Thế giới

Việt Nam tự nâng cấp chiếc Su-27SK bị cháy?

Do chi phí nước ngoài sửa chữa chiếc Su-27SK số 6005 (bị hỏng từ năm 2007) quá cao, nên rất có thể Việt Nam tự chủ trong việc khôi phục này.

Do chi phí nước ngoài sửa chữa chiếc Su-27SK số 6005 (bị hỏng từ năm 2007) quá cao, nên rất có thể Việt Nam tự chủ trong việc khôi phục này.

Theo những thông tin được công khai, sau một thời gian dài tiến hành công tác sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng, chiếc tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 đã được Nhà máy A32 bàn giao lại cho Trung đoàn Không quân 940 để làm công tác trực ban chiến đấu.

Việc Nhà máy A32 hoàn toàn làm chủ công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng đối với dòng tiêm kích Su-27 Flanker đã mở ra triển vọng áp dụng trên toàn bộ những chiếc còn lại, giúp tiết kiệm ngân sách, tạo sự chủ động tránh phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời nâng cao tay nghề của các kỹ sư hàng không quân sự Việt Nam.

Sau thành công này, rất có thể chiếc Su-27 tiếp theo được sửa chữa và nâng cấp sẽ là chiếc Su-27SK số hiệu 6005 gặp tai nạn cháy động cơ từ năm 2007. Mặc dù Đại tá phi công Đào Quốc Kháng khi đó đã bình tĩnh và dũng cảm cứu thành công nhưng chiếc chiến đấu cơ này vẫn phải nằm trên mặt đất từ đó cho tới nay.

Vào thời điểm chiếc máy bay gặp nạn, Việt Nam chưa có dây chuyền công nghệ và trình độ để sửa chữa được những hỏng hóc nặng như vậy.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2013, Nhà máy A32 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa vào vận hành “Dây chuyền công nghệ sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30.

Vì vậy, khả năng chúng ta tự sửa chữa chiếc Su-27SK số hiệu 6005 là hoàn toàn có thể.

Theo những thông tin được công khai, từ khi vận hành dây chuyền công nghệ mới, Nhà máy A32 đã sửa chữa thành công hàng trăm loại động cơ turbin khác nhau, trong đó có cả những loại động cơ trang bị cho các loại máy bay chiến đấu hiện đại như: Su 27, Su-30.

Trong quá trình sửa chữa, đội ngũ kỹ sư của nhà máy còn nghiên cứu, tự sản xuất một số vật tư chuyên ngành mà ngoài thị trường không có, tiết kiệm cho ngân sách quốc phòng hàng trăm tỷ đồng. Dưới bàn tay lành nghề và sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư của nhà máy, các máy móc và dây chuyền cũ từ thời chiến tranh vẫn hoạt động tốt với độ chính xác cao.

Đặc biệt, ngay từ tháng 8/2013, Quân chủng Phòng không – Không quân đã khởi công giai đoạn 1 của Dự án sửa chữa động cơ máy bay chiến đấu AL – 31F. Đây là loại động cơ hiện đại được trang bị trên tiêm kích đa năng Su-27 hiện có trong biên chế của Quân đội Việt Nam.

Với những bước tiến lớn này, công việc sửa chữa lớn đối với chiến đấu cơ Su-27SK 6005 sẽ sớm được tiến hành.

Theo Đất Việt