campuchia đang được đầu tư ngày một lớn, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại.
 

Trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T

Trực thăng Mi-26T của Không quân Hoàng gia Campuchia

Hiện nay Không quân Hoàng gia Campuchia có trong biên chế 2 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26T, chúng được khai thác chủ yếu cho mục đích quân sự mặc dù mang màu sơn như những máy bay dân sự.

Nếu so sánh với trực thăng Mi-8/17 của Việt Nam, thậm chí là với cả "ngựa thồ" C-295M mới nhận từ châu Âu thì Mi-26T vẫn vượt trội ở khả năng chuyên chở.

Cụ thể, nhờ 2 động cơ Lotarev D-136 công suất 8.500 kW mỗi chiếc mà Mi-26T mang được tải trọng hàng hóa lên tới 20.000 kg hoặc 90 lính dù (so với 4.000 kg hàng hóa hoặc 30 lính dù của Mi-8/17 và 9.250 kg hàng hóa hoặc 71 lính dù của C-295M).

Dự đoán phải trong tương lai rất xa nữa Quân đội nhân dân Việt Nam mới được trang bị một loại trực thăng vận tải hạng nặng như Mi-26T.

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55AM2/AM2BP

Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55AM

Theo báo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 1994 Quân đội Campuchia đã nhận được tất cả 90 xe tăng chiến đấu chủ lực T-55AM2/AM2BP, cụ thể là 40 chiếc T-55AM2 từ Cộng hòa Czech và 50 chiếc T-55AM2BP từ Ba Lan.

Xe tăng T-55AM2/AM2BP vẫn giữ lại pháo chính 100 mm nhưng có thêm ốp bọc nòng và nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực, cho khả năng tác xạ chính xác hơn cũng như tạo sự thoải mái, tiện nghi cho kíp lái.

Bên cạnh đó xe còn được lắp giáp yếm và giáp phụ xung quanh tháp pháo, tăng cường đáng kể khả năng bảo vệ trước sự tác động của mìn, tên lửa chống tăng có điều khiển của bộ binh, cũng như tên lửa phóng từ trực thăng hay cường kích tấn công mặt đất.

T-55AM2/AM2BP được đánh giá có năng lực chiến đấu còn cao hơn cả T-62, so sánh với T-55M3 của Việt Nam thì mặc dù không hiện đại bằng nhưng số lượng khá lớn lại chính là ưu thế của Campuchia.

Hệ thống tên lửa phòng không KS-1A

Xe mang phóng tự hành của hệ thống tên lửa phòng không KS-1A

Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết đã đề nghị Trung Quốc viện trợ cho nước này một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa thế hệ mới, theo nhiều dự đoán đó chính là tổ hợp KS-1A.

KS-1A là hệ thống tên lửa phòng không di động tiên tiến của Trung Quốc, cấu hình một khẩu đội gồm có 1 đài radar tìm kiếm mục tiêu H-200, 4 xe mang phóng tự hành cùng 8 đạn tên lửa và một số xe nạp đạn.

Đạn tên lửa của KS-1A có tầm bắn 50 km, trần bay 25 km, vận tốc 1.200 m/s, mang theo đầu đạn nổ mảnh nặng 100 kg. Trong khi đó radar H-200 có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 115 km, theo dõi từ cự ly 80 km và dẫn đường cho tên lửa ở tầm 50 km.

Với uy lực khá lớn và nhất là tính việt dã đáng nể của khung gầm 6x6, KS-1A sẽ đưa sức mạnh của Quân đội Hoàng gia Campuchia lên một tầm cao mới.

Mặc dù Việt Nam đã công bố đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến SPYPER của Israel nhưng đó là việc của tương lai, còn KS-1A dự báo sẽ có mặt tại Campuchia trong thời gian ngắn. Lúc đó họ sẽ có ưu thế lớn khi so sánh với các tổ hợp S-125-2TM hay S-75M của Việt Nam.

Theo Tuấn Trung (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)