Thế giới

Việt Nam sẽ tự đóng cặp tàu Gepard tiếp theo ở trong nước?

Có thể khẳng định Việt Nam chắc chắn sẽ mua 6 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi. Điều nhiều người quan tâm là liệu 2 tàu tiếp theo Việt Nam sẽ tự đóng?

Có thể khẳng định Việt Nam chắc chắn sẽ mua 6 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi. Điều nhiều người quan tâm là liệu 2 tàu tiếp theo Việt Nam sẽ tự đóng?
Việt Nam có "điều kiện cần"
 
Với định hướng tiến thẳng lên hiện đại, trong vài năm gần đây, Quân chủng Hải quân (QCHQ) được quan tâm đầu tư mua sắm nhiều vũ khí mới, từ tàu ngầm Kilo, tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn, tàu tên lửa tấn công nhanh cho tới tên lửa bờ thuộc loại hiện đại nhất thế giới.
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cục bộ, chớp nhoáng, bên cạnh việc QCHQ luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu thì việc tiếp tục mua sắm và tiếp nhận vũ khí mới càng trở nên bức thiết.
 
Dự án tàu tên lửa tấn công nhanh 1241.8 (tàu M) do Tổng công ty Ba Son triển khai trong nước được đánh giá hết sức thành công. Hai tàu số hiệu 379 và 380 thuộc Dự án vừa được bàn giao hôm 2/6/2015, nâng tổng số tàu đã hoàn thành lên 4 chiếc.
 
Tiến độ đóng luôn được rút ngắn, tàu sau luôn nhanh hơn so với tàu trước, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, nhanh chóng đưa tàu vào biên chế, góp phần tăng sức mạnh của Hải quân Việt Nam.
 
Dự kiến, 2 tàu tiếp theo sẽ được bàn giao trong năm 2016 và sớm triển khai đóng 4 tàu M có cấu hình và vũ khí hiện đại hơn.
 
Thượng tướng Trương Quang Khánh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá:
 
Đóng thành công các tàu tên lửa tấn công nhanh là niềm tự hào của Tổng công ty Ba Son nói riêng, của Bộ Quốc phòng nói chung vì đã làm chủ được khoa học công nghệ hiện đại hàng đầu. Việc đưa vào biên chế những tàu tên lửa tấn công nhanh này góp phần nâng cao năng lực chiến đấu, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Qua đó, có thể thấy năng lực, trình độ của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc, đủ sức đóng những con tàu tên lửa lớn hơn và hiện đại hơn.
 
Việc đàm phán để mua thêm 2 tàu Gepard mở ra cơ hội lớn đối với Việt Nam, nếu ít nhất 1 trong 2 tàu được đóng trong nước. Bởi lẽ, ngành đóng tàu quân sự đã hội tụ đủ những điều kiện cần:
 
Thứ nhất, trình độ và năng lực của Việt Nam đủ sức đóng những con tàu hiện đại như Gepard. Về cơ bản, Gepard cũng áp dụng phương thức đóng "tổng đoạn" giống như tàu M mà Tổng công ty Ba Son đang triển khai. Đây là điểm hết sức thuận lợi.
 
Dù Gepard là loại tàu lớn và phức tạp hơn tàu M, nhưng với khả năng học hỏi nhanh, sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật Việt Nam thì đó không phải là trở ngại lớn đến mức không thể vượt qua.
 
Thứ hai, hiệu quả về kinh tế cao hơn nhiều. Qua dự án đóng tàu M, Việt Nam đã có sẵn nguồn nhân lực bậc cao dồi dào, giá nhân công thấp hơn đáng kể so với đóng tại Nga.
 

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya số hiệu 380 vừa được Tổng công ty Ba Son bàn giao cho QCHQ ngày 2/6/2015.

 
Tuy nhiên, trong trường hợp chỉ tự đóng 1 tàu trong nước thì có vẻ hơi lãng phí bởi không tận dụng hết được năng lực, cho dù đây là cơ hội tốt để ngành đóng tàu trong nước tích lũy thêm kinh nghiệm.
 
Sẽ là hợp lý nếu Việt Nam tự đóng không chỉ 1 - 2 tàu, mà có thể là tới 4 hay 6 tàu thuộc họ Gepard nhưng với nhiều biến thể khác nhau. Điều này có lợi cho cả 2 phía, Việt Nam tự chủ về công nghệ, Nga (trong đó có nhà máy) thu được ngoại tệ (hoặc đổi hàng).
 
Việc tự đóng trong nước các tàu Gepard vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt của Hải quân Việt Nam là tăng nhanh số lượng tàu mặt nước tiên tiến, vừa chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao để sẵn sàng đóng những lớp tàu lớn hơn, hiện đại hơn.
 

Mô hình hoàn chỉnh của tàu Gepard 3.9 sắp bàn giao cho QCHQ Việt Nam với cấu hình vũ khí, trang bị hầu như không khác so với 2 tàu đầu tiên. Thay đổi lớn nhất là tàu có sonar săn ngầm gắn dưới thân.

 
Nga góp "điều kiện đủ"
 
Tiến độ đóng tàu Gepard cho Việt Nam của Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk thường kéo dài, nhất là 2 tàu đang triển khai bị chậm so với kế hoạch chừng 1 năm, phải đến 2017 - 2018 mới giao, ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch xây dựng lực lượng của Hải quân Việt Nam.
 
Dù nguyên nhân là chủ quan hay khách quan, kể cả việc có thể là do Zelenodolsk đang phải đáp ứng ngày càng nhiều đơn hàng mới cho Hải quân Nga, nhưng sẽ là hợp lý hơn nếu Việt Nam giành lấy cơ hội tự đóng tàu cho mình.
 
Làm vậy, ta vừa san tải cho Zelenodolsk, vừa tiếp cận công nghệ đóng tàu hiện đại, mặc dù phải đối mặt với thực tế là nhà máy Zelenodolsk dù đóng chậm nhưng cũng muốn giành hợp đồng để tạo việc làm dài hạn cho công nhân.
 
Tuy nhiên, phải khẳng định các tàu Gepard được thiết kế theo yêu cầu đặc thù của Việt Nam, không phải là ưu tiên đối với Hải quân Nga, vì tương lai của họ là các lớp tàu như 20380/20385 hay 22350 vốn đang được đóng dồn dập với số lượng lớn.
 
Chưa kể, nếu Nga chào bán thành công tàu Gepard cho Sri Lanka, thì Nhà máy này phải tính toán lại việc phân bổ nguồn lực để cùng lúc vừa đóng tàu cho Hải quân Nga, vừa đóng tàu Việt Nam và bạn hàng mới kể trên. Không dễ để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của các bên.
 
Đó chính là các "điều kiện đủ" để Việt Nam có thể đàm phán thành công việc chuyển giao công nghệ nhằm tự đóng ít nhất 1 trong 2 tàu Gepard mới ở trong nước, thậm chí là với số lượng nhiều hơn, tạo thành một họ tàu với nhiều biến thể khác nhau.
 
Tóm lại, "điều kiện cần" và "điều kiện đủ" đều rất rõ, nên không có nhiều lý do ngăn cản Nga xuất khẩu công nghệ đóng tàu Gepard, nhất là khi Việt Nam thực sự quyết tâm, bởi đôi bên cùng có lợi.
 
>> Hai tàu Gepard 3.9 dự đóng của Việt Nam sẽ trang bị tên lửa Club-K?
>> Báo Nga: Việt Nam muốn mua thêm tàu tên lửa Gepard-3.9 nâng cấp
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)